Dường như ai cũng bất ngờ và không thể tin nổi bầu Kiên - người đàn ông quyền lực thuộc hàng nổi danh trong giới tài chính ngân hàng và bóng đá Việt Nam lại có ngày vướng vòng lao lý.
Nổi danh một thời
Ông Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi bầu Kiên sinh năm 1964) lớn lên tại Hà Nội. Năm 1980, ông thi đậu vào trường ĐH Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) sau đó đi du học tại Hungary ngành thông tin liên lạc quân sự. Sau khi về nước, ông là cán bộ trong ngành dệt may suốt 8 năm trước khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng.
Ông nguyên là thành viên Hội đồng sáng lập ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên còn là nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Thể thao ACB, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, nguyên Phó chủ tịch CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nguyên chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.
Ngoài những thông tin là “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng khi nắm giữ cổ phần của nhiều ngân hàng lớn nhỏ, bầu Kiên còn là cái tên được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực bóng đá với nhiều phát ngôn, hành động gây sốc.
Phải kể đến bài phát biểu của ông về cách tổ chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) gây “rúng động” giới bóng đá bởi trước đó chưa có tiền lệ. Sau đó, ông đưa ra ý kiến thành lập giải bóng đá chuyên nghiệp mang tên Super Liga với các câu lạc bộ hàng đầu Việt Nam. Ông còn “đòi” cải tổ lại ban tổ chức và bộ máy lãnh đạo bóng đá Việt Nam, cụ thể là những tiêu cực về trọng tài ở V-League…
“Cưa đổ” Hoa khôi trường Ngoại ngữ
Có thể nói, đối với bầu Kiên, bao nhiều năm lăn lộn thương trường, tiền tài địa vị có thừa song chỉ duy nhất gia đình với bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên, sinh năm 1972, từng là hoa khôi ĐH Ngoại ngữ) và các con là tài sản quý báu nhất ông có được.
Vào đầu những năm 90, bà Đặng Ngọc Lan từng làm người mẫu cho nhiếp ảnh gia Mai Nam. Không chỉ sở hữu ngoại hình nổi bật và trẻ trung hơn tuổi thật, bà Lan còn được nhiều người kính nể bởi tài năng hơn người.
Nếu như bầu Kiên từng là 1 trong 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thì bà Lan, vợ ông cũng không vừa khi từng giữ vị trí thứ 4 trong top 10 người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán. Thậm chí có thời điểm, bà Lan từng là người giàu thứ 21 trên sàn chứng khoán với lượng cổ phiếu ACB trị giá hơn 740 tỷ đồng.
Trước đây, khi bầu Kiên còn đương chức, những người quen biết còn thường xuyên bắt gặp cặp vợ chồng tình tứ đi xem hòa nhạc ở Nhà hát lớn, hay bầu Kiên đèo vợ dạo phố bằng xe máy, dù nhà không hiếm những chiếc ô tô đắt tiền. Cả hai lúc nào cũng như cặp vợ chồng còn son rỗi, lãng mạn có khi còn hơn cả các đôi trẻ.
Ngã ngựa
Năm 2012, sự kiện bầu Kiên bị bắt rúng động dư luận. Và sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Về hành vi kinh doanh tài chính trái phép, thông qua công ty Cổ phần đầu tư thương mại B&B của Nguyễn Đức Kiên. Theo cáo trạng, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do Kiên là Chủ tịch HĐQT/ Chủ tịch Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trái phép với số tiền lên tới hơn 21 tỷ đồng.
Đối với hành vi trốn thuế: Năm 2009, công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu lãi được hơn 100 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/UTĐT ngày 25/12/2008 và phụ lục hợp đồng, công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho người khác thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bầu Kiên chỉ đạo cấp dưới lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỷ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.
Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng là cổ đông lớn, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào các công ty sân sau do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, HĐTV, từ đó thực hiện các hành vi kinh doanh trái pháp luật (với thủ đoạn dùng các công ty phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng).
Sau quá trình xét xử sơ thẩm (ngày 9/6/2014) và phúc thẩm (ngày 15/12/2014), Nguyễn Đức Kiên đã bị tòa tuyên án 30 năm tù.
Trong đó 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép; 6 năm 6 tháng tù về tội Trốn thuế, áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng; 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt bổ sung 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vòng 5 năm.
Vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.