Ethiopia đang đàm phán lại các khoản nợ hàng tỷ USD vay của Trung Quốc cho dự án đường sắt kết nối quốc gia châu Phi với nước láng giềng Djibouti, nhằm tránh trường hợp vỡ nợ liên quan tới sáng kiến "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh.
Dự án tuyến đường sắt trên cao Addis Ababa Light Rail Transit (AALRT)
Việc xây dựng trên tuyến đường sắt trên cao Addis Ababa Light Rail Transit (AALRT) bắt đầu vào tháng 12/2011 sau khi đảm bảo nguồn vốn từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc (Export-Import Bank of China).
Tổng vốn đầu tư của tuyến đường sắt này là 475 triệu USD, 85% trong số đó được chi trả bởi một khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Exim. Phải mất 3 năm để China Railway Engineering Corporation (CREC) hoàn thành hai tuyến dài 34,4 km. Hoạt động thử nghiệm bắt đầu vào tháng 2/2015, sau đó 2 tuyến này được đưa vào hoạt động lần lượt vào tháng 9 và tháng 11 cùng năm.
Theo các số liệu chính thức, hệ thống này phục vụ trung bình 105.000-110.000 hành khách hàng ngày trong 14 tháng đầu tiên. Vé hiện có giá từ 2 đến 6 birr (0,08 - 0,20 USD) tùy thuộc vào khoảng cách của chuyến đi.
Kế hoạch ban đầu là giảm bớt lưu lượng giao thông ở thủ đô, nhưng theo những quan chức tại nước này, tuyến đường sắt AALRT đã không đạt được mục tiêu này. Chỉ có thể phục vụ tối đa khoảng 110.000 hành khách hàng ngày trong một thành phố với 6-7 triệu dân đã thể hiện sự hạn chế của tuyến đường sắt trên cao.
Hiện tại, giá vé tàu tương đương với chi phí đi xe buýt, nhưng tuyến đường sắt trên cao lại quá tải và chỉ có thể đến một số khu vực nhất định của thành phố. Nhiều quan chức nước này cho rằng nên gia tăng số lượng tàu điện, nhưng theo truyền thông địa phương, hệ thống này vốn bị hạn chế vì vấn đề điện.
Elias Kassa, giáo sư khoa học đường sắt tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, đã nói rằng các nhà quy hoạch đã thất bại trong việc tích hợp hệ thống đường sắt trên cao mới với hệ thống xe buýt có sẵn.
Đường sắt trên cao Addis Ababa Light Rail Transit (AALRT) được hỗ trợ bởi một khoản vay của Trung Quốc, được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc và hoạt động bằng tàu điện do Trung Quốc sản xuất.
Và tất nhiên, chẳng mấy chốc họ sẽ phải bắt đầu trả lại khoản vay cho Trung Quốc, với một dự án hầu như không tạo ra lợi nhuận. Chủ sở hữu, Tập đoàn Đường sắt Ethiopia, cho biết tuyến đường sắt trên cao có thu nhập hàng ngày khoảng 400.000 birr (14.000 USD).
Hệ thống được vận hành bởi một công ty Trung Quốc, Shenzhen Metro Group. Tập đoàn này đã được bàn giao điều hành vào tháng 12/2014 với hợp đồng trị giá 100 triệu USD trong ba năm (bắt đầu từ quý 1/2015 và chấm dứt vào tháng 8/2018 đi kèm với các điều khoản về đào tạo nhân sự địa phương để có thể tiếp quản hoạt động sau tháng 8/2018).
Tuy nhiên, việc kiểm soát vé tại đây lại khá lỏng lẻo. Nhiều người mua vé nhưng dường như không được yêu cầu xuất trình vé. Năm 2016, đơn vị quản lý dự định đưa vào hệ thống vé điện tử để quản lý việc thu tiền nhưng hệ thống này tính tới đầu 2019 vẫn chưa hoạt động. Đơn vị quản lý vẫn phải yêu cầu bù lỗ hàng triệu birr để trang trải chi phí quản lý và mua thiết bị thay thế. Dự án đường sắt trên cao Addis Ababa Light Rail Transit (AALRT) được cho là không thể có tiền trả nợ.
Hãng vận tải đường sắt Addis Ababa (AA-LRT) thông báo rằng họ đang chờ phản hồi của chính quyền thành phố Addis Ababa về các yêu cầu trợ cấp ngân sách lên tới 1,5 tỷ birr để trang trải chi phí cho phụ tùng và chi phí quản lý.
Theo các quan chức của LRT, trừ khi chính quyền thành phố công bố số tiền trợ cấp được yêu cầu, hệ thống vận chuyển sẽ gặp phải những thách thức khi cung cấp dịch vụ.
Dự án tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti
Tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti là tuyến đường sắt quốc tế đóng vai trò xương sống của mạng lưới đường sắt quốc gia mới của Ethiopia. Tuyến đường sắt này đã được khánh thành vào đầu năm 2018. Tuyến đường sắt này dài 759 km, nối liền Addis Ababa, thủ đô Ethiopia với cảng biển đa chức năng Doraleh nằm ở phía tây của nước láng giềng Djibouti.
Tuyến đường sắt thuộc sở hữu của chính phủ Djiboutian (ở Djibouti) và chính phủ Ethiopia (ở Ethiopia). Tại Ethiopia, Tập đoàn Đường sắt Ethiopia thuộc sở hữu nhà nước đại diện cho chủ sở hữu của tuyến đường sắt này.
Ethio-Djibouti Standard Gauge Rail Transport S.C., một công ty liên doanh giữa hai quốc gia có trụ sở tại Addis Ababa, được thành lập vào năm 2017 để vận hành đường sắt. Nó thuộc sở hữu của chính phủ Ethiopia (75% cổ phần) và Djibouti (25% cổ phần). Công ty hiện đang chiếm một vai trò hành chính, nhưng nó sẽ tiếp quản các hoạt động đường sắt vào đầu năm 2024.
Trong khi đó, từ 2018 cho tới 2024, mọi hoạt động trên tuyến đường sắt mới sẽ do China Railway Group Limited (CREC) and the China Civil Engineering Construction Corporation (CCECC) điều hành. Trong thời gian này, các công ty sẽ đào tạo nhân viên địa phương để họ có thể tiếp quản các hoạt động đường sắt khi kết thúc thời gian hoạt động ban đầu.
Một cuộc khảo sát về các dự án đường sắt Đông Phi của chính phủ Nhật Bản vào đầu năm 2017 cho thấy chi phí thực tế của tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti là khoảng 5,2 triệu USD mỗi km, dẫn đến tổng chi phí khoảng 4,5 tỷ USD. Con số này cao hơn khoảng 30% so với dự kiến ban đầu.
Dự án này có các khoản vay với tổng trị giá 3 tỷ USD từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc, với 2,4 tỷ USD sẽ được chuyển đến khu vực đường sắt của Ethiopia và số dư sẽ được chi tiêu ở Djibouti. Các khoản vay bổ sung đã được hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.
Theo SCMP, chính phủ Addis Ababa và Bắc Kinh đã có những cuộc đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ liên quan tới dự án đường sắt kết nối với Djibouti. Trong đó, Ethiopoa mong muốn Trung Quốc giãn nợ hoặc xóa nợ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm nền kinh tế Ethiopia càng trở nên khó khăn và đứng trước nguy cơ vỡ nợ.