4 thập kỷ qua, sử gia và giới khảo cổ lầm tưởng rằng đã giải mã thành công một trong những bí ẩn bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Sự thật không phải vậy!
Phát hiện cách đây 45 năm, tượng binh mã Tần Thủy Hoàng (còn gọi là đội quân đất nung) ẩn chứa rất nhiều bí ẩn khiến giới khảo cổ và các nhà sử học không ngừng giải mã.
Trong 4 thập kỷ, các nhà nghiên cứu tin rằng loạt vũ khí bằng đồng niên đại 2.200 năm tuổi bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo quản tốt đến mức đáng kinh ngạc là vì chúng được mạ crôm.
Để tìm hiểu ngọn ngành phát hiện khoa học mới liên quan đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng vừa công bố trên Tạp chí Scientific Reports, hãy cùng National Geographic lật mở vấn đề.
Nếu nhìn thấy vòi nước trong phòng tắm nhà bạn có màu bạc sáng bóng thì có khả năng chúng được mạ crôm.
Các thí nghiệm với công nghệ chống gỉ này bắt đầu ở châu Âu vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, suốt 4 thập kỷ qua, một giả thuyết được lưu hành trong giới khoa học: Mạ crôm được phát minh vào thế kỷ thứ 3 Trước Công nguyên (TCN) ở Trung Quốc và được sử dụng nhằm ngăn chặn sự ăn mòn của các loại vũ khí bằng đồng chôn cùng với đội quân đất nung, bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Giả thuyết này liền xuất hiện trong những năm 1970 - đây là thập niên chứng kiến sự phát hiện của di sản thế giới (lăng mộ Tần Thủy Hoàng) ngày 29/3/1974, khi một người nông dân đào giếng vô tình tìm thấy tại một địa điểm gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc.
Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng được phát hiện cách đây 45 năm. Nguồn: National Geographic
Có niên đại lên đến 2.200 năm tuổi nhưng các vũ khí bằng đồng trong khu lăng mộ lớn này được bảo quản tốt đến mức khó tin. Để lý giải, các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng phân tích tiên phong gọi là ánh xạ thành phần và phát hiện một lớp crôm trên một mẫu nhỏ của vũ khí.
Từ đó, họ kết luận các loại vũ khí bằng đồng này có thể được nhúng vào dung dịch ôxit crôm - đây là phương pháp phủ khác với kỹ thuật mạ crôm hiện đại.
Nhà sử học Trung Quốc kết luận, phát minh này trở thành một cuộc cách mạng kỹ thuật vĩ đại kéo dài hơn hai thiên niên kỷ trước ở triều đại nhà Tần.
Tuy nhiên, công bố trên trên Tạp chí Scientific Reports đã bác bỏ tất cả.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ các trường đại học Anh, Mỹ và Bảo tàng Lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) đã nghiên cứu tỉ mỉ 464 mũi tên bằng đồng, lưỡi kiếm, đai chuôi, cung... tìm thấy bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Mũi tên tìm thấy bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nguồn: National Geographic
Bằng việc sử dụng kính hiển vi công nghệ cao SEM/EDS, các nhà nghiên cứu phát hiện bề mặt và cấu trúc kim loại của các vũ khí này. Ngoài ra, việc sử dụng huỳnh quang tia X cũng cho thấy thành phần hóa học trên chúng.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng, các nhà nghiên cứu khẳng định, vũ khí trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phủ một lớp SƠN MÀI. Đây chính là "chất bảo quản" cho các loại vũ khí mà giới nghiên cứu trước kia cho rằng là dung dịch ôxit crôm.
Trưởng nhóm nghiên cứu Marcos Martinon-Torres, thuộc Đại học Cambridge (Anh), thừa nhận ông rất ngạc nhiên với những phát hiện này, tuy nhiên cũng không quên dành lời khen cho nghiên cứu của những năm 1970.
W. Thomas Chase, một chuyên gia bảo tồn công nghệ đồ đồng của Trung Quốc, cho biết nhóm của ông đã có được công trình dày công tuyệt vời trong việc bác bỏ lý thuyết vũ khí trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được mạ crôm và đưa ra được phát hiện thay thế khả thi (vũ khí được phủ lớp sơn mài).
Ông nói thêm, sơn mài và đất chính xác là những gì cần thiết để người xưa sử dụng nhằm tránh được sự ăn mòn cũng như bảo quản các đồ tạo tác kim loại lâu dài. Ngoài ra, sơm mài còn là hỗn hợp của nhiều nguyên liệu khác như vàng thếp, vỏ trai, nhựa thông...
Chuyên gia của National Geographic xem xét bên trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nguồn: National Geographic
Robert Murowchick, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Boston (Mỹ), nói rằng ý tưởng về crôm ban đầu là một lý thuyết hợp lý để mọi người chấp nhận trong một thời gian dài như thế. Bởi ý tưởng về lớp phủ chứa crôm để bảo quản vũ khí thời Tần không phải là không có cơ sở.
Đây có thể là một lời giải thích hấp dẫn cho cả các học giả và công chúng, theo ông Mur Murchchick, vì nó hợp lý với câu chuyện được lưu truyền bởi các nhà sử học Trung Quốc thời xưa về một hoàng đế "rất đam mê" với sự bất tử và thuốc trường sinh.
Những phát hiện ít ỏi về lăng mộ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc
- Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất vào năm 221 TCN. Ông là một trong những hoàng đế có công xây dựng Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng.
- Đội quân đất nung hay Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng, còn gọi là Binh mã dũng (nghĩa là "Tượng đội quân và ngựa") là một quần thể tượng người, ngựa bằng đất nung gần Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
- Quần thể này được tình cờ phát hiện năm 1974 tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
- Bên trong lăng mộ chứa hơn 8000 tượng binh sĩ có kích thước người thật, với kiểu tóc, khuôn mặt, đôi tai, biểu cảm và thần thái khác nhau.
- Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bắt đầu xây vào năm 246 TCN. Sau 38 năm cùng hơn 700.000 nhân công và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ khổng lồ này mới hoàn thành.
- Lăng mộ Tần Thủy Hoàng gần giống như một kim tự tháp bằng đất cao 76 m và rộng gần 350 m².
- Hoàng đế Tần Thủy Hoàng được chôn trong quan tài cùng với nhiều ngọc ngà châu báu và đặt trong dòng thủy ngân (vừa để biểu tượng cho dòng sông đang chảy vừa để diệt khuẩn và gây độc chết người về sau cho những kẻ muốn phá mộ).
- Cho đến nay, khu lăng mộ được ví như di sản thế giới này đang được bảo vệ nghiêm ngặt trước sự ăn mòn của thiên nhiên cũng như những tay trộm mộ.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic
Theo Trang Ly
HELINO