Trả lời thẩm vấn chiều nay, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh nói rất thấm thía, ân hận và day dứt khi để vụ việc này xảy ra.
Sau gần 2 ngày xét hỏi Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, chiều nay, HĐXX thẩm vấn bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Xuất hiện trong chiếc áo khoác sẫm màu, ông Phan Văn Vĩnh khá bình tĩnh, không có biểu hiện mệt mỏi.
Ân hận, day dứt
Trước khi vào phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi bị cáo Vĩnh có cần thiết ngồi ghế để trả lời HĐXX hay không, bị cáo trả lời xin đứng. Khi nào bị cáo cảm thấy sức khỏe có dấu hiệu, sẽ xin để ngồi ghế.
Trả lời câu hỏi, bản cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ kết luận có đúng người đúng tội với mình hay không, ông Vĩnh thừa nhận đúng và không có ý kiến gì.
Ông Vĩnh nói: 6 ngày rưỡi ngồi nghe 90 phiên thẩm vấn các bị cáo, trong lòng rất day dứt và hối hận, bởi vì 92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã lâm vào vòng lao lý. Không những thế, hàng triệu công dân khác cũng liên lụy, chắc chắn giờ này họ cũng đang có nhiều đau khổ.
"Bị cáo rất thấm thía, ân hận với vai trò trách nhiệm, từng là chỉ huy cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm. Lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn để không có sự việc này xảy ra", lời bị cáo Vĩnh.
Trả lời về mối quan hệ với Nguyễn Thanh Hóa, ông Vĩnh nói đó là quan hệ cấp trên cấp dưới. 8 năm hoạt động chưa lúc nào có mâu thuẫn.
Với các bị cáo khác như Nguyễn Văn Dương, cũng không có gì mâu thuẫn. Dương là mối quan hệ đối tác thực hiện nhiệm vụ do C50 chỉ đạo và điều hành.
Khi nhận nhiệm vụ từ địa phương về Tổng cục, trong một cuộc chia tay ở Nam Định, bị cáo có gặp Nguyễn Văn Dương, nhưng lúc đó chưa có quan hệ gì. Sau thời điểm về nhận nhiệm vụ tại Tổng cục Cảnh sát từ năm 2011, lúc đó C50 đã được thành lập. Theo chủ trương của Bộ Công an, C50 được phép lập công ty nghiệp vụ làm bình phong để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.
Khẳng định việc thành lập CNC là đúng chủ trương, nằm trong kế hoạch và thực hiện đúng theo quy trình, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, trước đó Ban Thường vụ của Đảng ủy Tổng cục đã thảo luận rất kỹ rồi mới đi đến thống nhất lập tờ trình trình Bộ về việc thành lập công ty bình phong.
Bận quá nhiều việc nên nhiều việc lãng quên
Trả lời câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm đối với CNC, bị cáo Vĩnh nói: "Vì là đơn vị trực thuộc C50 nên Cục trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc điều hành, quản lý".
Bị cáo Vĩnh với vai trò là Tổng cục trưởng phụ trách 16 đơn vị trực thuộc, C50 cũng chỉ là 1 trong số đó, nhất là đã được giao cho một Phó tổng cục trưởng phụ trách trực tiếp.
Việc thành lập, ký kết thỏa thuận giữa CNC và C50, ông Vĩnh khẳng định mình có được báo cáo lại sau khi đã ký xong, tuy nhiên không phải bằng văn bản mà chỉ là báo cáo từ cấp dưới lên.
“Anh Hóa có thông báo với bị cáo về việc C50 có ký kết với CNC. Do việc thành lập công ty nghiệp vụ đã được đưa vào chủ trương; Cục trưởng C50 không nói đến việc góp người, góp vốn. Do nhiều công việc khác, đây chỉ là một trong 16 đầu mối phải chỉ đạo nên bị cáo không hỏi lại", lời ông Vĩnh.
Ông Vĩnh cũng cho biết, việc CNC đặt trụ sở tại số 10 Hồ Giám là đất được Bộ Công an giao cho Tổng cục Cảnh sát quản lý, Tổng cục đã giao cho Cục Chính trị Hậu cần bảo quản, nên việc có thể cho thuê, bị cáo cho rằng cũng là một giải pháp hợp lý. Đó không phải là trụ sở quy mô, to lớn nào.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh cũng khẳng định không biết CNC được cấp xe biển xanh.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh nhiều lần xúc động khi được hỏi những câu liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm trong việc để xảy ra những sai phạm vô cùng nghiêm trọng dẫn đến vụ án ngày hôm nay.
Nhiều chi tiết, sự việc HĐXX thẩm vấn, nhiều số hiệu văn bản, ngày ký văn bản… được yêu cầu trả lời, bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết “đã lâu” và do bận quá nhiều việc nên bị cáo “lãng quên”.
Theo Vietnamnet