Một nghiên cứu mới đây của the Creative Group cho biết, có gần 1/3 trong số những người nắm giữ chức vụ bị đồng nghiệp chơi xấu trong công việc. Cụ thể đó hành vi sử dụng email để tố cáo những lỗi sai của ai đó lên cấp trên.
Đôi khi, các mối quan hệ tại nơi làm việc diễn ra rất phức tạp và khó hiểu. Khi những tính cách khác nhau tập trung tại một nơi, kết hợp với cạnh tranh và sự ích kỷ cá nhân, đó là lúc xảy ra những hành vi chơi xấu, đố kỵ.
Nhưng bạn nên làm gì khi bị đồng nghiệp chơi xấu?
Giám đốc điều hành Shefali Raina, thành phố New York cho biết: "Điều này xảy ra thường xuyên hơn bạn tưởng. Và hành vi này có thể bao gồm từ đơn giản như nói xấu, ghen ghét, đến phá hoại toàn bộ công việc của bạn. Để đối phó với những kiểu đồng nghiệp này, đòi hỏi phải kết hợp cả chiến lược và kỹ năng.
Tìm hiểu tình hình thực tế
Raina nói, bước đầu tiên là cố gắng giữ cảm xúc của bạn trong tầm kiểm soát để đánh giá tình hình. Có thể, bạn mâu thuẫn với đồng nghiệp, thậm chí là bị đối xử bất công và cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu các bạn đưa ra giả định về tình huống sai lầm hoặc phản ứng thái quá trong lúc tức giận, bạn sẽ làm tình hình càng thêm trầm trọng.
Nên giữ bình tĩnh và tìm hiểu kỹ tình hình.
"Hãy tìm hiểu kỹ việc đồng nghiệp không thích bạn hay phá hoại công việc của bạn là có thật, hay chỉ là do bạn tưởng tượng. Não bộ của chúng ta có một khả năng tuyệt vời đó là tạo ra những câu chuyện và xâu chuỗi các thông tin dựa trên thực tế không đầy đủ. Do đó, có thể sự thật thực chất không phải là như vậy, và chúng ta đang tự suy diễn nó", bà giải thích. Hãy quan sát thực tế một cách khách quan để bạn có thể làm những bước tiếp theo tốt nhất.
Đứng trên phương diện của họ
Đôi khi, bạn có thể hiểu người khác hơn nếu đặt mình vào vị trí của họ. Diane Domeyer, giám đốc điều hành của Menlo Park, thuộc The Creative Group nhận định: "Một số nhân viên, đặc biệt là những người hoạt động trong các lĩnh vực cạnh tranh cảm thấy không thể phát triển nếu làm cùng đồng nghiệp khác. Việc hạ thấp người khác xuống hay cướp công sức của đồng nghiệp có thể khiến họ cảm thấy mình được tỏa sáng".
Cần nhìn vào động cơ của đồng nghiệp với sự đồng cảm. Hãy tự hỏi mình: "Bạn có phải là một người mới và trở thành mối đe dọa cho họ không? Gần đây, bạn có muốn phấn đấu để thăng chức không?". Hãy suy nghĩ lý do đồng nghiệp coi bạn như kẻ thù.
Đừng trả đũa
Hành động ăn miếng trả miếng sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Domeyer nhắc nhở: "Tránh hành động nóng vội trong thời điểm này. Chờ cho đến khi bạn bình tĩnh để bắt đầu một cuộc nói chuyện lịch sự, thẳng thắn với đồng nghiệp, ngay cả khi tình hình không có tiến triển tốt”.
Nói chuyện thẳng thắn
Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả bạn tìm hiểu thực tế và đánh giá khách quan. Domeyer chia sẻ, nghiên cứu của TCG cho thấy 41% người được hỏi nghĩ rằng tốt nhất là tự hành động, trong khi 40% nghĩ rằng nên nhờ đến cấp trên.
Bà Domeyer nói thêm: "Những việc bạn nên làm còn phụ thuộc vào người bạn đang đối phó là ai. Đó là người không thích bạn hay là người đang cố hại bạn và phá hoại công việc của bạn. Nếu đó chỉ là những người ghét bạn thì tốt nhất là nên tự giải quyết. Còn nếu là những người muốn phá hoại bạn, hoặc bạn đã cố gắng giải quyết với họ nhưng không thành và khiến cho tình hình xấu đi thì bạn cần nhờ đến người quản lý. Tuy nhiên, nếu cho thấy rằng, bạn đang tự giải quyết mâu thuẫn, điều đó có thể khiến ông chủ đánh giá cao nỗ lực của bạn trong việc giải quyết vấn đề trước tiên”.
Đối đầu theo cách văn minh
"Nếu bạn đang đối phó với kiểu người đố kỵ và nhỏ nhen, cách tốt nhất là nên nói chuyện một cách văn minh", theo chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực Cornelia Gamlem, chủ tịch Tập đoàn GEMS, và là đồng tác giả của cuốn Cẩm nang khắc phục xung đột tại nơi làm việc.
"Khi chắc chắn mình đủ bình tĩnh để không làm sự việc thêm căng thẳng, hãy chọn thời điểm để nói chuyện riêng với người đang ghét bạn. Không sử dụng những ngôn ngữ thô tục, đe dọa và trình bày mối quan tâm của bạn về căng thẳng hoặc hành vi xấu mà người đó đã làm. Giữ sự tôn trọng trong khi trò chuyện và thảo luận về những gì bạn quan tâm".
Nếu người đó nói: "Được rồi. Tôi hiểu điều bạn muốn nói. Nhưng hãy dành thời gian để nói về gốc rễ của vấn đề" thì đó là tín hiệu tốt. Đôi khi, người ta chỉ muốn được lắng nghe. Việc nói chuyện nghiêm túc như vậy có thể giúp cả hai bạn hiểu nhau hơn.
Thẳng thắn nói chuyện có thể khiến hai người hiểu nhau hơn.
Tăng cường hành động
Nếu tình hình có thể gây hại đến công việc của bạn, hãy ghi lại bằng chứng, càng nhiều càng tốt và nhận sự trợ giúp của người khác. "Ví dụ nếu người đó thực sự muốn phá hoại khiến cho bạn mất cơ hội, hỏng việc hoặc hạ thấp danh tiếng của bạn, đừng sợ hãi, hãy đối mặt với họ không cảm xúc. Theo kinh nghiệm của tôi, một đồng nghiệp cố tình muốn phá hoại sẽ không cảm thấy thỏa mãn nếu họ không làm được nó. Bạn nên nhờ người giám sát hoặc đồng nghiệp khác để theo dõi và giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn".
Đôi khi, bạn cần phải chấp nhận rằng một số người sẽ không thích bạn. Nhưng khi sự khác biệt về tính cách và phong cách làm việc khiến họ coi bạn là kẻ thù và phá hoại công việc của bạn thì hãy hành động nhanh chóng, quyết đoán để giảm tối đa thiệt hại tiềm ẩn.
Ý Nhi/Theo Fast Company