"Shark nghĩa là "cá mập" thì phải THÍNH và HAM, đã làm kinh doanh thì phải tối đa hoá lợi nhuận. Kinh doanh ra kinh doanh, từ thiện ra từ thiện", Shark Bình thẳng thắn lên tiếng sau nhiều inbox hỏi hạn "Shark đầu tư như vậy có tham lam quá không?" trong thương vụ rót vốn 1,2 triệu USD vào Perfect.
Thương vụ rót vốn vào Perfect mới đây khiến Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT NextTech chịu khá nhiều điều tiếng.
Sau cú chốt deal 1,2 triệu USD đổi lấy 25% lợi nhuận/năm trong 10 năm vào startup công ty thiết bị gia đình Minh Trí (đang sử dụng thương hiệu Perfect), Shark Bình cho biết nhiều bạn inbox hỏi "Shark đầu tư như vậy có tham lam quá không?".
Giải đáp thắc mắc này, Shark Bình cho biết thương vụ Perfect là một deal tài chính đơn thuần: Đầu tư vào một doanh nghiệp đang có lợi nhuận trong một thị trường lớn với kỳ vọng Return-on-Investment (ROI - tỷ suất hoàn vốn) phải cao.
Còn về câu chuyện "tham" của cá mập, ông Bình chia sẻ 3 ý:
1. Shark nghĩa là "cá mập", mà cá mập thì phải THÍNH và HAM, đã làm kinh doanh thì phải tối đa hóa lợi nhuận. Kinh doanh ra kinh doanh, từ thiện ra từ thiện. Cá tính của Shark thích sự rõ ràng và sòng phẳng. Nếu Shark ra Deal có "sâu" thật thì đó là một thuộc tính cơ bản của người làm kinh doanh.
2. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định "Shark không hề tham vì đây không phải là một Deal hời cho Shark như mọi người suy đoán".
"Này nhé, lợi nhuận năm nay của Perfect khoảng 10 tỷ đồng, Shark thế chấp tài sản để bảo lãnh cho Startup vay 28 tỷ đổi lấy 25% lợi nhuận ròng. Nếu không tăng trưởng thì Shark được chia có 2,5 tỷ tương đương tỷ suất 9%/năm. Tuy cao hơn lãi suất gửi ngân hàng chút đỉnh (khoảng 7%), nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro nếu Startup làm ăn không tốt (đi xuống hoặc thua lỗ) thì tài sản đảm bảo của Shark sẽ bị ngân hàng xiết nợ", Shark Bình phân tích.
3. Về phía Perfect, Shark Bình cho rằng đây là một deal rất hời cho startup, bởi startup sẽ không bao giờ vay được ngân hàng nếu không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, có vay được thì không bao giờ có lãi suất tốt như thế (9%) mà tối thiểu phải 12-15% hoặc cao hơn...
"Nếu Shark muốn gia tăng lợi nhuận thì phải đồng hành cùng chiến đấu cùng Founder giúp Perfect tăng mạnh lợi nhuận hàng năm. Muốn vậy Startup sẽ phải mở rộng quy mô sản xuất và bán hàng, đồng nghĩa với gia tăng chi phí đi kèm với rủi ro. Điện tử gia dụng là ngành hàng nhiều cạnh tranh nên scale-up không dễ, mà lại còn đồng hành những 10 năm, nếu không gọi là TRI KỶ thì là gì?", Shark Bình nhấn mạnh.
"Tri kỷ là người cổ vũ động viên khi Startup làm đúng, phản biện và can gián nếu Startup làm sai... Cùng "biết, bàn, làm, kiểm tra" bằng mọi cách giúp Startup thành công kể cả có phải đắng hoặc gắt. Win cùng Win, Lost cùng Lost, High Risk thì phải High Return".
Giải thích này có vẻ đi ngược với "thú nhận" của Shark Bình trước đó.
Trong một video bình luận sau thương vụ rót vốn vào Perfect, Shark Bình nhìn nhận xét về mặt tài chính, đây là một deal hời cho Shark sau khi tính toán.
"Về mặt tài chính, đây là một doanh nghiệp đang có lợi nhuận, và doanh nghiệp này chỉ thiếu đòn bẩy về tài chính để họ có thể scale-up theo đúng ngách các sản phẩm gia dụng tiện ích. Đây là quyết định đầu tư thuần túy về lợi nhuận. Và mình đưa ra deal structure chia sẻ lợi nhuận chứ không lấy cổ phần thông qua việc bảo lãnh tín dụng".
"Cá nhân mình sau khi tính toán thì cho rằng: Nếu doanh nghiệp này làm đúng theo những gì Founder chia sẻ và cam kết về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, thì đó cũng sẽ là một deal hời về mặt tài chính cho Shark", Shark Bình tuyên bố.
Trí thức trẻ