Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bí mật những gia tộc tỷ đô: Hoàng tộc Saud giàu nhất quả đất

30/08/2018 09:43

Nhà Saud (Al Saud), hay Hoàng gia Saudi Arabia, được đánh giá là hoàng tộc giàu nhất hành tinh, vượt xa hoàng tộc giàu thứ nhì là Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, gia tộc này không có tên trong danh sách 25 gia tộc giàu nhất của Bloomberg, với lý do “quá lớn, quá phân tán”.

>>> Bí mật những gia tộc tỷ đô: Đế chế Rothschild

>>> Bí mật những gia tộc tỷ đô Kỳ 2: Tỷ phú ẩn danh Rockefeller

Nắm quyền từ thế kỷ 18

Nhà Saud nắm quyền cai trị của Saudi Arabia. Gia tộc này có hàng ngàn thành viên, bao gồm con cháu của Muhammad Ibn Saud, người sáng lập Tiểu vương quốc Diriyah, được gọi là Nhà nước Saudi thứ nhất (1744-1818) và các anh em của ông, dù những người nắm quyền tối cao hiện nay đều là con cháu của vua Abdulaziz Ibn Abdul Rahman Al Saud. Gia tộc này theo Hồi giáo dòng Sunni và ủng hộ cho sự thống nhất của bán đảo Ả Rập.

Người có ảnh hưởng nhất trong gia tộc này là người nắm giữ chức vị Vua Saudi Arabia, hiện là Quốc vương Salman Ibn Abdulaziz Al Saud, năm nay 82 tuổi. Ông đang sở hữu tài sản ước tính 17 tỷ USD và đã chuyển giao phần lớn quyền lực sang cho người kế vị là Thái tử Mohammed Bin Salman, 32 tuổi. Luật thừa kế của Saudi Arabia quy định ngai vàng được truyền cho các con trai của vị vua đầu tiên, vua Abdulaziz. Hoàng gia hiện nay có tới hơn 15.000 thành viên, nhưng chỉ có 2.000 người trong số đó nắm giữ phần lớn của cải và quyền lực trong vương quốc.

Nhà Saud đã cai trị bán đảo Ả Rập qua 3 giai đoạn: Tiểu vương quốc Diriyah - Nhà nước Saudi I (1744-1818), Tiểu vương quốc Nejd - Nhà nước Saudi II (1824-1891) và Nhà nước Saudi III (1902 đến nay) - đã phát triển thành Saudi Arabia hiện đại vào năm 1932.

Nhà nước Saudi đầu tiên được đánh dấu bằng sự mở rộng của chi phái Hồi giáo Wahhabi. Nhà nước Saudi thứ hai được đánh dấu bằng các cuộc đấu đá liên tục trong nội bộ. Vương quốc Saudi Arabia ngày nay là một trong những quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực Trung Đông. Gia tộc này mâu thuẫn sâu sắc với Đế quốc Ottoman, Tổng đốc của Mecca và gia tộc Al Rashid của Ha’il.

Ngày nay, “Al Saud” được hình thành từ các hậu duệ của Muhammad Ibn Saud hoặc 3 anh em của ông là Farhan, Thunayyan và Mishari. Các nhánh nhỏ hơn của Nhà Saud được gọi là các chi thứ. Những người này nắm giữ địa vị cao trong xã hội, ở cả hành chính hay quân đội, dù họ không phải là những người được thừa kế ngai vàng. Họ liên kết với nhau trong Nhà Saud để khẳng định dòng dõi của mình và tiếp tục gây ảnh hưởng trong chính phủ.

Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud, năm nay 82 tuổi.

Đô la dầu mỏ

Theo ước tính của Brand Finance, tổng giá trị tài sản ước tính của Nhà Saud lên tới 1.400 tỷ USD, gấp gần 16 lần tài sản của Hoàng gia Anh (88 tỷ USD). Tài sản lớn của Hoàng gia Saudi Arabia đến từ nguồn dầu mỏ tưởng như vô tận khai thác hơn 75 năm qua.

Giá dầu mỏ tăng mạnh trong vài thập niên giúp hoàng tộc Saudi Arabia thu về hàng ngàn tỷ USD, một phần số tiền này phục vụ đời sống vương giả của những thành viên danh giá. Vua Salman thậm chí còn thành lập 1 doanh nghiệp gia đình có tên “Tập đoàn Al Saud” để đầu tư ra nước ngoài, cũng như thực hiện các thương vụ mua sắm bạc tỷ.
Các thành viên Hoàng gia Saudi Arabia nổi tiếng với lối sống xa hoa. Năm 2016, một công chúa Saudi Arabia đã chi 30 triệu USD (khoảng 650 tỷ đồng) để mua 1 khu bất động sản tại Rue Octave-Feuillet (Pháp). 15.000 hoàng tử, công chúa Saudi Arabia hiện cũng đang được hưởng những đặc quyền bất kỳ ai cũng thèm thuồng.

Họ được chữa bệnh trong những căn phòng như cung điện với dịch vụ của khách sạn 5 sao. Sân bay ở Saudi Arabia có phòng dành riêng cho hoàng tộc với đèn chùm lộng lẫy, gạch lát tinh xảo và những tấm thảm Italia đắt giá. Trong hoàng tộc, sự chênh lệch về của cải cũng rất khác nhau, nhất là những người được thừa kế chính thức từ vua.
Nhiều người “chỉ” được lái những chiếc Range Rover hay Mercedes rẻ tiền và ở trong khu căn hộ “đơn sơ” tại thủ đô Riyadh, thay vì lái siêu xe Lamborghini hay Ferrari như anh chị em mình ở London. Vị vua lập quốc Abdulaziz có tới hàng chục người con và cháu lên tới hàng trăm người. Vị vua đời thứ 2 cũng có 53 người con ruột. Mỗi khi có sự kiện hoàng gia, Saudi Arabia phải huy động tới một sân vận động mới đủ chỗ chứa.

Năm 1996, một nhân viên ngoại giao ở đại sứ quán Hoa Kỳ tại Riyadh trong một dịp tới Bộ Tài chính và Ngân sách để làm việc, đã choáng váng khi nhìn thấy những cọc tiền xếp ngổn ngang chờ thành viên hoàng gia tới lấy. Người này cho biết số tiền cấp cho thành viên hoàng gia chênh lệch khá lớn, từ 270.000USD/tháng (khoảng 6 tỷ đồng) cho tới 8.000USD (khoảng 180 triệu đồng).

Số tiền lớn nhất dành cho con trai của vua lập quốc và số tiền ít nhất là dành cho chắt của vị vua này. Nếu thành viên hoàng gia nào kết hôn, họ sẽ được cho từ 1-3 triệu USD tiền quà cưới. Trang WikiLeaks từng khẳng định năm 2012 rằng số tiền hoàng gia Saudi Arabia chi cho các thành viên khoảng 2 tỷ USD trong tổng số 40 tỷ USD chi tiêu quỹ công.

Phân quyền trong hoàng tộc

Ở Saudi, quốc vương nắm giữ cả tam quyền là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc vương đồng thời là Thủ tướng và chủ trì Hội đồng Bộ trưởng (Majlis al-Wuzara). Do hoàng tộc có số lượng thành viên đông đảo nên họ có thể kiểm soát hầu hết chức vụ quan trọng của quốc gia, tham gia và hiện diện trong mọi cấp độ chính phủ. Số lượng thân vương ước tính lên tới 7.000 (khoảng năm 2010), trong đó có quyền lực và ảnh hưởng nhất là các hậu duệ nam giới của quốc vương khai quốc Ibn Saud. Các chức vụ bộ trưởng quan trọng thường được dành cho hoàng tộc, cũng như 13 chức vụ thống đốc vùng.

Các chức vụ chính trị và chính phủ dài hạn dẫn đến hình thành “các đất phong quyền lực” cho thân vương cấp cao, như Quốc vương Abdullah từng là Tư lệnh Vệ binh Quốc gia từ năm 1963 (cho đến năm 2010, khi ông bổ nhiệm con trai mình thay thế). Quốc vương Salman giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Hàng không giai đoạn 2011-2015, và giữ chức Thống đốc tỉnh Riyadh từ năm 1962 đến năm 2011. Con trai Quốc vương Salman là Mohammad bin Salman kế nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Hoàng tộc trên phương diện chính trị bị phân thành các phái hệ dựa trên lòng trung thành theo dòng dõi, tham vọng cá nhân và tư tưởng. Phái hệ dòng dõi có quyền lực nhất được gọi là “Sudairi Bảy”, gồm các anh em cùng cha cùng mẹ với Quốc vương Fahd và các hậu duệ của họ.

Phân chia tư tưởng bao gồm các vấn đề về phương hướng cải cách, vai trò của Ulema (thể chế gồm các thủ lĩnh tôn giáo và luật gia Hồi giáo) nên được tăng lên hay giảm xuống. Vấn đề người kế vị luôn là sự phân tranh trong hoàng tộc. Trong nhiều năm, chính phủ Saudi Arabia và hoàng tộc thường xuyên bị cáo buộc tham nhũng. Tại một quốc gia được cho là “thuộc về” hoàng tộc và quốc hiệu đặt theo họ của hoàng tộc, ranh giới giữa tài sản quốc gia và của cải cá nhân của các thân vương cấp cao là điều mập mờ.

(còn tiếp)
Văn Cường