Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền nhân dân tệ.
Không giống các loại tiền điện tử như Bitcoin, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không ẩn danh hoàn toàn và giá trị của nhân dân tệ điện tử sẽ ổn định như loại tiền giấy đang lưu thông.
Một số bí ẩn phía sau đồng tiền này vẫn còn bị bỏ ngỏ chưa có câu trả lời. Nhiều người cho rằng đằng sau sự gấp rút của Trung Quốc là mong muốn quản lý sự thay đổi công nghệ theo cách riêng. Theo một quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chủ quyền.
Kế hoạch của PBOC là gì?
PBOC là ngân hàng trung ương đầu tiên ra mắt tiền điện tử (nguồn: Forbes) |
Chi tiết kế hoạch của PBOC khi phát hành loại tiền điện tử chưa được đưa ra, nhưng theo các bằng sáng chế mới được đăng ký bởi PBOC và các bài phát biểu chính thức, đồng tiền này có thể hoạt động với quy trình: Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải xuống ví kỹ thuật số trên điện thoại di động và nạp tiền kỹ thuật số từ tài khoản ngân hàng của họ. Sau đó, họ có thể thanh toán hoặc nhận tiền từ bất kỳ ai có ví điện tử, giống như việc sử dụng tiền mặt thông thường.
Tại sao PBOC phát hành tiền điện tử?
Trung Quốc có những cân nhắc quan trọng về quy định pháp lý cũng như động cơ chính trị. Khả năng theo dõi sự dịch chuyển của tiền điện tử sẽ hữu ích trong việc đối phó hoạt động rửa tiền và nhiều hành vi phi pháp khác.
Dự án tiền điện tử vốn do cựu thống đốc PBOC Zhou Xiaochuan, nghỉ hưu tháng 3/2018, đặt nền móng. Ông muốn bảo vệ Trung Quốc khỏi việc một ngày nào đó người dân chấp nhận một tiêu chuẩn tiền tệ khác, như Bitcoin, và đồng tiền bị kiểm soát bởi người khác.
Bản chất thật của tiền điện tử nhân dân tệ
PBOC sẽ hậu thuẫn cho loại tiền mới nhằm trấn áp tội phạm, thay đổi cán cân kinh tế (Nguồn: Bloomberg) |
Khi nói đến tiền điện tử, chúng ta thường nghĩ đến các loại tiền như Bitcoin, loại tiền sử dụng nhiều “sổ cái” blockchain, để xác thực và ghi nhận giao dịch. Bitcoin và những loại tiền điện tử khác như Ethereum hỗ trợ chuyển khoản ẩn danh mà không cần người trung gian hoặc ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, giá trị của chúng biến động rất mạnh nên không thực sự phù hợp để làm phương tiện thanh toán. PBOC sẽ hậu thuẫn cho đồng tiền điện tử nhân dân tệ, trái ngược với đặc tính phi tập trung của blockchain, và PBOC cũng không chắc sẽ sử dụng công nghệ blockchain.
Tại sao không sử dụng những đồng tiền sẵn có?
Trung Quốc đã cấm các giao dịch tiền điện tử và cái gọi là chào bán tiền điện tử lần đầu (ICO) vào năm 2017 được thực hiện trong bối cảnh nỗ lực xóa bỏ rủi ro khỏi hệ thống tài chính và kìm hãm “ngân hàng bóng tối”.
Các đồng tiền điện tử còn mở ra một con đường để chuyển tiền khỏi Trung Quốc, nguy cơ làm gia tăng dòng vốn rời đi, làm nhân dân tệ thêm mất giá. Dù Libra chưa trình làng, giới chức Trung Quốc vẫn kêu gọi cơ quan tiền tệ giám sát đồng tiền điện tử này.
Tính riêng tư
PBOC muốn “tạo thế cân bằng” giữa giao dịch ẩn danh và nhu cầu trấn áp tội phạm tài chính. PBOC từng cho biết thông tin người dùng sẽ không bị lộ hoàn toàn với ngân hàng. Tuy nhiên, danh tính người dùng khả năng cao phải gắn liền với ví cá nhân, mở ra cánh cửa để nhà chức trách can thiệp đời sống người dùng.
Phó Thống đốc PBOC Fan Yifei đã đề xuất trong một bài viết vào năm 2018 rằng các ngân hàng có thể cần gửi thông tin hàng ngày về các giao dịch và có thể có giới hạn về định mức giao dịch của mỗi cá nhân.
Tác động đến nền kinh tế?
Đồng tiền nhân dân tệ điện tử của PBOC được thiết kế để thay thế tiền mặt, nên sẽ không có tác động lớn đến nguồn cung tiền tệ, và do đó ảnh hưởng của nó đối với chính sách tiền tệ có thể sẽ là trung lập.
Trong một tương lai xa hơn, PBOC có thể sử dụng tiền kỹ thuật số để giúp thúc đẩy nền kinh tế. Hồ sơ bằng sáng chế được công khai vào tháng 10/2018 mô tả một loại tiền tệ sẽ yêu cầu các ngân hàng cho vay nhập chi tiết về người vay, lãi suất trước khi chuyển tiền, giúp PBOC chủ động quản lý hoạt động cho vay và trực tiếp rót vốn tại những trường hợp phù hợp.
(Theo Bloomberg/ Dân Việt)