Người hướng nội tỉnh táo và lý trí hơn. Với họ, những mối quan hệ là thứ khá quan trọng nhưng không nhất thiết phải biến chúng thành thứ mà ai cũng bắt buộc phải có.
01
Hôm trước, Hà Vũ đã chia sẻ với tôi về đồng nghiệp cũ của cô ấy, tên Hải Phong.
Hải Phong trước khi nghỉ việc đã giúp công ty ký được một hợp đồng rất lớn, trị giá hàng tỷ đồng. Cuối năm, cậu ấy cũng được ông chủ thưởng hàng chục triệu.
Hải Phong không quen biết ông to bà lớn nào, tướng mạo cũng bình thường, nhưng thành tích bán hàng lại luôn thuộc vào top đầu ở công ty.
Hà Vũ và Hải Phong vào công ty cùng thời gian, hai người cũng được xem là bạn tốt. Cô ấy hoạt bát, lanh lợi còn Hải Phong i lại hoàn toàn ngược lại, ít nói, thích ở một mình.
Mọi người trong công ty lúc mới đầu đều không quá xem trọng cậu ấy, đều nói Hà Vũ nhất định sẽ phát triển hơn Hải Phong rất nhiều.
Nhưng cuối cùng, cái người hướng nội đó lại là cao thủ bán hàng của công ty.
Hà Vũ rất nể phục Hải Phong. Mỗi lần đi nói chuyện với khách hàng, Hà Vũ đều sẽ nhanh mồm, nói chuyện nhiều hơn, nhưng Hải Phong chỉ cần mở mồm ra là nói câu nào lọt tai câu đó, trả lời vô cùng trôi chảy.
Hà Vũ hay trêu Hải Phong nói cậu ấy thực ra không hề hướng nội, là kiểu "tẩm ngẩm tầm ngầm mà đánh chết voi".
Hải Phong nghe vậy cũng chỉ cười cười và nói 1 câu: Lúc đó tôi đang làm việc mà.
Chỉ 7 chữ, nhưng nói lên được bí quyết phía sau sự thành công: Tính cách cá nhân và thận phận trong công việc cần phải có một ranh giới rõ ràng.
Một người tài giỏi là một người vừa giữ được cá tính nhưng đồng thời cũng không để cá tính đó ảnh hưởng tới công việc.
Tính cách quyết định vận mệnh, đây có lẽ là lời nói dối trắng trợn nhất.
Có thành công hay không, không đơn thuần chỉ do tính cách quyết định.
02
Cheng Long là một diễn giả nổi tiếng với nhiều bài diễn giảng lay động lòng người của Trung Quốc, tuy nhiên, có rất ít người biết rằng, ông từng là một người vừa hướng nội vừa tự ti.
Ngày đầu tiên ở trường đại học, thầy giáo bảo cả lớp tự giới thiệu về bản thân.
Cheng Long ngẩn người ra lo lắng. Lúc còn ở quê chưa bao giờ ông phải đứng trước nhiều người như vậy cả, mặt ông bắt đầu đỏ lên, giọng run run giới thiệu: "Chào mọi người, tôi…. Cheng Long", chỉ nói đúng một câu như vậy rồi nhanh chóng rời bục giảng đi về chỗ ngồi.
Cả lớp cười ồ lên, sự việc lần đó khiến Cheng Long trong suốt quãng thời gian học đại học đều trầm lặng ít nói và càng sợ phải nói trước nhiều người hơn.
Lúc đi tìm việc, vì lo lắng, ấp úng nên doanh nghiệp không muốn tuyển dụng ông.
Yếu cái gì nhất thì thay đổi từ cái đó, Cheng Long hạ quyết tâm: nếu đã biết tính cách có khuyết điểm vậy thì dũng cảm chấp nhận nó, đồng thời bắt đầu đi khắc phục.
Ông bắt đầu lao vào đọc các cuốn sách về diễn giảng, thuyết trình, luyện tập cách biểu đạt, đồng thời, lấy hết dũng khí đi bắt chuyện với người khác trước, ép mình phải có quan điểm riêng.
Sau này, cuộc đời ông đã có sự thay đổi rất lớn, dựa vào năng lực diễn thuyết nổi bật, ông trở thành người huấn luyện của Apple tại khu vực Trung Quốc.
Người hướng nội, nếu có thể nhìn nhận rõ ràng, chấp nhận bản thân thì họ sẽ rất dễ dàng biến bị động thành chủ động, đồng thời biến khuyết điểm thành ưu thế.
Trong cuốn "100 cách cổ vũ bản thân" có viết: "Mỗi một người đều có một tính cách cố định, câu này thực ra là một lời nói dối, nó phủ nhận rằng khả năng tạo ra một cái tôi mới của chúng ta."
Carl Gustav Jung, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ trong cuốn "Các loại hình tâm lý" có viết rằng sự khác biệt giữa hướng ngoại (Extrovert) và hướng nội (Introvert) đó là hướng năng lượng tâm lý.
Năng lượng của người hướng nội hướng vào trong, họ có hứng thú với thế giới nội tâm, vì vậy thích ở một mình, yên tĩnh và suy nghĩ.
Giám đốc của Smartisan Technology Co., Ltd., công ty công nghệ đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh và Thành Đô, Luo Yonghao trong bài diễn giảng của mình có nói: "Mọi người có thể thấy tôi đứng trên sân khấu nói lâu như vậy, nhưng thực ra, tôi là một người rất hướng nội. Tôi sẽ không thoải mái khi tham dự bữa tiệc có hơn 5 người. Mỗi khi bữa tiệc kết thúc, sau khi về nhà, tôi phải ngồi 1 mình đọc sách cả ngày rồi mới trở lại bình thường được.
Còn nhớ trước khi tôi đến New Oriental (nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân tại Bắc Kinh, Trung Quốc) làm việc với tư cách là một giáo viên, nhiều người đã nói với tôi: Lão Luo, số từ anh nói một ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay, vậy mà vẫn làm một giáo viên được ư? Nhưng tôi không quan tâm, tính cách hướng nội của tôi khiến tôi không bị ảnh hưởng bởi người khác. Ai quy định người hướng nội không thể làm giáo viên?"
03
Tính cách là tính cách, công việc là công việc.
Zhang Xiaolong, cha đẻ của WeChat và Foxmail cũng là một người trầm tính ít nói, được hàng nghìn người yêu mến, ngưỡng mộ nhưng thực ra ông lại là người thích ở một mình.
Cả Luo Yonghao và Zhang Xiaolong đều là những người sống nội tâm, nhưng điều đó không cản trở họ tạo ra những phần mềm xã hội lớn và phổ biến nhất.
Madeleine L'Engle, tác giả của cuốn "A Wrinkle in Time" (tựa Việt: Nếp gấp thời gian), nói rằng nếu không phải hồi nhỏ dành thời gian ra để đọc và suy nghĩ, bà căn bản sẽ không thể trở thành một nhà tư tưởng với những suy nghĩ táo bạo như vậy.
Dù là Luo Yonghao, Zhang Xiaolong, Zuckerberg hay Madeleine L'Engle, tất cả họ đều giỏi trong việc tìm kiếm năng lượng tinh thần của chính mình, vì vậy họ có thể dễ dàng vượt qua giới hạn tính cách của chính mình để rồi đến cuối cùng, tạo nên sự khác biệt.
Mọi người đều có quyền lựa chọn phương thức sống hợp với chính mình.
Nhà tâm lý học Wu Zhihong từng nói rằng hướng nội là sự bảo vệ, tấm lá chắn của những người hướng nội, còn hướng ngoại lại là phần thưởng dành cho những người hướng ngoại. Giữa hai điều này, chỉ có sự khác biệt, hoàn toàn không có đúng hay sai.
Nếu những người hướng nội không thích giao tiếp xã hội và không sẵn sàng giao tiếp với mọi người, thì không cần miễn cưỡng. Chỉ tập trung vào một việc gì đó cũng là một lựa chọn tốt.
Một người anh của tôi tên Joe làm trong lĩnh vực tư vấn bán hàng, thành tích lúc nào cũng thuộc top ở công ty. Anh ấy bình thường không phải người thích xã giao, hầu như chưa bao giờ đi ăn với khách hàng.
Tôi hỏi anh ấy: "Trước giờ chưa từng mời khách hàng đi ăn, không có giao tình gì, vậy họ vẫn sẽ đồng ý ký hợp đồng ư?"
Anh ấy hỏi lại tôi: "Nhất định phải uống với khách đến hộc máu ra mới gọi là giao tình? Nếu lợi ích không tồi thì cớ gì họ lại không ký? Thứ khiến khách hàng muốn ký hợp đồng đó là sự tín nhiệm của họ với anh, sản phẩm của anh vượt qua cả kỳ vọng của họ, công ty của anh có thể khiến công ty họ hài lòng. Không có giao dịch thì lấy đâu ra tình cảm."
Người hướng nội tỉnh táo và lý trí hơn. Với họ, những mối quan hệ là thứ khá quan trọng nhưng không nhất thiết phải biến chúng thành thứ mà ai cũng bắt buộc phải có.
Người hướng nội tập trung vào thế giới nội tâm và đạt được sự hài lòng thông qua xem xét cẩn thận các thông tin, ý kiến… thay vì trở nên hòa đồng và làm việc nhóm với người khác.
Cả Joe và Xiao Chi đều nhận thức rõ được bản sắc cá nhân và bản sắc nghề nghiệp của họ, vì vậy họ có thể tìm thấy sự cân bằng tuyệt vời giữa cuộc sống và công việc.
04
Tôi từng đọc được một câu hỏi như sau: Vì sao có những người trông rất thân thiện nhưng họ lại hay ở một mình?
Câu trả lời nhận được nhiều like nhất đó là: "Thân thiện là thái độ, là cách đối nhân xử thế, còn thích ở một mình lại là tính cách."
Một người, không sống theo kiểu "quan một cũng ừ, quan tư cũng gật", không miễn cưỡng bản thân, sống một cách độc lập, tự do tự tại, mới có thể thu hút được những người cùng tần số với mình, tìm thấy được cho mình những mối quan hệ khiến bản thân cảm thấy thực sự thoải mái và trân trọng.
Hướng nội, tất nhiên vẫn có thể sống một cuộc sống thoải mái và đầy ý nghĩa.
Như Quỳnh
Theo Trí Thức Trẻ