Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bí mật về ngôi mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hé lộ sự thật về lời đồn chấn động thời Càn Long

17/03/2019 23:14

Chỉ tới khi lăng mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ được khai quật, hậu thế mới có cơ hội được kiểm chứng về lời đồn đại năm xưa và hiểu được thâm ý sâu xa của Càn Long Hoàng đế.


Chỉ tới khi lăng mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ được khai quật, hậu thế mới có cơ hội được kiểm chứng về lời đồn đại năm xưa và hiểu được thâm ý sâu xa của Càn Long Hoàng đế.

Trong số những người con trai của Càn Long Hoàng đế, nếu không kể tới vua Gia Khánh được kế vị sau này thì nhân vật nổi tiếng hơn cả chính là Ngũ a ca Vĩnh Kỳ.

Mỗi khi nhắc tới tên tuổi của vị Hoàng tử ấy, hậu thế thường quen thuộc với hình tượng anh tuấn và tài năng của Vĩnh Kỳ trong tác phẩm "Hoàn Châu cách cách". Thế nhưng ít ai biết rằng, Ngũ a ca ngoài đời thật lại có số phận hết sức đặc biệt.

Cách đây hơn nửa thế kỷ trở về trước, ngôi mộ của vị Hoàng tử nổi tiếng này đã được khai quật. Sự kiện ấy cũng vô tình hé lộ chân tướng phía sau một lời đồn bí ẩn liên quan tới Vĩnh Kỳ đã xuất hiện từ khi Càn Long còn tại vị.

Vị Hoàng tử toàn tài từng nhận được vinh sủng chưa từng có dưới thời Càn Long

Bí mật về ngôi mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hé lộ sự thật về lời đồn chấn động thời Càn Long - Ảnh 1.

Chân dung Ngũ a ca Vĩnh Kỳ và hình tượng được xây dựng trong bộ phim "Hoàn Châu cách cách".

Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ (1741 – 1766), tự Quân Đình, hiệu Đằng Cầm cư sĩ, là người con trai thứ 5 của Hoàng đế Càn Long do Du Quý phi thân sinh.

Theo "Thanh sử cảo liệt truyện" ghi lại, Ngũ a ca lúc sinh thời được miêu tả là người tài giỏi và được Càn Long yêu mến nhất trong số các Hoàng tử lúc bấy giờ. Tương truyền rằng, Vĩnh Kỳ ngay từ khi còn nhỏ đã học hành vô cùng cần mẫn, luôn tới thư phòng sớm nhất so với các huynh đệ của mình.

Các tài liệu chính sử cũng khẳng định, Ngũ a ca nổi danh là người đa tài đa nghệ, từng thông thạo ba ngôn ngữ là tiếng Hán, tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ.

Đặc biệt, ông còn rất có thiên phú về phương diện nghiên cứu thiên văn, địa lý, lại giỏi lịch pháp, toán học, có tài thi ca, thư pháp, cưỡi ngựa bắn tên cũng vô cùng thành thục. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông được truyền lại cho hậu thế có tên là "Tiêu thông đằng cảo".

Đối với người con trai văn võ toàn tài như Vĩnh Kỳ, Càn Long dĩ nhiên yêu mến vô cùng. Đó là chưa kể tới việc vị Hoàng tử này còn từng có công cứu giá.

Vào năm Càn Long thứ 28 (năm 1763), điện Thanh Yến đột nhiên xảy ra hỏa hoạn. Bấy giờ, những hoàng tử khác đều chần chừ không dám vào trong cứu phụ hoàng, duy chỉ có Vĩnh Kỳ là không màng nguy hiểm, lao thẳng vào biển lửa hộ giá cho vua cha.

Hành động hiếu thảo này của ông được Càn Long đế vô cùng trân trọng. Sau sự kiện ấy, nhà vua lại càng ký thác nhiều kỳ vọng đối với vị Hoàng tử toàn tài này. Thậm chí có giai thoại còn truyền lại rằng, người đương thời lúc bấy giờ đều tin rằng Vĩnh Kỳ sẽ là người tiếp theo được kế thừa ngai vàng.

Bí mật về ngôi mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hé lộ sự thật về lời đồn chấn động thời Càn Long - Ảnh 2.

Sinh thời, Ngũ a ca Vĩnh Kỳ là người con trai được Càn Long yêu thương và tín nhiệm hơn cả. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Tới năm Càn Long thứ 30, Vĩnh Kỳ được nhà vua phong làm Hòa Thạc Vinh Thân vương. Chẳng những là vị Hoàng tử đầu tiên được phong vương, chữ "Vinh" trong tước hiệu của Ngũ a ca còn mang ý nghĩa vô cùng cao quý.

Trong lịch sử Thanh triều tính tới thời điểm bấy giờ, chỉ có hai vị Hoàng tử được ban chữ "Vinh" trong tước hiệu. Người thứ nhất là vị Hoàng tử yểu mệnh của Đổng Ngạc phi – vốn là sủng phi của vua Thuận Trị. Sau khi qua đời, vị a ca này đã được truy phong làm Vinh Thân vương.

Trong khi đó, Vĩnh Kỳ lại được ban cho tước hiệu có một chữ "Vinh" này ngay từ khi còn rất trẻ. Điều này đủ cho thấy sự tín nhiệm đặc biệt của Càn Long dành cho người con trai thứ năm này.

Thế nhưng mặc dù là một người toàn tài, Vĩnh Kỳ lại không được thừa hưởng ưu điểm sống thọ của ông cha mình. Vào năm 24 tuổi, Ngũ a ca đã đột ngột qua đời trong một cơn bạo bệnh.

Sự ra đi của Vĩnh Kỳ khiến Càn Long vô cùng đau buồn. Vào những năm cuối đời của mình, vị Hoàng đế ấy từng có lần cất lời thổ lộ ngập tràn nuối tiếc:

"Trẫm nhìn đám con của mình, lại càng cảm thấy quý trọng Ngũ Hoàng tử…".

Mặc dù sau này, Càn Long đã quyết định truyền ngôi cho Hoàng tử thứ 15 là Vĩnh Diễm. Thế nhưng người đương thời vẫn thường truyền tai nhau lời đồn, nếu Ngũ a ca Vĩnh Kỳ còn sống, rất có thể Gia Khánh đế sẽ không có cơ hội được ngồi lên ngai vàng.

Bí mật phía sau ngôi mộ của Ngũ a ca: Hé mở chân tướng về lời đồn đại gần 3 thế kỷ trước

Bí mật về ngôi mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hé lộ sự thật về lời đồn chấn động thời Càn Long - Ảnh 3.

Chỉ đến khi ngôi mộ của Hoàng tử Vĩnh Kỳ được khai quật, chân tướng của một lời đồn đại nổi tiếng từ thời Càn Long mới được làm sáng tỏ. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Sau khi qua đời, lăng mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ được đặt tại thôn trang Dương Các ở Mật Vân – khu ngoại ô phía Đông Bắc của Kinh thành Bắc Kinh thời bấy giờ.

Lăng mộ của ông được xây dựng ở địa thế cao nhất với quy mô hết sức to lớn, diện tích xấp xỉ lên tới hơn 360 mẫu. Ngoài địa cung an táng Hoàng tử Vĩnh Kỳ, nơi đây còn chôn cất An Thân vương Vĩnh Hoàng và Tuần quận vương Vĩnh Chương.

Vì vậy mà từ thời xa xưa, người dân địa phương vẫn thường gọi nơi này là lăng Thái tử. Tới tận cuối thời nhà Thanh, khu lăng mộ ấy vẫn có rất nhiều cây cối xanh tốt, được người dân nơi đây vô cùng kính trọng.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, khu vực Mật Vân nơi chôn cất Ngũ a ca Vĩnh Kỳ năm xưa còn có doanh binh của quân Mãn Châu và quân Mông Cổ với cả ngàn binh lính trú đóng. Do đó những kẻ trộm mộ không dám bén mảng tới nơi này trong suốt hàng thập kỷ.

Tới năm 1954, khi chính quyền ra quyết định tu sửa đập chứa nước Mật Vân, lăng mộ của Ngũ a ca cũng nằm trong phạm vi xây dựng nên đã được giới khảo cổ nước này chủ động khai quật và di dời.

Thế nhưng không ai ngờ rằng, việc khai quật lăng mộ này đã giúp hậu thế kiểm chứng được một lời đồn nổi tiếng liên quan tới Vĩnh Kỳ đã xuất hiện từ thời Càn Long tại vị.

Bí mật về ngôi mộ của Ngũ a ca Vĩnh Kỳ hé lộ sự thật về lời đồn chấn động thời Càn Long - Ảnh 4.

Một số hình ảnh còn sót lại của lăng mộ Ngũ a ca Vĩnh Kỳ tại Mật Vân. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Theo hồi ức của một trong những người từng tham gia khai quật vào năm ấy, đoàn khảo cổ sau khi tiến vào bên trong địa cung đã không khỏi thốt ra một lời cảm thán:

"Ngũ a ca Vĩnh Kỳ không hổ danh là vị Hoàng tử được Càn Long nhìn trúng".

Theo đó, địa cung của ngôi mộ vẫn được bảo toàn tương đối nguyên vẹn, không hề có bất kỳ chỗ ẩm thấp nào. Bên trong có thiết kế vô cùng tinh xảo, châu báu nhiều không kể xiết.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, địa cung trong ngôi mộ của Ngũ a ca được thiết kế và trang trí theo quy cách cao hơn tước bậc Thân vương mà ông nhận được, thậm chí có thể xem là ngang hàng với Thái tử. Số táng phẩm được chôn cùng Vĩnh Kỳ cũng vượt xa so với hai vị Hoàng tử an táng chung tới ông.

Từ những điểm đặc biệt này, không khó để nhận thấy Càn Long đối với Vĩnh Kỳ không đơn thuần chỉ là coi trọng mà thực chất đã có ý định để Ngũ a ca trở thành người thừa kế ngai vàng.

Chỉ tiếc rằng người tính không bằng trời tính, Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ đã đột ngột qua đời khi đương độ xuân xanh, bỏ lỡ cơ hội bước lên ngai vị với tư cách của một Hoàng đế.

Có lẽ vì nuối tiếc cho người con tài giỏi nhưng bạc mệnh của mình, Càn Long dù không còn có cơ hội để truyền ngôi cho Vĩnh Kỳ, nhưng vẫn muốn bù đắp cho Vĩnh Kỳ bằng cách an táng ông theo quy cách dành cho Thái tử nối ngôi.

Sau khi lăng mộ của Vĩnh Kỳ được khai quật, di thể của ông đã được chuyển đi an táng ở một khu vực khác. Thế nhưng vì công tác khai quật và di dời lúc bấy giờ còn tương đối lạc hậu, những người chôn cất lại không để lại ký hiệu, nên di cốt của Ngũ a ca từ lâu đã thất lạc, giờ đây không còn ai biết được nơi chôn cất chính xác của vị Hoàng tử nổi tiếng một thời ấy…

*Dịch từ các báo nước ngoài


Theo Trần Quỳnh

Trí Thức Trẻ