Chọn lĩnh vực chiến lược và đối tác phù hợp, áp dụng hài hòa 'kỹ trị', 'pháp trị' và 'nhân trị' là những bí quyết giúp The PAN Group gặt hái được hàng loạt thành công khi thực hiện chiến lược M&A trong suốt một thập kỷ qua.
Nằm trong 10 doanh nghiệp nhận giải thưởng Công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ (2009-2018) tại Diễn đàn M&A vừa được Báo Đầu tư tổ chức, song The PAN Group lại là một trong những đơn vị hiếm hoi chia sẻ khá chi tiết những bí quyết để xây dựng chiến lược này trong khuôn khổ diễn đàn, gây được ấn tượng mạnh với những doanh nghiệp đang quan tâm đến M&A.
Bắt đầu chuyển đổi hoạt động và cụ thể hóa chiến lược M&A trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm từ năm 2013 với việc sáp nhập các tên tuổi hàng đầu về giống cây trồng, hạt điều, bánh kẹo, thủy sản... đến hết năm 2017, The PAN Group đã đạt quy mô tổng tài sản khoảng 250 triệu USD và được ghi nhận là một trong những đơn vị phát triển thành công nhất tại Việt Nam thông qua con đường này.
Bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ tại Diễn đàn M&A.
Trả lời câu hỏi của người điều phối là ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam tại diễn đàn ngày 8/8 về bí quyết để có một chiến lược lâu dài về M&A, giúp tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN khẳng định việc lựa chọn lĩnh vực và đối tác để triển khai M&A là một trong những yếu tố then chốt.
Cụ thể, The PAN Group lựa chọn nông nghiệp và thực phẩm làm kim chỉ nam phát triển dài hạn bởi dù còn nhiều bất cập, đây vẫn là một ngành có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam nếu doanh nghiệp tìm được lối đi riêng. Cùng với chiến lược phát triển Organic, tức là xuất phát từ nội lực, việc thực hiện song song M&A các công ty cùng ngành đang dần giúp The PAN Group hình thành nên chuỗi giá trị khép kín. Khi lựa chọn đối tác, tập đoàn luôn nhìn vào đội ngũ nhân sự và bộ máy hiện tại của công ty đó. Nếu nhận thấy đó không phải những nhân sự phù hợp, việc M&A sẽ không diễn ra.
Theo Tổng giám đốc The PAN Group, để quản trị doanh nghiệp sau M&A, “kỹ trị” và “pháp trị” là điều kiện cần, nhưng “nhân trị” mới là một nghệ thuật. Tập đoàn PAN hiện đã tập hợp được rất nhiều công ty đầu ngành nông nghiệp - thực phẩm. Người đứng đầu các doanh nghiệp này đều là những lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Để tập hợp chung về một mái nhà với nhiều yếu tố văn hóa khác nhau như vậy là một điều không hề dễ dàng.
Với The PAN Group, quan điểm của lãnh đạo tập đoàn là tôn trọng văn hóa của các công ty thành viên, tôn trọng con người tại đó và hỗ trợ lẫn nhau phát triển. Doanh nghiệp gần đây nhất mới hợp nhất là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) có 4.500 nhân viên, với hệ thống quản trị hiện tại. Do đó, việc hình thành nên văn hóa chung và giấc mơ chung cần dựa trên nền tảng văn hóa của mỗi bên.
Tăng trưởng bằng nội lực kết hợp với M&A giúp The PAN Group dần hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm trong những năm qua.
Ví dụ khác được vị lãnh đạo này đưa ra là Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam và Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương. Sau M&A, 2 thương hiệu này vẫn tồn tại và đều đang phát triển rất tốt với tốc độ tăng trưởng của mỗi công ty là 50% và 100% (6 tháng năm 2018). Trước đây, họ là những đối thủ cạnh tranh nhưng sau này cùng nhau sản xuất, giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí, chẳng hạn như cho hoạt động logistic… Như vậy sau M&A, không phải là 1+1=2, mà bằng 3, 4…
Theo bà Trà My, đây cũng là một trong 2 thương vụ giúp The PAN Group giành được giải thưởng “Deal of the Year” trong năm 2017. Thương vụ còn lại - đưa Bibica trở thành công ty con – cũng là một niềm tự hào khác của PAN khi giúp giữ thương hiệu bánh kẹo lớn và nổi tiếng cuối cùng của Việt Nam. “Khi ấy, nếu phía đối tác ngoại tăng được tỷ lệ nắm giữ thì khó có thể giữ được thương hiệu này”, bà Trà My chia sẻ thêm.
Được thành lập từ năm 1998, CTCP Tập đoàn PAN khi đó hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Kể từ sau khi chuyển đổi mô hình và định hướng hoạt động, trong giai đoạn từ 2013 đến nay, The Pan Group đã tích cực mua cổ phần và nâng sở hữu chi phối tại CTCP Giống cây trồng Trung ương (HOSE: NSC) nắm 75% vốn, Công ty Điều Long An (LAF, LAFooco) nắm 80,52% vốn, XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) - DN xuất khẩu ngao lớn nhất Việt Nam giữ 72,82% vốn, Thủy Sản 584 Nha Trang nắm 22,4% vốn, Bibica nắm 50,07% vốn… Bên cạnh đó, PAN cũng thành lập CTCP PAN Saladbowl – doanh nghiệp ươm trồng hoa cúc, cẩm chướng.
Bằng chiến lược đẩy mạnh M&A với các doanh nghiệp đầu ngành, đến nay tầm ảnh hưởng của PAN đã mở rộng và “cắm rễ” trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, bám sát định hướng và tầm nhìn của ban lãnh đạo với những sản phẩm xuất hiện ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu quốc tế, dần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F Farm – Food – Family (thay cho Farm-Food –Service trước đây).
Lan Anh
Theo NDH