Có một dạo, các chủ dự án phân lô đất nền được nhiều ngân hàng 'hào phóng' cho vay tiền với viễn cảnh 'sốt đất' sẽ nhanh chóng thu nghìn tỉ. 'Bong bóng' đất đột ngột vỡ tan, tài chính đuối sức đã khiến những dự án dở dang ế ẩm, thậm chí biến thành dự án 'ma' lừa đảo khách hàng, để lại ngân hàng ôm đống nợ xấu kinh hoàng!
Bi kịch từ một dự án “chết yểu”
Cuối năm 2014, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5995/QĐ-UBND thu hồi dự án Khu nhà ở Bình Trưng Đông, phường Cát Lái, quận 2 trong đó có tiểu dự án khu 12A. Thông tin này như “đòn trời giáng” xuống những người dân đã góp vốn nhiều tỉ đồng để mua đất tại đây mà không nhận được đất suốt chục năm qua.
Xung quanh dự án “chết yểu” này giờ là những lá đơn kêu cứu, tố cáo chủ doanh nghiệp lừa đảo, bán đất “vịt trời” hòng chiếm dụng tiền của người dân. Được biết, từ năm 2001, UBND TP.HCM đã giao đất cho Công ty cổ phần Xây dựng số 14 triển khai dự án Tiểu khu 12A Bình Trưng Đông song công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng quá chậm, chưa triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở. Đây chính là lý do khiến dự án bị thu hồi vào năm 2014.
Thế nhưng, từ một dự án “treo” nhiều năm này vẫn le lói cơ hội làm giàu cho nhà đầu tư nhạy bén và có máu liều. Năm 2003, Công ty TNHH Đất Lành (nay là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành do ông Vũ Anh Cường sáng lập và là Giám đốc công ty, đã ký hợp đồng Liên doanh hợp tác đầu tư số 144/HĐLD ngày 11/3/2003 với Công ty cổ phần Xây dựng số 14 với mục đích “hồi sinh” dự án. Theo cam kết, Bên A (Công ty cổ phần Xây dựng số 14) là pháp nhân đại diện của liên doanh để thực hiện mọi thủ tục pháp lý.
Một điều khoản quan trọng của hợp đồng liên doanh này nêu rõ: “Khi kết thúc đầu tư, Bên A (Công ty xây dựng 14) sẽ ủy quyền qua công chứng Nhà nước cho Bên B (Công ty Đất Lành) được chủ động khai thác kinh doanh nhà ở của tiểu dự án 12A” kèm theo đó là quy định bắt buộc khi thực hiện kinh doanh dự án, Bên B phải tuân thủ Quyết định số 204/HĐQT-QĐ ngày 12/12/2002 của Hội đồng quản trị Tổng Công ty xây dựng số 1 về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư dự án này.
Sau đó, chỉ bằng bản hợp đồng liên doanh đầu tư này, Công ty Đất Lành đã “vội vã” triển khai phân lô, bán đất nền “trên giấy” dưới hình thức các hợp đồng góp vốn. Trong khi đối tác ung dung bán đất “vịt giời” thu hàng trăm triệu đồng mỗi nền, thì phía chủ dự án- Công ty cổ phần Xây dựng số 14 dường như cũng im lặng, không hề có động tĩnh triển khai dự án(!?)
Sau này, khi một số khách hàng tố cáo Công ty Đất Lành huy động vốn trái phép nhờ dự án tiểu khu 12A Bình Trưng Đông thì chủ dự án mới “giật mình” và bác bỏ mọi liên quan tới các giao dịch của đối tác.
Có lẽ, khách hàng Hà Dũng (Hà Nội) sẽ phải “ngậm đắng nuốt cay” vì không bao giờ nhận được lô đất nền 100m2 với giá 1 tỉ đồng tại dự án Bình Trưng Đông đã mua thông qua bà Giáp Thị Dinh, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Invesco Phố Đông. Người phụ nữ này tự giới thiệu là góp vốn làm ăn với ông Vũ Anh Cường - TGĐ Công ty Đất Lành để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, giải tỏa mặt bằng làm dự án khu nhà ở tiểu khu 12A Bình Trưng Đông. Trong khi đó, vị khách này đã phải thanh toán cho bà Dinh 400 triệu đồng và nộp 300 triệu đồng (tiền thanh toán trước 50% giá trị lô đất) khi ký hợp đồng góp vốn với ông Vũ Anh Cường, Giám đốc Công ty Đất Lành.
Theo thỏa thuận góp vốn, ông Hà Dũng sẽ được nhận đất vào năm 2011 và đóng nốt số tiền còn lại. Nhưng năm 2014, dự án đã bị thu hồi, còn tiền góp vốn của ông Hà Dũng cùng nhiều khách hàng khác đã bị đối tác chiếm dụng, chưa biết khi nào mới đòi được. Những lá đơn tố cáo ông Vũ Anh Cường lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng cũng rơi vào im lặng!
Ngân hàng “khóc ròng” vì nợ xấu
Năm 2010, Công ty TNHH thế kỷ 21 Bình Trưng Tây (một công ty do ông Vũ Anh Cường sáng lập) được tạm giao đất để giải phóng mặt bằng, làm dự án Khu nhà ở Bình Trưng Tây (quận 2, TP.HCM) với diện tích 14,59 ha. Cũng với “bài cũ soạn lại”, chủ dự án vẫn ngang nhiên huy động vốn từ nhiều người dưới dạng hợp đồng góp vốn, bán đất chưa có hạ tầng cơ sở, bất chấp quy định pháp luật. Hàng trăm khách hàng trót mua đất “vịt trời” tại đây cũng điêu đứng vì bị chiếm dụng vốn, chưa biết khi nào được nhận đất.
Ở một góc khác, giữa “bão” tố cáo bán đất “vịt trời” và dự án chậm tiến độ thì các công ty có liên quan tới ông Vũ Anh Cường lại là những khách hàng thân thiết của nhiều ngân hàng, được cho vay cả trăm tỉ đồng. Trong khi nợ nần chồng chất, chây ỳ trả nợ thì vị đại gia này còn gây bức xúc khi quấy rối hành khách nữ trên máy bay, cùng phát ngôn gây sốc "Mày biết tao là ai không?".
Qua tìm hiểu được biết, ông Vũ Anh Cường đã tham gia thành lập 6 công ty có ngành kinh doanh về đầu tư bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất, môi giới… Chỉ thời gian ngắn sau đó, có 2/6 công ty đã ngừng hoạt động mà chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.
Có lẽ đến giờ, nhiều khách hàng vẫn không hiểu tại sao nhóm công ty triển khai các dự án “treo”, chậm tiến độ có nguy cơ bị thu hồi, không đủ năng lực tài chính và pháp lý nhưng vẫn được nhiều ngân hàng tin tưởng cho vay như Sacombank, BIDV, PVcombank… Để rồi sau đó, chính các nhà băng này nhận “quả đắng” là khối nợ xấu lớn, khó thu hồi.
Đơn cử, ngân hàng BIDV đã rất khổ sở thu hồi nợ xấu tại hai công ty có liên quan tới ông Vũ Anh Cường, gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành và Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây. Tổng số nợ xấu lên tới hơn 118 tỉ đồng mà 50% khoản nợ đã bị xếp vào nhóm 5 – nợ có nguy cơ mất vốn từ năm 2015.
Cũng “mắc cạn” vì cho đại gia đất vay tiền, Ngân hàng Sacombank đã rất chật vật xử lý nợ xấu hàng chục tỉ đồng của Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây, trong đó, có khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Sacombank sau đó phải bán phần lớn nợ xấu sang cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong tình thế “dọn dẹp” nhanh nợ trên sổ sách. Dù vậy, Sacombank vẫn đều đặn phải trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ xấu của Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây cho đến khi thu hồi được nợ, hoặc… xóa nợ!
Giới đầu tư bất động sản phía Nam cũng râm ran về khối nợ lớn hơn của nhóm công ty liên quan tới ông Vũ Anh Cường, được ngân hàng “hào phóng” bơm vốn đầu tư. Chưa rõ, bằng cách nào nhóm công ty của ông Vũ Anh Cường có thể vay nhiều tiền từ các ngân hàng lớn và “nhanh chóng” tạo ra đống nợ xấu, nợ mất vốn như vậy?
Điều lạ hơn nữa, ngay cả khi hai công ty Đất Lành và Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây phát sinh nợ xấu lớn, chây ỳ trả nợ thì ngân hàng lại khá “đủng đỉnh” trong việc xử lý siết nợ, thu giữ tài sản đảm bảo. Một số khoản nợ xấu dường như đã được khoanh lại, không bao gồm số nợ lãi phát sinh “lãi mẹ đẻ lãi con” trong suốt 5-6 năm qua.
Theo quy định cho vay, từ năm 2012 các ngân hàng phải hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản nhiều rủi ro, gây ra khối nợ xấu khủng khiếp làm “tê liệt” hệ thống. Từ thực tế cho vay, nguyên nhân gây ra nợ xấu lớn là do quá trình thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, dòng tiền trả nợ, uy tín của chủ dự án… đã bị buông lỏng để cho vay dưới chuẩn, thậm chí có hiện tượng cán bộ ngân hàng câu kết với doanh nghiệp, dùng dự án để cho vay “rút ruột” ngân hàng.
Theo chia sẻ của giới tín dụng ngân hàng, sẽ rất khó xử lý siết nợ các đại gia bất động sản vì tài sản bảo đảm đa phần là chính dự án và dòng tiền bán hàng. Tài sản có thể được định giá quá cao để cho vay nhiều hơn mức hợp lý, hay chấp nhận cho vay dưới chuẩn… Hệ quả là gây ra nợ xấu mất vốn về sau. Thế nên, ngân hàng “dễ cho vay, quỳ thu nợ” là thực tế được phản ánh trong câu chuyện trên, mà có lẽ chủ nợ cũng khó khởi kiện doanh nghiệp để đòi nợ, đành “cắn răng” bù đắp mất vốn!
Theo Kinh tế Môi trường
Theo Pháp Luật Net