Biểu tượng trên đất vàng Sài Gòn của bộ đôi nhà băng tư nhân số 1 Việt Nam

04/11/2019 09:42

Sở hữu riêng cho mình một trụ sở riêng biệt không chỉ thuận tiện về mặt hoạt động mà còn là biểu tượng cho quyền lực và sự thịnh vượng, nhất là ở một vị trí đặc biệt đắc địa như trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1. TP.HCM.

Đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) với vị trí nằm dọc sông Sài Gòn, được xem như con đường đẹp bậc nhất TP.HCM, với giá bán lên tới tiền tỷ cho mỗi m2. Bởi vậy, sở hữu một trụ sở trên cung đường nối từ Bình Thạnh sang Quận 4 được xem như biểu tượng cho sự thịnh vượng và quyền lực của bất cứ một tổ chức nào.

Đơn cử là toà nhà Vietcombank tại vòng xoay Công trường Mê Linh. Kiến trúc độc đáo cùng chiều cao "khủng" 206m khẳng định vị thế độc tôn của nhà băng số 1 Việt Nam. Ngoài ra, phải đề cập đến hai toà nhà khác nằm cách đó không xa, là tháp VPBank Tower Saigon ngay góc đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh, và toà Techcombank Saigon nhìn đối diện Khu phức hợp Ba Son.

VPBank được điều hành bởi Chủ tịch Ngô Chí Dũng, còn Techcombank là Chủ tịch Hồ Hùng Anh. Dưới sự chèo lái của hai doanh nhân "gốc" Đông Âu, VPBank và Techcombank đang trở thành cặp đôi nhà băng tư nhân hàng đầu Việt Nam, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2019 nằm trong top 10 các doanh nghiệp trong nước, Techcombank là 8.860 tỷ đồng, còn VPBank là 7.199 tỷ đồng.

Hai toà tháp ở vị trí đắc địa nhất trung tâm Quận 1 thể hiện tham vọng lớn của VPBank và Techcombank. Dù vậy, lịch sử hình thành của cặp đôi trụ sở trên đất vàng Tôn Đức Thắng chắc hẳn vẫn còn là điều bí ẩn với đa số công chúng.

Trong bài viết gần đây, Nhadautu.vn đã đề cập Công ty TNHH MTV Dịch vụ Biển đảo Hải Thành cuối thập niên trước mang ba lô đất thành lập các liên doanh đầu tư dự án bất động sản tại 7-9 Tôn Đức Thắng, 9-11 Tôn Đức Thắng và 1-1A-2 Tôn Đức Thắng.

Ngoại trừ dự án 7-9 Tôn Đức Thắng của liên doanh CTCP Yên Khánh Hải Thành vẫn là bãi gửi xe, thì hai khu đất đẹp còn lại tới nay chính là toà tháp VPBank (1-1A-2 Tôn Đức Thắng) và Techcombank (9-11 Tôn Đức Thắng).

techcombank-9-11-ton-duc-thang

Toà nhà Techcombank Saigon. Ảnh: Huy Ngọc

Dự án 9-11 Tôn Đức Thắng

Trung tuần tháng 5/2008, Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành được thành lập với vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng, gồm ba cổ đông là Công ty Hải Thành (23,63%), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mai Anh (26,37%), và CTCP Đầu tư TCO Việt Nam nắm 50% còn lại.

Như đã đề cập, CTCP Đầu tư TCO Việt Nam thành lập năm 2009, đã tham tham gia vào một số dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, đáng kể nhất là hợp tác với Thảo Điền Invest triển khai dự án M-One Sài Gòn quy mô 13.904 m2 tại Bế Văn Cấm, Quận 7, TP.HCM. Tháng 6/2019 vừa qua, Công ty TNHH MTV Tư vấn và Kinh doanh BĐS TCO - công ty con của Đầu tư TCO đã nhận chuyển nhượng 34,6ha tại Khu đô thị Gia Lâm với tổng mức đầu tư của dự án lên tới 11.287 tỷ đồng...

Ở một thương vụ gây chú ý không kém, Công ty TNHH Phát triển dự án Techcom Developer trước khi sáp nhập vào Đầu tư TCO từng cùng một pháp nhân có liên quan là Công ty Quản lý quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital) năm 2016 tham gia góp vốn với Vietnam Airlines để hợp tác chuyển đổi Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) thành hãng hàng không SkyViet. Tuy nhiên "giấc mơ bay" của nhóm này sau đó bất thành.

Về phần mình, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mai Anh là thành viên của Hoa Lâm Group - một tập đoàn bất động sản lớn ở TP.HCM.

Ngày 16/12/2009, TCO Việt Nam và Thương mại Mai Anh ký thoả thuận hợp tác đầu tư Dự án Cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ tại số 9-11 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1 với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng. Dự án có diện tích xây dựng 1.917 m2, quy mô 34 tầng nổi, 2 tầng hầm khởi công tháng 4/2011 và hoàn thành 27 tháng sau đó (tháng 7/2013), được thu xếp bởi cả VietBank Chi nhánh TP.HCM lẫn Techcombank Chi nhánh Sài Gòn.

Tháng 2/2018, TCO Việt Nam chuyển nhượng hết cổ phần trong Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành cho bà Nguyễn Thị Thu Hà. Dù vậy đây nhiều khả năng chỉ là nghiệp vụ tái cơ cấu sở hữu, bởi nữ doanh nhân thường trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội có không ít liên hệ tới nhóm chủ của TCO Việt Nam.

 

vpbank-1-1a-2-ton-duc-thang

Toà nhà VPBank Tower Saigon. Ảnh: Huy Ngọc

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng do Công ty TNHH Cảnh Hưng - Hải Thành làm chủ đầu tư. Liên doanh giữa Công ty Hải Thành và Công ty TNHH Cảnh Hưng được thành lập từ tháng 8/2007, với 12,71% phần vốn thuộc về thành viên Quân chủng Hải quân, trong khi doanh nghiệp tư nhân kín tiếng của Chủ tịch Phạm Duy Tân chi phối tới 87,29%.

Dự án không lâu sau có dấu hiệu gặp khó về nguồn vốn. Liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành tới cuối năm 2010 thậm chí đã đại chúng hoá công ty và xuất hiện trên sàn OTC.

Chỉ ít tháng sau, dự án tháng 4/2011 nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới, khi nhóm cổ đông sáng lập bán 80% cổ phần Cảnh Hưng - Hải Thành cho CTCP Đầu tư Châu Thổ (Delta Corp). Tới tháng 8/2011, từ 103 cổ đông, Cảnh Hưng - Hải Thành chỉ còn 5 cổ đông, gồm Đầu tư Châu Thổ (80%), Hải Thành giữ nguyên 12,71%, Cảnh Hưng co về còn 4,17%, ông Phạm Duy Tân nắm 1,02% và bà Nguyễn Thu Hồng sở hữu 2,1%. Dự án sau đó được giới thiệu với tên gọi thương mại Delta Riverside Tower.

Chủ mới của dự án - Đầu tư Châu Thổ được thành lập tháng 5/2007, từng có Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Vũ Đình Luyện, người được biết đến với vai trò lãnh sự danh dự Ukraine tại TP.HCM. Năm 2012, Đầu tư Châu Thổ là tâm điểm của giới tài chính khi bất ngờ nắm giữ (trực tiếp và gián tiếp) hơn 16,3% cổ phần VPBank. Doanh nghiệp sau này đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư KM tới đầu tháng 10/2017 có vốn điều lệ 2.876 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư BĐS An Thịnh Lộc nắm 24,49%, Công ty TNHH Kinh doanh BĐS LC 19,89% và Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Siver Field là công ty mẹ, sở hữu 56,62%.

Tuy nhiên pháp nhân này chỉ hai tuần sau đã đổi chủ khi được một thành viên tập đoàn Novaland mua lại 99,9% cổ phần. Biết thêm rằng Đầu tư Châu Thổ nắm 49% cổ phần trong Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận - chủ đầu tư Tổ hợp Du lịch Thung lũng Đại Dương có diện tích lên tới 986ha tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận.

Trở lại với liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành, tới tháng 4/2012, Đầu tư Châu Thổ đã rút hết cổ phần, nhượng lại toàn bộ phần vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam, chính là tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư BĐS An Thịnh Lộc vừa đề cập ở trên. Cơ cấu sở hữu này duy trì cho đến nay. Cần nhấn mạnh rằng An Thịnh Lộc hay Đầu tư Châu Thổ đều liên hệ chặt chẽ tới MIK Group - một tập đoàn bất động sản mang đậm hình bóng của giới chủ VPBank.

vu-dinh-luyen-mik-group

Ông Vũ Đình Luyện với tư cách Chủ tịch HĐQT M.I.K Corp phát biểu tại sự kiện ngày 11/12/2014

Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon.

Cuối năm 2014, ở một trong những sự kiện đầu tiên sau khi thành lập, Tập đoàn M.I.K Corporation (nay là MIK Group) đã ký kết hợp đồng quản lý 222 căn hộ dịch vụ cao cấp tại dự án Waterfront Saigon với The Ascott Limited của Singapore. Tại buổi lễ trang trọng đó, doanh nhân Vũ Đình Luyện xuất hiện và phát biểu với tư cách Chủ tịch HĐQT M.I.K Corp...

Cách đây cả thập kỷ, các đại gia ngân hàng "gốc" Đông Âu đã nhìn ra tiềm năng đặc biệt hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản. Nhóm Đầu tư TCO - Thảo Điền Invest cũng như nhóm Đầu tư Châu Thổ - MIK Group với nguồn vốn từ các nhà băng thân hữu đang trở thành những tay chơi rất đáng chú ý trong làng địa ốc Việt, dù họ có chủ đích lộ diện hay không!

>>> Đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng và 4 liên doanh của Biển đảo Hải Thành

Theo Nghi Điền/Nhà Đầu tư