Bình Phước, Đắk Lắk có ngân sách “bí mật” nhất Việt Nam

04/06/2021 12:43

Hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước (3,84 điểm) và Đắk Lắk (23,41 điểm).

Chỉ số POBI 2020

Sáng 3/6, Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức hội thảo trực tuyến công bố Chỉ số Công khai ngân sách (POBI) 2020.

Kết quả khảo sát POBI 2020 cho thấy mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tiếp tục có cải thiện, nhưng có dấu hiệu chững lại. Điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09 điểm trên tổng số 100 điểm, tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019.

Năm 2020, có 27 tỉnh công khai "đầy đủ" tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 3 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai "tương đối đầy đủ" là 29 tỉnh, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai "chưa đầy đủ" và "công khai ít" lần lượt là 5 và 2 tỉnh, giảm lần lượt 4 và 1 tỉnh so với năm 2019.

Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2020, Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 93,68 điểm. Đà Nẵng xếp thứ hai với 92,26 điểm và Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ ba với 90,45 điểm.
Hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước (3,84 điểm) và Đắk Lắk (23,41 điểm).

Đáng chú ý, Lạng Sơn là địa phương có sự tăng điểm ấn tượng nhất khi năm 2019 đứng áp chót bảng xếp hạng thì năm 2020 đã vươn lên thứ 16 với 82,3 điểm, thuộc nhóm tỉnh công khai đầy đủ thông tin.

10 địa phương có điểm POBI thấp nhất cả nước

Theo khảo sát POBI, năm 2020 ghi nhận nhiều thực hành tốt về công khai ngân sách của 63 tỉnh thành. Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân là tài liệu có sự cải thiện nhiều nhất về tính sẵn có. Mặc dù đây không phải là tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 nhưng đã có 22 tỉnh có công khai tài liệu này trong năm 2020, tăng 8 tỉnh so với năm 2019.
Kết quả POBI 2020 cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về tính thuận tiện khi 100% số tỉnh có thư mục công khai ngân sách và đa số các tài liệu được công khai dưới dạng Word/Excel hoặc định dạng PDF, dễ dàng sử dụng và chuyển đổi.

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện khảo sát về tính liên tục của các tài liệu được công khai. Kết quả khảo sát cho thấy có 49 tỉnh (77,78%) công bố tài liệu dự toán ngân sách tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh liên tục trong ba năm, 52 tỉnh (82,54%) công bố tài liệu dự toán được HĐND tỉnh quyết định được duyệt liên tục trong ba năm và 51 tỉnh (80,95%) công bố báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh phê chuẩn liên tục trong ba năm.

Trong số 5 tài liệu khuyến khích công khai (không tính điểm POBI 2020), tài liệu được các tỉnh công khai nhiều nhất là Dự thảo kế hoạch tài chính tỉnh 05 năm 2021-2025 với 31 tỉnh có công bố.
Dự thảo kế hoạch tài chính ngân sách tỉnh 03 năm 2021-2023 có 27 tỉnh công bố, tài liệu Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2021 có 24 tỉnh công bố, 16 tỉnh có công bố Báo cáo tài chính của tỉnh và chỉ có 02 tỉnh có công bố kết quả kiểm toán ngân sách tỉnh của Kiểm toán nhà nước trong ít nhất một năm 2017, 2018 hoặc 2019.

Theo hạ An/Bizlive
https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/binh-phuoc-dak-lak-co-ngan-sach-bi-mat-nhat-viet-nam-3564895.html?