Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bỏ đại học không có nghĩa là bỏ học

05/05/2019 12:26

Không ít những người trẻ lười học và lý do đưa ra để viện cớ là 'Bill Gates, Steve jobs, và những tỷ phú trên thế giới đều không cần học đại học mà vẫn thành công' là lối suy nghĩ lệch lạc và nguy hại. Và việc họ không học, không cố gắng nhưng lại hy vọng một ngày thành công bất ngờ ở đâu ập tới là sự ảo tưởng nhấn chìm con người vào thất bại.

Không ít những người trẻ lười học và lý do đưa ra để viện cớ là 'Bill Gates, Steve jobs, và những tỷ phú trên thế giới đều không cần học đại học mà vẫn thành công' là lối suy nghĩ lệch lạc và nguy hại. Và việc họ không học, không cố gắng nhưng lại hy vọng một ngày thành công bất ngờ ở đâu ập tới là sự ảo tưởng nhấn chìm con người vào thất bại.

Bill Gates - ông chủ của phần mềm Microsoft

Bước chân ra khỏi trường lớp là thực tế nghiệt ngã

Những cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên Google như Bill Gates, Warren Bufett, Steve Jobs, Richard branson được người ta biết đến không chỉ ở khối gia tài khổng lồ mà còn bởi cách khởi nghiệp và sự đổi đời “ngoạn mục” sau những lần thất bại.

Steve Jobs - cái tên được mệnh danh là tượng đài lớn của ngành công nghệ, dù là người sáng lập ra các sản phẩm mang thương hiệu “Táo khuyết” nhưng ông cũng từng phải đối mặt với việc bị Apple sa thải. Gia đình lộn xộn, mâu thuẫn bạn bè là tất cả những thứ ông phải đối mặt từ khi còn trẻ, bỏ học Đại học từ sớm do chi phí quá đắt, Jobs tâm sự :“Khi bỏ học, tôi không cần đi học những lớp mà tôi không thích, mà đi học những thứ mà tôi thấy hứng thú”.

Sau khi bị Apple sa thải, Jobs bắt đầu xây dựng công ty Next và một công ty khác có tên là Pixar. Khi Apple mua lại Next, Jobs đã quay trở lại làm việc cho “Táo khuyết”. Tại thời điểm đó, Apple đang bên bờ vực phá sản và chính Steve Jobs đã vực dậy hãng và đưa công ty đến đỉnh cao thành công. Với ông, sự ý thức về thời gian và cái chết khiến ông không bao giờ sợ hãi sự thất bại.

Steve Jobs chia sẻ rằng, khi đứng giữa sự sống và cái chết thì nỗi sợ hãi của sự xấu hổ hay thất bại sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Vì vậy, điều mà chúng ta cần làm là nỗ lực hết mình để theo đuổi những mơ ước của bản thân.

Còn Tim Ferriss - nhà đầu tư và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ nhận định bằng chính sự thất bại của bản thân: “Bạn cần phải thất bại, học cách đối diện với nó và tìm hiểu nguyên nhân tại sao dẫn đến sự thất bại. Khi đó, bạn mới có thể hiểu được giá trị thực sự của thành công”.

Ông từng đưa ra kinh nghiệm xương máu của đời mình bằng cách liệt kê ra tất cả những điều lo sợ có thể hoặc không thể xảy ra trong tương lai và đưa ra những giải pháp khắc phục mà ông cho là tốt nhất. Do đó, Tim Ferriss đã tự học cách đưa ra những phỏng đoán về những rủi ro trong tương lai và xác định cụ thể hướng giải quyết cho mỗi vấn đề đó. Đây cũng chính là cách giúp ông ổn định tâm lý, giữ bình tĩnh hơn và nhanh chóng lấy lại sự cân bằng khi gặp phải thất bại.

Bản lĩnh là tự thân vận động

Cũng từng từ bỏ đại học để khởi nghiệp Bill Gates - một tỷ phú người Mỹ từng dám bỏ ngang chương trình học tại trường Đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới - Harvard để khởi nghiệp với công ty Microsoft hồi năm 1970. Được biết, trước đó, khi mới 17 tuổi ông từng khởi nghiệp và thất bại với công ty Traf-O-Data - một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đọc dữ liệu thô từ các máy đếm lưu lượng giao thông, tạo báo cáo để các kỹ sư giao thông xử lý và phân tích để thiết kế đường sá, cải thiện tình hình giao thông, giảm ách tắc.

Tuy nhiên do máy móc không hoạt động được nên công trình này của họ đã vấp phải thất bại. Cũng chính thất bại này là tiền đề đầu tiên để họ chuẩn bị cho sản phẩm của Microsoft ra đời vài năm sau đó. Nhưng ngay tại Microsoft, Bill Gates vẫn liên tục phải đối mặt với sự thất bại.

Năm 1993, một dự án cơ sở dữ liệu mà ông phát minh mang tính cách mạng đã không thành công và vào giữa thập niên 90, một số chương trình truyền hình của Microsoft trên internet cũng đã gặp nhiều sự thất bại. Cuối cùng sự bền bỉ, không bỏ cuộc là điều mà Bill Gates có được thành công như ngày nay.

Steve Jobs - người sáng lập ra hãng Apple

Bài học được đưa ra từ ông là sử dụng sự thất bại như một bước nhún để bật cao hơn. “Thật may mắn để chào mừng sự thành công nhưng điều đáng chú ý hơn là đúc kết những bài học từ sự thất bại” – Bill Gates chia sẻ.

Warren Bufett - tác giả của những cuốn sách về đầu tư từng thẳng thắn cho rằng: “Tôi đã sống rất vui vẻ khi còn thanh niên 20 tuổi, 30 tuổi và ngay cả khi trở thành ông già 86 tuổi, tôi chưa bao giờ ngưng hứng thú với cuộc sống này. Mọi người đều có thể thất bại ở việc này hay việc khác. Khi lạc lối, tôi khuyên các bạn nên tìm kiếm một công việc bạn có thể làm được. Hãy thử sức, và đừng từ bỏ trước khi thực sự tìm ra công việc bạn yêu thích”.

Ông cho rằng, thành công của mỗi người là nhờ vào sự tập trung tuyệt đối trong công việc, bất kể thất bại vì lý do gì cũng chỉ cần một hướng duy nhất để đứng lên là sự bản lĩnh và đam mê. Sự hứng thú với những cuốn sách về đầu tư luôn hấp dẫn ông ngay từ những ngày trẻ, đó là lý do mà ông sớm tìm ra con đường thành công cho mình.

Họ là những nhân chứng sống, là những gương tiêu biểu cho lẽ sống vì đam mê nghề nghiệp, từng thất bại nhưng không nản chí, việc phá bỏ mọi khuôn mẫu khô cứng từ đại học đã sớm làm họ trưởng thành và bứt phá. “Con người chẳng bao giờ lên kế hoạch để thất bại, chỉ đơn giản là họ đã thất bại trong việc lên kế hoạch để thành công” là câu nói nổi tiếng của William Arthur Ward gợi nhiều suy ngẫm. Đầu hàng số phận là con đường ngắn nhất để con người đánh mất chính mình.

Việc bị sự nản chí chi phối từ những vấp ngã và thất bại là “con dao sắc” sẵn sàng đâm sau lưng sự thành công của mỗi người. Đam mê, kiên trì theo đuổi là những gì Bill Gates, Steve Jobs... đã dạy chúng ta, tuy nhiên ở họ đều có một bản lĩnh vững vàng, tố chất lãnh đạo và cả cái đầu nhạy bén là tất cả “bước đệm” để cho những “thiên tài” đột phá và nhảy vọt.

Bỏ đại học không đồng nghĩa bỏ học

Khi kể về câu chuyện của đời mình, đa số người nổi tiếng không khuyến khích mọi người học theo một cách liều lĩnh. Bởi, người dám thực hiện những điều tưởng như không tưởng này phải có tố chất riêng biệt, sự bản lĩnh và niềm đam mê.

Học đại học vẫn là con đường để dẫn tới thành công cho người trẻ nếu sống hết mình vì học tập, tuy nhiên nếu quá chán nản và có ý định bỏ cuộc như các thiên tài thì hãy thực hiện khi đã đã vạch ra cho mình những hướng đi chắc chắn riêng và thực sự tâm huyết về điều đó thì hãy mạo hiểm. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, mà ở đó là chông gai, thử thách cạm bẫy buộc con người phải thả mình trải nghiệm và đứng lên.

Warren Bufett - ông chủ của những cuốn sách về đầu tư bán chạy nhất tại Mỹ

Việc không ít những người trẻ lười học và lý do đưa ra để viện cớ cho mình là “Bill Gates, Steve Jobs, và những tỷ phú trên thế giới đều không cần học đại học mà vẫn thành công” quả là lối suy nghĩ lệch lạc và nguy hại. Và việc họ không học để hy vọng một ngày mà thành công bất ngờ ở đâu ập tới là sự ảo tưởng nhấn chìm con người vào thất bại.

Không có thành công tự đến khi lười biếng, cũng không có đỉnh cao nào giành cho những người nản chí. Nếu không có tố chất, không có bản lĩnh, khả năng đặc biệt thì đừng dại dột mà mạo hiểm, học đòi làm lố. Thực chất, con người cứ sống là chính mình đã là một sự thành công tương đối, để từ đó nhận thức được khả năng của mình mà đưa ra những định hướng phù hợp.

Cuộc sống vốn luôn biết làm khó chúng ta khi đặt ta vào những guồng quay lựa chọn. Có người thích cái này, bỏ cái kia vì say mê cuồng nhiệt, có người sinh ra lại được ưu ái sẵn một vị trí công việc đẹp, nhưng cũng có không ít những người họ từ thất bại này mà hướng mình sang một thử thách mới và thành công nhờ sự bản lĩnh và quyết tâm. Vậy suy cho cùng, thất bại, chán nản phải chăng là bệ phóng đưa tới sự thành công cho những con người có bản lĩnh?

“Tôi đã sống rất vui vẻ khi còn thanh niên 20 tuổi, 30 tuổi và ngay cả khi trở thành ông già 86 tuổi, tôi chưa bao giờ ngưng hứng thú với cuộc sống này. Mọi người đều có thể thất bại ở việc này hay việc khác. Khi lạc lối, tôi khuyên cách bạn nên tìm kiếm một công việc bạn có thể làm được. Hãy thử sức, và đừng từ bỏ trước khi thực sự tìm ra công việc bạn yêu thích”. (lời khuyên của tỷ phú Warren Bufett cho người trẻ)

Hán Thu Hà

Theo Pháp Luật VN

Bạn đang đọc bài viết "Bỏ đại học không có nghĩa là bỏ học" tại chuyên mục Phong cách.