Nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8-6, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay.
Ông cũng đề nghị cho biết đã có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường chứng khoán nước ta có bước phát triển rất tốt, tuy nhiên trong thời gian vừa qua xảy ra một số hiện tượng thao túng chứng khoán như thao túng cổ phiếu hay đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu...
Trước thực tế này, theo ông Phớc, bộ đã có nhiều biện pháp như tiến hành cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đồng thời đã trình Chính phủ sửa lại nghị định 153 và tăng cường các giải pháp, biện pháp để minh bạch thị trường chứng khoán, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông nêu rõ thị trường trái phiếu là một kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn và cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Các quốc gia đã có trên 500 năm thị trường chứng khoán, chúng ta mới 22 năm.
"Vừa qua xảy ra chuyện thao túng. Đó là hành vi cá nhân, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo rồi đột ngột bán đi, khi bán không báo với cơ quan quản lý nhà nước…
Đối với trái phiếu doanh nghiệp cũng phát hành trái phiếu đưa thông tin sai lệch. Những việc này vi phạm trật tự kinh tế, Luật chứng khoán… phải xử lý nghiêm", ông Phớc khẳng định.
Về giải pháp, ông cho biết sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi thông tin, đồng thời thiết lập một kênh theo dõi; cùng với việc hoàn thiện nghị định, tiến tới hoàn thiện Luật chứng khoán.
Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, các giao dịch bất thường.
"Thông qua kiểm tra, chúng tôi cũng đã phát hiện nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi cũng đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm", ông Phớc nêu.
Cũng nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm chấn chỉnh hành vi vi phạm, đưa các thông tin không chính xác, có thể nói là lừa đảo nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vụ việc Tân Hoàng Minh là một ví dụ rất điển hình.
"Mặc dù vụ việc này đã được đưa sang cơ quan điều tra, tuy nhiên hiện nay vẫn có rất nhiều công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp chui mời chào các nhà đầu tư cá nhân mua.
Vậy hướng xử lý vụ việc như thế nào đối với các nhà đầu tư trong vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh? Các giải pháp để giúp nhà đầu tư thu hồi được tài sản của mình như thế nào?", bà Dung đặt vấn đề.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra đối với những vụ việc có dấu hiệu bất thường, vi phạm và xử lý nghiêm việc thao túng, đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán.
Ông dẫn chứng trong thời gian qua đã xử phạt hành chính một trường hợp ở TP.HCM và xử lý hình sự một trường hợp ở Hà Nội về việc đưa thông tin sai lệch, không đúng, giả mạo ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay sau đó cho hay dù cơ quan nào cũng nói không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nhưng trong thực tế 4, 5 tháng đầu năm nay hầu như không có phát hành.
Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan nợ đến hạn của một số trái chủ, người phát hành trái phiếu Chính phủ thì khả năng khi đến hạn phải trả của năm nay rất lớn, thanh khoản của lĩnh vực này như thế nào?
Ông đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính và thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm báo cáo thêm với Quốc hội trong lĩnh vực này.
"Trách nhiệm kiểm tra, giám sát như thế nào? Đại biểu Mai Dung còn nói ý là vụ Tân Hoàng Minh đang xử lý như vậy nhưng hiện nay vẫn còn có tình trạng các công ty đi mời chào nhà đầu tư tư nhân để bán trái phiếu doanh nghiệp", ông Huệ nêu.