Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường chứng khoán rất tốt, không nên tăng thuế giao dịch

08/01/2022 09:08

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm trên khi giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận về gói hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội chiều 7-1.

bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-7-162721033769882414457-1641555555954707644038-1641607643.png
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng nên thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong tổng gói chính sách tài khóa được xây dựng hiện nay, phần tác động đến bội chi ngân sách là 240.000 tỉ đồng, trong đó riêng nguồn lực để hỗ trợ miễn, giảm thuế 64.000 tỉ - cao gấp 3 lần so với năm 2021 và chi ngân sách lớn nhất từ trước đến nay.

Đối với chính sách giảm thuế VAT được đề xuất 2% theo một số ý kiến là còn hạn chế, cần giảm đến 5%, ông Phớc cho rằng năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10%, trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản… giúp giảm 49.400 tỉ đồng.

Trong trường hợp điều chỉnh thuế VAT giảm 5% sẽ gây áp lực lớn, mất cân đối ngân sách, nên Bộ trưởng Tài chính xin "giữ nguyên như tờ trình". Đồng thời, với một số ý kiến đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế VAT, ông Phớc nói đây là vấn đề mới nên cần tiếp tục được nghiên cứu.

"Giảm 2% thuế VAT có tác dụng rộng hơn, lan tỏa tốt hơn, kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế. Còn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn không được hưởng để có thêm nguồn lực" - bộ trưởng nói.

Với đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản, bộ trưởng cho hay với doanh nghiệp chuyển nhượng chứng khoán sẽ thu 20%/thu nhập. Còn chuyển nhượng bất động sản, với doanh nghiệp 20%/thu nhập, cá nhân 2%/giá trị hợp đồng.

Theo ông Phớc, hiện thị trường chứng khoán rất tốt, là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế, năm 2021 huy động được 7,77 triệu tỉ đồng nên cần giữ nguyên mức này để chứng khoán là kênh hút vốn quan trọng.

Thay vào đó, sẽ tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Trường hợp chuyển nhượng tài sản cá nhân thì nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế.

Về gói tiền tệ, bà Nguyễn Thị Hồng - thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho hay đây là gói bổ sung ngoài khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nên dư địa chính sách tiền tệ ở chương trình này ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa, đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt theo sát thị trường, có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về, nên tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Với việc giảm lãi suất, năm 2020 khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm 0,8%. "Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm lãi, phí gần 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân", bà Hồng nói.

Nhận diện rủi ro lạm phát, kiểm soát xây dựng dự án

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, do quy mô chương trình lớn, nên cùng với đánh giá tác động chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 - 2023.

"Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp kiểm soát lạm phát. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước, trong quá trình xây dựng công trình.

Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia ngay từ đầu khi triển khai các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu", ông Dũng nói.

Theo N.An/Tuổi trẻ