Bộ trưởng trong sạch và trách nhiệm, tôi chấm tín nhiệm cao

24/10/2018 10:08

'Tôi sẽ chấm phiếu tín nhiệm cao đối với những vị có lối sống trong sạch, làm việc trách nhiệm. Còn bộ trưởng mà hay quên thực hiện lời hứa với cử tri thì tôi chấm tín nhiệm thấp', ĐB Phạm Văn Hòa chia sẻ với VietNamNet trước giờ QH lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

'Tôi sẽ chấm phiếu tín nhiệm cao đối với những vị có lối sống trong sạch, làm việc trách nhiệm. Còn bộ trưởng mà hay quên thực hiện lời hứa với cử tri thì tôi chấm tín nhiệm thấp', ĐB Phạm Văn Hòa chia sẻ với VietNamNet trước giờ QH lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Nghiên cứu báo cáo của 48 vị được QH lấy phiếu tín nhiệm gửi đến ĐBQH, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa ghi nhận sự sát sao của các lãnh đạo, bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc khi thấy có một số vị chỉ đánh giá mặt đã làm, còn hạn chế, thiếu sót thì ít đề cập.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. Ảnh: Hoàng Anh

“Qua báo cáo về đạo đức, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ của các vị này tôi thấy không có vấn đề gì. Hầu hết các vị này đều là những người đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, tư tưởng lập trường, đạo đức lối sống. Tới giờ phút này tôi chưa phát hiện điều gì vi phạm và tôi đánh giá rất cao tư cách đạo đức của họ”, ĐB Hòa nói.

Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao một số vị đã mạnh dạn nhận những hạn chế yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình quản lý và đưa ra những lời hứa, lời cam kết khắc phục từ đây đến cuối nhiệm kỳ.

“Tôi sẽ chấm tín nhiệm cao đối với những vị có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch. Đây là tiêu chí đầu tiên tôi “chấm điểm” cao. Kế đến, tôi sẽ xem xét tinh thần, thái độ làm việc của các vị này từ đầu nhiệm kỳ đến nay như thế nào”, ông Hòa nói về 2 tiêu chí ghi điểm phiếu tín nhiệm.

Theo ông, những người được QH lấy phiếu tín nhiệm đều là các lãnh đạo, chủ yếu làm công tác điều hành, chỉ đạo. Vận mệnh của đất nước thành hay bại, sự phát triển của mỗi ngành lên hay xuống là từ tinh thần trách nhiệm của những vị này.

“Những gì ĐBQH chất vấn thời gian qua, các vị hứa nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn, chỉ biết hứa suông thì tôi cho đây là lời nói dối với cử tri và ĐBQH. Vì vậy tôi sẽ chấm tín nhiệm thấp đối với những vị này”, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, với những tư lệnh ngành nắm giữ lĩnh vực nóng hay nổi lên những vụ việc dư luận quan tâm, cần có cái nhìn khách quan, kỹ lưỡng hơn.

“Phải tìm hiểu kỹ việc làm của họ trong cả quá trình chứ không vì một số vụ việc nổi cộm gần đây mà đánh giá tín nhiệm thấp. Tôi sẽ đánh giá một cách công tâm, trung thực, khách quan để không chấm điểm oan bất cứ ai”, ông Hòa cam kết và cho biết, phần lớn các vị được ông chấm tín nhiệm cao, còn tín nhiệm thấp không nhiều.

Đánh giá không nên quy chụp ngay

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá báo cáo của các nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm đều nghiêm túc, nêu rất rõ những gì đã làm được.

Tuy nhiên, ông cho rằng, việc đánh giá để lấy phiếu tín nhiệm không chỉ căn cứ vào bản báo cáo đó mà đánh giá cả thái độ của những nhân sự đó trước những vấn đề cử tri và nhân dân đặt ra.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý

“Muốn đánh giá được tổng thể tín nhiệm thì phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, cơ quan với người được giao phụ trách, căn cứ xem kết quả người ta hoàn thành như thế nào, hoàn thành trọng trách hay không và cần có cái nhìn khách quan, toàn diện”, ĐB đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông, một vấn đề có thể xảy ra ở lĩnh vực, bộ ngành này thì phải xem xét trách nhiệm của những vị tư lệnh đó đến đâu, liên đới đến đâu, không nên quy chụp ngay.

Hoặc thậm chí có những vấn đề phức tạp, kéo dài, vấn đề không chỉ xảy ra trong giai đoạn này mà là quá trình lịch sử thì phải xét xem những người phụ trách đó đã nhìn nhận, xử lý như thế nào, có nhìn nhận thẳng vấn đề để xử lý hay không.

“Một lãnh đạo bộ, ngành nào đó không được nhân dân đánh giá cao kết quả hoạt động, để tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp, dưới 50% thì tôi nghĩ khó có niềm tin, khó có khả năng để lãnh đạo tốt ngành, lĩnh vực mình phụ trách thì nên tự mình xin thôi chức”, ông Cường nói.

ĐB Cường cũng nhấn mạnh, trường hợp phiếu tín nhiệm quá thấp đến 2/3, tức mức độ tin tưởng rất thấp thì lúc đó trách nhiệm thuộc về QH, QH phải có biện pháp để buộc các vị đó phải thôi vị trí lãnh đạo.

Tôi đã định hình ai cao, ai thấp

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương cũng đánh giá phần lớn các báo cáo mà 48 vị gửi ĐBQH rất cụ thể những việc họ đã làm được và chưa làm được.

“Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn, có một số bộ trưởng chỉ nêu thành tích hoạt động của mình nhưng không nêu hạn chế và các giải pháp khắc phục”, ông Phương nói.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Quang Phúc

Việc lấy phiếu tín nhiệm được ĐB Phương chia sẻ là sẽ căn cứ vào hoạt động của 48 vị trong thời gian qua mà ông đã theo dõi và giám sát. Đồng thời, thông tin từ những kỳ chất vấn, lời hứa với cử tri của các tư lệnh ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng là một kênh để ông chấm điểm tín nhiệm. Ý kiến của cử tri cũng được ĐB Quảng Bình thu thập để quyết định ai là người được tín nhiệm cao, ai là người tín nhiệm thấp.

“Trong 48 người được lấy phiếu lần này, tôi đã định hình được ai là người phiếu tín nhiệm cao nhất nhưng cũng có những người tôi phải suy nghĩ, xem xét và có thể chấm tín nhiệm thấp”, ông chia sẻ.

Thu Hằng - Hồng Nhì

Theo Vietnamnet