Dự án VietFuture hứng tới mục tiêu giáo dục trẻ em thành phố thiếu kỹ năng sống, lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ thành những đứa trẻ có đủ kiến thức, tài năng trên nền tảng đạo đức, thái độ và trách nhiệm.
Bobo năm nay 13 tuổi, đang theo học một trường cấp 2 tại Hà Nội. Cũng giống các bạn cùng trang lứa, Bobo là một cậu bé ngoan, nhưng tuổi thơ được gắn mác "trẻ em thành phố" - thiếu trải nghiệm, thiếu kỹ năng và lớn lên chủ yếu trong sự bao bọc của cha mẹ.
Cho đến một ngày, cha mẹ Bobo nhận ra, "trẻ em thành phố" như cậu đang thiếu rất nhiều điều, nếu không muốn nói là hoàn toàn thụ động. Vậy là họ quyết định đưa cậu tới một lớp học đặc biệt không có Toán, Lý, Hóa, hay Văn, Anh, mà chủ yếu về tư duy logic, thái độ sống.
Những lớp học không có Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh
Là một dự án được "thai nghén" từ năm 2014, chính thức phát triển từ năm 2015, VietFuture ra đời từ trăn trở làm sao để lứa trẻ em thành phố như Bobo có đủ kiến thức, tài năng nhưng trên nền tảng của sự giáo dục là đạo đức, thái độ và trách nhiệm.
Ông Phạm Ngọc Anh - nhà đồng sáng lập & Chủ tịch HĐQT VietFuture được biết đến là một chuyên gia trong lĩnh vực Huấn luyện phát triển cá nhân, Kinh doanh, Hỗ trợ kỹ năng cho doanh nghiệp. Mặc dù là "thầy" của rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng "dao sắc không gọt được chuôi" - ông Ngọc Anh đã hoàn toàn "bó tay" trước cậu con trai 12 tuổi của mình năm đó.
"Đứng ở góc độ của một người cha, tôi tự đánh giá mình rất ổn về tư tưởng, tinh thần hay triết lý. Cái thiếu duy nhất ở đây có lẽ là thời gian. Do đó, tôi đã gửi con mình đi rất nhiều trung tâm, các thầy huấn luyện cả trong và ngoài nước. Đúng là thái độ, tư duy, ứng xử của cu cậu có tích cực hơn, nhưng chỉ sau vài ba ngày lại đâu vào đấy", ông Ngọc Anh chia sẻ.
Cho tới lúc này, Chủ tịch VietFuture nhận ra, nếu bản thân đứa trẻ không được uốn nắn đúng phương pháp, không có đủ thời gian và không gian để thẩm thấu, thì dù có bỏ vài ngàn USD cho con chạy theo những khóa học đắt đỏ cũng coi như bỏ đi.
Lấy cảm hứng từ chính cậu con trai 12 tuổi, ông Ngọc Anh muốn giúp các phụ huynh như mình giải quyết triệt để bài toán giáo dục thái độ sống, hành vi, ứng xử cho con trẻ.
Thời gian đầu bắt tay vào nghiên cứu, ông cùng đội ngũ sáng lập chỉ ra, nếu để tự thân đứa trẻ thay đổi về hành vi, nhận thức sẽ rất lâu và ì ạch, thậm chí là hên xui. Do đó, con trẻ cần nhất là nền tảng, môi trường phù hợp để phát triển.
Trong đó, 2 yếu tố không thể tách rời là bố mẹ và thầy cô song hành hỗ trợ. Tam giác: Con trẻ - bố mẹ - thầy cô sẽ cùng tác động lên nhau. Tác động lên con trẻ chiếm 6 phần, bố mẹ chiếm 3 phần và 1 phần còn lại là thầy cô truyền cảm hứng.
Hệ thống giáo dục VietFuture ra đời với 3 chương trình đào tạo chính: Khóa học Thiếu niên siêu đẳng dành cho con trẻ với nội dung chuyên sâu, xuyên suốt nhiều năm; Khóa học Cha mẹ toàn năng giúp các bậc phụ huynh thấu hiểu, đồng cảm với con cái; Khóa học Người truyền cảm hứng giúp nâng cao kĩ thuật giảng dạy cho các thầy cô.
Làm cha, làm mẹ thời kim tiền
Những ngày đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập VietFuture nhận thấy kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục vừa dễ, nhưng cũng vừa khó. Dễ ở chỗ các bậc làm cha, làm mẹ thời nay đều gặp chung một vấn đề, đó là tâm lý con trẻ bây giờ khác biệt hoàn toàn so với thời của họ.
"Có bệnh thì vái tứ phương, do đó, cha mẹ thời nay sẵn sàng trả tiền để "học" cách hiểu, cũng như uốn nắn, giáo dục con trẻ đúng cách. Nhìn từ ví dụ chính chúng ta mà ra, ngày xưa cứ hư là bị đánh đòn, chiều bị đánh nhưng tối quên luôn. Trong khi con trẻ bây giờ, chưa kịp đánh mà chúng không vừa lòng là sẵn sàng nhịn ăn, tự giam mình, thậm chí là làm chuyện dại dột", ông Phạm Ngọc Anh phân tích.
Tuy nhiên điều khó là khi cha mẹ trả tiền để con cái đi học, thì sản phẩm, kết quả mà họ nhận được phải đem lại hiệu quả thực sự. Nếu không, doanh nghiệp giáo dục sẽ tự bị thị trường đào thải.
"Nếu là con em mình, mình dạy thế nào cũng được. Nhưng là con người khác thì họ quý như cục vàng, sơ sẩy một chút là thành khủng hoảng truyền thông. Tôi ví dụ, khi các con vận động sẽ khó tránh khỏi bị ngã, hay trầy xước. Bố mẹ về nhà thấy con như vậy, nhiều người chuyện bé xé ra to. Vấn đề là họ phải hiểu, không có gian khổ, không có khắc nghiệt thì không có sự thay đổi, tiến bộ", nhà sáng lập này phân tích.
Cũng có trường hợp ông Phạm Ngọc Anh nhận được thắc mắc từ phụ huynh, đó là con tôi đi học đủ rồi, sao tôi cũng còn phải học? Ông cho rằng, như vậy là phụ huynh chưa hiểu được bản chất vấn đề. Ở đây, bố mẹ phải hiểu bản chất, nắm được tâm lý thì mới hỗ trợ con trẻ tiến xa.
"Ở VietFuture, chúng tôi hướng dẫn các con khi về nhà sẽ đề nghị giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà và được trả công. Đây là phương pháp rất văn minh, dạy cho con trẻ biết bỏ sức lao động, bỏ mồ hôi để đổi lại thành quả. Có thể phần thưởng chỉ là 5.000, 10.000 đồng, nhưng chúng sẽ thấy quý, quý hơn là việc bố mẹ cho con vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu và nghĩ rằng tiền này chúng nghiễm nhiên được nhận", ông Ngọc Anh giải thích.
Nếu các bậc phụ huynh hiểu được bản chất, sẵn lòng ủng hộ, hiệu quả với đứa trẻ sẽ rất tốt. Ngược lại, phụ huynh chưa hiểu bản chất, cho rằng đây là cách con trẻ vòi vĩnh tiền sẽ phản ứng, gây ra mất tác dụng.
Ông Ngọc Anh không phủ nhận, dù đội ngũ VietFuture đang nỗ lực mang tới những gì tốt nhất cho thế hệ học viên trẻ tuổi. Nhưng như vậy với ông vẫn chưa đủ.
Sau khoảng 5 năm khởi nghiệp, VietFuture hiện vận hành 4 chi nhánh trên toàn quốc, hoàn thành tổ chức hơn 700 khóa học, với hơn 25.000 học viên tốt nghiệp. Doanh thu năm 2019 của VietFuture dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Nhà sáng lập này cho biết, thời gian gần đây công ty đã nhận được nhiều lời đề nghị rót vốn từ các cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, VietFuture vẫn đang thận trọng và cân nhắc các nhà đầu tư có am hiểu về ngành nghề, có tâm với lĩnh vực giáo dục, cũng như hỗ trợ được doanh nghiệp trong việc hoàn thiện yếu tố công nghệ còn thiếu, giải quyết triệt để bài toán thắt chặt mối liên kết giữa các con, bố mẹ và thầy cô.
Giấc mơ "West Point" của Việt Nam
Theo ông Phạm Ngọc Anh, những gì hệ thống giáo dục VietFuture đạt được ở thời điểm hiện tại mới chỉ là giai đoạn 1 trong kế hoạch mà đội ngũ này vạch ra. Mục tiêu của VietFuture ở giai đoạn này là đạt được 5% thị phần học sinh cấp 2 trên toàn quốc.
Hoạt giáo dục hành vi, thái độ, ứng xử từ lâu đã được đưa vào các trường tư, trường quốc tế ở Việt Nam, nhưng số lượng các cơ sở như vậy là không nhiều. Trong khi đó, học sinh trường công lập tại các thành phố lớn lại đang thiếu những kĩ năng này.
Tiếp nối giai đoạn 1, nhà sáng lập này kì vọng VietFuture trong giai đoạn 2 sẽ tạo ra được một môi trường để các con được học tập và rèn luyện lâu dài trong ở đó. Mục tiêu là tạo ra thế hệ có tên "thiếu niên siêu đẳng". Con trẻ vốn có nhiều tố chất, nhưng thiếu phương pháp huấn luyện chuyên sâu. Do đó, VietFuture sẽ lập ra một hệ thống theo dõi, chăm sóc riêng từng đứa trẻ, lên lộ trình chi tiết, dài hơi, giúp đứa trẻ bổ trợ những kĩ năng còn thiếu.
Trong khi đó, ở giai đoạn 3, Chủ tịch VietFuture mong muốn thành lập một ngôi trường chuyên biệt, với học viên trong độ tuổi từ cấp 3 tới bậc đại học. Ngôi trường này sẽ đào tạo kiến thức học thuật vừa đủ, chủ yếu tập trung về dạy tài chính, kinh doanh, cho ra lò những nhân sự trẻ, thiện chiến, tương lai có thể trở thành nhân lực chủ chốt ở các tập đoàn hàng đầu Việt Nam.
"Phương pháp giáo dục của trường sẽ kèm theo yếu tố kỉ luật của quân đội, mang hơi hướng giống như học viện quân sự West Point ở Mỹ. Đặc biệt, các con sẽ được dạy về lòng yêu nước, cống hiến và phụng sự tổ quốc. Tôi tin rằng, chỉ có sự khổ luyện, tính kỉ luật, các con mới trở thành những thế hệ kế thừa bản lĩnh", ông Phạm Ngọc Anh khẳng định.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ