"Bom nợ" trái phiếu bất động sản Việt Nam nguy hiểm hơn Evergrande

05/10/2021 15:41

Nếu không được kiểm soát kịp thời, nhiều chuyên gia cho rằng, rủi ro từ trái phiếu bất động sản Việt Nam sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều vụ việc Evergrande của Trung Quốc.

untitled-1633422199.png
Trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn là tâm điểm của thị trường với lãi suất cao ngất ngưởng

Rủi ro từ huy động trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia đang liên tục cảnh báo về rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam khả năng sẽ đi theo vết xe đổ như việc Tập đoàn Evergrande đang đứng trước nguy cơ vỡ 'bom nợ' 300 tỉ USD.

Tập đoàn bất động sản này của Trung Quốc đã không thể trả được khoản lãi trái phiếu tổng cộng 131 triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài như hạn định vào ngày 23 và 29/9 vừa qua. Evergrande cũng sẽ phải trả 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm 2021, thanh toán 3,45 tỉ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 3 và tháng 4 năm 2022.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, những rủi ro đối với thị trường trái phiếu bất động sản Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khi trong 2 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã liên tục nóng lên nhanh chóng. Nhiều công ty bất động sản lớn đều chuyển cơ cấu vốn vay từ ngân hàng sang trái phiếu, nhằm tham gia vào các thương vụ đầu tư hoặc cơ cấu/đảo nợ.

Tính chung nửa đầu năm 2021, quán quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thuộc về nhóm bất động sản (92.300 tỉ đồng, chiếm 44,2% cơ cấu).

Bất chấp việc siết chặt các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, hoạt động phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp vẫn diễn ra nhộn nhịp. Đặc biệt, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn là tâm điểm của thị trường với lãi suất cao ngất ngưởng.

Chỉ tính riêng tháng 8/2021 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn đã thông báo huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Lãi suất mà các doanh nghiệp này trả cho nhà đầu tư cao gấp đôi, gấp ba lãi suất ngân hàng.

Cụ thể, mới đây, Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh công bố đã thu về 3.130 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu tiên lên tới 13,65%/năm. Tương tự, Công ty cổ phần Phú Hoàng Vương cũng huy động thành công 4.670 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu là 13,65%.

Nhiều công ty bất động sản khác như Tiến Phước, Sunrise Việt Nam… cũng vừa huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất 10-11%/năm nhằm thực hiện các dự án bất động sản góp vốn với đối tác triển khai dự án.

Theo ông Nghĩa, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều thích huy động vốn từ kênh trái phiếu hơn là vay ngân hàng. Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện ngặt nghèo và sự kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của ngân hàng.

Trong khi đó, nếu huy động trái phiếu, doanh nghiệp được tự do sử dụng nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp dùng tiền huy động được để đầu tư mới, mua các dự án khác thay vì hoàn thiện các dự án đang có.

Trong trường hợp dòng tiền kinh doanh âm, hoạt động đầu tư khó khăn, cổ phiếu lao dốc, doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán của khi trái phiếu đến ngày đáo hạn. Nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu đang dần hiện hữu, đặc biệt là trái phiếu bất động sản mà Evergrande chính là điển hình.

Hệ quả rất lớn nếu không kiểm soát kịp thời

Đáng lo ngại hơn, theo ông Nghĩa, hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam và Trung Quốc rất giống nhau. Thậm chí, những rủi ro từ huy động vốn tại Việt Nam còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với Evergrande.

"Xét trên phương diện nào đó, chúng ta phải thừa nhận rằng, hoạt động huy động trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc minh bạch hơn tại Việt Nam. Hoạt động này được kiểm toán bởi những công ty lớn, uy tín, các cơ quan phát hành trái phiếu xem xét cẩn thận. Ngay cả khi họ phát hành trái phiếu nhiều như vậy cũng có sự cẩn trọng.

Còn ở Việt Nam, các tập đoàn phát hành hàng chục ngàn tỷ trái phiếu không có ai quản lý, giám sát xếp hạng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn úp mở việc giao trái phiếu cho ngân hàng bán, giống như là trái phiếu đó được ngân hàng bảo lãnh nhưng thực chất không phải như vậy", ông Nghĩa nhận định.

Theo vị chuyên gia này, điều này đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với thị trường trái phiếu Việt Nam, nếu các cơ quan nhà nước không quan tâm, không rút ra được những bài học lớn từ Trung Quốc, "khối u" đằng sau lưng họ sẽ ngày càng lớn".

Đồng quan điểm, ông TS. Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM cũng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam thời gian vừa qua đã huy động trái phiếu khá nhiều. Trong khi đó, thị trường trái phiếu của Việt Nam chưa trưởng thành, chưa có nhiều cơ quan đánh giá tín nhiệm, minh bạch thông tin về trái phiếu đến nhà đầu tư.

Nếu dự án của doanh nghiệp tốt, thì trái phiếu là kênh đầu tư rất hiệu quả. Nhưng thực tế, một số doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu theo phong trào dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường nếu hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó.

Đây chính là tín hiệu cảnh báo hiệu về một “bom nợ” tại Việt Nam, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát quá trình tăng quá nóng của trái phiếu và thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Trí, hiện giá nhà ở Việt Nam và Trung Quốc đều đang quá cao so với thu nhập của người dân. Chính vì vậy, Chính phủ cần sớm kiểm soát mức tăng giá bất động sản để phòng ngừa rủi ro.

Các giải pháp cần được nghiên cứu như đánh thuế bất động sản, thuế tài sản và thuế đánh trên giao dịch bất động sản để ngăn chặn chặn tình trạng đầu cơ. Nếu nhà đầu tư mua bất động sản và bán sang tay trong thời gian ngắn dưới 1 năm, Chính phủ nên xem xét tăng thuế để tránh đầu cơ. Việc tăng thuế sẽ khiến ý định đầu cơ giảm. Từ đó sẽ kiểm soát được “bong bóng” trên thị trường và rủi ro cho các nhà đầu tư, vị chuyên gia này nhận định.

Theo An Chi/The Leader