Bốn hãng hàng không ‘xếp hàng’ xin giấy phép: Ai sẽ được bay sớm?

10/07/2019 12:35

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam đang có 5 hãng cung cấp dịch vụ bay là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways. Ngoài ra, còn có 4 hãng hàng không đang "xếp hàng" chờ cấp phép. Cuộc đua "xin" giấy phép bay bỗng trở lên nóng bỏng hơn khi “ông lớn” Vingroup bất ngờ xuất hiện với hãng hàng không Vinpearl Air.


Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam đang có 5 hãng cung cấp dịch vụ bay là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways. Ngoài ra, còn có 4 hãng hàng không đang "xếp hàng" chờ cấp phép. Cuộc đua "xin" giấy phép bay bỗng trở lên nóng bỏng hơn khi “ông lớn” Vingroup bất ngờ xuất hiện với hãng hàng không Vinpearl Air.

Vietstar Airlines mòn mỏi chờ bay

Đầu tiên phải kể đến hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), đây là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).

Đến giữa năm 2016, Vietstar Airlines đã được thành lập với mức vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã có 2 hangar sửa chữa máy bay đáp ứng đủ điều kiện thực hiện bay.

Tuy nhiên, điểm vướng  của Vietstar Airlines là chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ”, trong bối cảnh nhà ga T3 mới chưa được xây dựng, vì thế quy hoạch của hãng hàng không này chưa được phê duyệt.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong phương án xây dựng nhà ga T3 mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra mới đây thì nhanh nhất 2 năm nữa mới có thể hoàn thiện báo cáo khả thi, mặt bằng… để thi công nhà ga mới.

Nếu suôn sẻ, phải 2 năm tiếp theo mới hoàn thành nhà ga T3, Tân Sơn Nhất. Như vậy, ít nhất 4 năm nữa, Vietstar Airlines mới có thể cất cánh.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar Airlines cho biết: việc chờ đợi này là quá lâu đối với Vietstar bởi suốt 3 năm qua hãng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực từ phi công đến dịch vụ mặt đất, thiết bị…. và sẵn sàng thực hiện bay.

“Thậm chí, hãng đã phải thay đổi mục tiêu ban đầu trong 5 năm sẽ đưa về 10 máy bay (nay rút xuống chỉ còn 5 máy bay). Mà tại 2 hangar của hãng đã sẵn sàng chứa được 4 chiếc. Vì thế, mong mỏi của hãng là sớm được Chính phủ, Bộ GTVT, Cục hàng không Việt Nam cấp phép bay”, ông Phương nói.

Tập đoàn Thiên Minh và cái “bắt tay” hụt với hãng hàng không giá rẻ AirAsia

Theo thông tin ban đầu của VietnamFinance ghi nhận, Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) từng được biết đến với vai trò liên doanh cùng AirAsia thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, AirAsia bất ngờ phát đi thông báo về việc chấm dứt sự hợp tác này. Nguyên nhân được cho là cả hai không tìm thấy tiếng nói chung trong các thỏa thuận.

Đến thời điểm này, trong khi AirAsia chưa tìm thấy đối tác để gia nhập thị trường hàng không Việt Nam thì Thiên Minh đã lập được công ty hàng không mới.

Xác nhận từ Thiên Minh Group cho biết, đơn vị này vừa thành lập Công ty Cổ phẩn Hàng không Thiên Minh với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh được ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, đứng ra thành lập vào ngày 13/6/2019. Công ty có trụ sở chính tại số 187 Lý Thường Kiệt, Hội An, Quảng Nam.

Thủy phi cơ của Thiên Minh Group
 
Ngoài ra, trong hệ thống của Thiên Minh Group cũng có Cty Cổ phần Hàng không Hải Âu hoạt động ở lĩnh vực vận tải hàng không dưới hình thức thủy phi cơ.

Loại hình vận tải hàng không này giúp Thiên Minh trở thành cái tên nổi tiếng trong ngành du lịch, với tour tham quan Vịnh Hạ Long từ trên cao đầy hấp dẫn.

Việc thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh cho thấy tham vọng gia nhập thị trường hàng không của ông chủ Trần Trọng Kiên.

Ngoài ra, Công ty Hàng không Thiên Minh còn đăng ký một số lĩnh vực kinh doanh như: sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác); vận tải hàng hóa hàng không và đặc biệt là cho thuê máy bay.

Còn với Tập đoàn Thiên Minh, trong 10 năm trở lại đây, đơn vị này được nhắc tới nhiều khi tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.

Năm 2011, Thiên Minh hoàn thành việc mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam và khai trương khách sạn Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào.

Cũng trong năm 2011, Thiên Minh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)…

Hiện Thiên Minh là cổ đông đa số của Hải Âu sau thương vụ mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) hồi năm 2013. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động và khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ, Hải Âu vẫn lỗ.

Vietravel Airlines và “giấc mơ bay” trong Quý I/2020

Một cái tên đang chú ý khác đó là hàng hàng không Lữ hành du lịch Việt Nam (Vietravel Airlines) do chính Công ty Lữ hành Vietravel vừa trình hồ sơ thành lập tới Bộ GTVT trong năm 2019.

Theo “đúng bài” mà Bamboo Airways đã thực hiện, Vietravel Airlines tỏ ra khôn ngoan khi lấy sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm căn cứ.

Việc chọn sân bay địa phương tỏ ra khá “thông minh” trong lộ trình cấp phép bay vì tại các sân bay này không thiếu điểm đỗ, vì thế, sẽ không quá khó để được cấp phép bay.

Ngoài ra, việc chọn Phú Bài làm "thủ phủ" cũng giúp hướng luồng khách du lịch khu vực Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng - Hội An qua sân bay Phú Bài giúp giảm tải cho phi trường Đà Nẵng.

Hiện Hãng này đang có những bước khởi động mạnh mẽ để kịp bay chuyến đầu tiên dự kiến vào Quý I/2020.

Bên cạnh việc chọn Cảng Hàng Không Phú Bài làm căn cứ, hãng này cũng đang liên kết với các công ty nước ngoài để mở trường đào tạo tiếp viên hàng không, đội ngũ phục vụ mặt đất…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO của Vietravel cho biết, mục tiêu Vietravel Airlines so với các hãng hàng không nội địa khác là “hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê bao nguyên chuyến) để giúp Vietravel tăng lượng khách du lịch mà không tốn nhiều chi phí đầu tư hàng không.

Ông lớn Vingroup “lấn sân” vào lĩnh vực hàng không

Một cái tên đang rất được quan tâm đó là hãng hàng không Vinpearl Air, đặc biệt, ngày 3/7, Phòng đăng ký Kinh doanh Tp. Hà Nội đã nhận được công văn công bố thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh nghiệp Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia thành Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.

Theo bản đăng ký, Vinpearl Air được thành lập từ ngày 22/4/2019, có địa chỉ trụ sở của công ty là tại khu Vinhomes Riverside Long Biên. Công ty có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông, Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch VinAsia nắm 45%, ông Hoàng Quốc Thủy nắm 30%, và Phạm Khắc Phương nắm 25%.

Người đại diện pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thanh Hương, sinh 24/11/1972, tại Hà Nội. Bà Hương cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinpearl Air. Được biết bà Nguyễn Thanh Hương cũng đang là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam.

Tại sao có “hình bóng” của Vingroup tại Hãng hàng không Vinpear? nên nhớ, cuối năm 2018, chính Vingroup đã chi ra hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.

Còn ông Phạm Khắc Phương, cổ đông lớn của công ty cũng là một người giữ nhiều chức vụ trong hệ sinh thái Vingroup.

Ông Phạm Khắc Phương là người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl. Ông Phương sinh năm 1967 xuất phát là một kỹ sư. Ông gắn bó với Vingroup từ khi tập đoàn này còn kinh doanh ở Ukraina với tên gọi Technocom. Đến năm 2007, ông là Trưởng ban kiểm soát Công ty Cổ phần Vincom…

Bên cạnh đó, trong ngày 8/7, Vingroup cũng chính thức công bố đã cùng Tập đoàn CAE (Canada) đạt được thoả thuận hợp tác trong đào tạo phi công, thợ máy, tiếp viên hàng không.

Cụ thể, tại Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) sẽ đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam, chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm.

Ngoài ra, Vingroup cũng xây dựng Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác…

Như vậy, với sự tham gia hàng loạt các “ông lớn” trên thị trường hàng không hứa hẹn chỉ trong tương lai không xa, sẽ có thêm vài hãng hàng không mới cất cánh trên thị trường Việt. Đem đến cho người dân cơ hội bay nhiều hơn, chi phí giá rẻ hơn, tuy nhiên, cũng tạo nên những áp lực không nhỏ lên hạ tầng hàng không. Cuộc cạnh tranh hàng không sẽ ngày một khốc liệt hơn…

Đinh Tịnh

Theo VietnamFinance