Bóng ma khủng hoảng kinh tế thế giới 1973 lại hiện hình?

05/07/2019 14:23

Mới đây, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Saxo đã đưa ra dự đoán rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 70 sẽ lặp lại bắt đầu từ Mỹ.

Mới đây, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Saxo đã đưa ra dự đoán rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 70 sẽ lặp lại bắt đầu từ Mỹ.

Ông Stein Jacobsen, chuyên gia kinh tế chính và giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Saxo mới đây đã cho biết trong một dự báo kinh tế vĩ mô cho quý ba rằng, cú sốc kinh tế toàn cầu xảy ra vào những năm 1970 có thể lặp lại.

Ông Jacobsen viết, ngày nay, toàn cầu hóa đã đạt đến mức tối đa kể cả khi không tính đến các cuộc chiến thương mại. Trung Quốc đang sản xuất đủ mọi thứ, vì vậy quá trình sản xuất giá rẻ đã tự cạn kiệt. Thêm vào đó là một cuộc chiến thương mại tiềm năng và sự tập trung chú ý vào hậu quả môi trường của tiêu dùng trong mọi khía cạnh.

Trước thực tế là các ngân hàng trung ương đã tập trung một cách sai lầm vào lạm phát quá thấp, chúng ta đang đón nhận “cơn bão lý tưởng” thực sự, mà toàn bộ sức mạnh của nó sẽ dội vào các kết quả lạm phát.

Ngoài ra, tình trạng chống toàn cầu, tăng giá thành của từng đơn vị sản phẩm do xét tới yếu tố môi trường…, tất cả những điều này sẽ dẫn tới việc lặp lại cơn sốc toàn cầu trong lĩnh vực cung, cấp từng được ghi nhận vào những năm 70 của thế kỷ trước - ông Jacobsen cảnh báo.

Được biết, cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu ở Hoa Kỳ vào cuối năm 1973. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tăng trưởng kinh tế ở các nước tư bản tăng không đều, hầu hết các nước Tây Âu và Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn Mỹ. Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc số một trên thế giới nhưng vị trí kinh tế của Mỹ đã giảm xuống, thế giới tư bản hình thành ba trung tâm kinh tế là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản cạnh tranh với nhau ngày càng gay gắt.

Trong quan hệ thương mại, Mỹ chuyển từ một nước xuất siêu sang nước nhập siêu và nhập siêu ngày càng nhiều với Tây Âu và Nhật Bản. Điều này đã dẫn đến những cuộc “chiến tranh thương mại” gay gắt do Mỹ khởi xướng và buộc các nước khác phải đáp trả. Kết quả là sự xuất hiện chính sách bảo hộ mậu dịch với nhiều biện pháp khác nhau ở các nước, khiến thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nếu như trong giai đoạn 1965-1973, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của các nước tư bản phát triển là 9,5% thì đến giai đoạn 1973-1980 đã giảm xuống chỉ còn vẻn vẹn 5,6%; năm 1981 chỉ đạt 2,4% và năm 1982 giảm xuống mức -1,6%.

Thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế mới?

Trong giai đoạn khủng hoảng ở Mỹ, sản xuất công nghiệp giảm 13%, tại Nhật Bản giảm 20%, tại Đức giảm 22%. Đến giữa năm 1975, số người thất nghiệp ở các nước tư bản phát triển lên tới con số 15 triệu.

Mức tăng năng suất lao động trong công nghiệp giai đoạn 1973-1977 so với giai đoạn 1963-1973 ở Mỹ giảm từ mức 2,1% bình quân hàng năm xuống còn 1%; ở Nhật Bản giảm từ 8,9% xuống 1,3%; ở Anh từ 3,9% xuống 1,3%; ở CHLB Đức từ 5,3% xuống 3,6%; ở Pháp từ 5,2% xuống 4%; ở Italia từ 5,6% xuống 0,8%.

Giới chuyên gia thế giới cho rằng, với cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và bóng ma của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ…, thế giới đang xuất hiện những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào thập niên 70 của thế kỷ trước.

Huy Bình

Theo Đất Việt