Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Bữa ăn đắng' của tài xế giao hàng và vấn nạn 'bom hàng' gây bức xúc

18/04/2019 16:54

Tài xế GrabFood cực chẳng đã phải ăn một bữa ăn có giá lên đến 150.000 đồng (gồm cơm gà và gỏi gà) vì vị khách đặt đồ ăn qua ứng dụng đã không chịu nhận hàng (còn gọi là 'bom hàng') khiến bác tài sinh viên phải lãnh đủ.

Tài xế GrabFood cực chẳng đã phải ăn một bữa ăn có giá lên đến 150.000 đồng (gồm cơm gà và gỏi gà) vì vị khách đặt đồ ăn qua ứng dụng đã không chịu nhận hàng (còn gọi là 'bom hàng') khiến bác tài sinh viên phải lãnh đủ.

Đồ ăn đặt xong nhưng không nhận khiến tài xế giao hàng lãnh đủ (ảnh: theo Dân Sinh).

Từ “bữa ăn đắng”…

Câu chuyện “bữa ăn đắng” của tài xế GrabFood được lan truyền trên mạng với những hình ảnh và lời bình đầy bức xúc trước vấn nạn “bom hàng”. “Bom hàng” là khái niệm để chỉ tình trạng đặt mua hàng qua mạng (xảy ra nhiều đối với các chủ shop bán hàng qua Facebook) nhưng sau đó không nhận hoặc tắt điện thoại biến mất khiến người giao hàng không thể liên lạc được.

Theo chị K - một chủ shop bán hàng qua Facebook (đường Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM), tình trạng “bom hàng” rộ lên trong vài năm trở lại đây khi phong trào bán hàng qua mạng xã hội tăng mạnh.

Đối tượng “bom hàng” thường rơi vào các trường hợp như đặt mua rồi sau đó đổi ý không muốn nhận hàng nữa, những người nghiện mua hàng qua mạng nhiều khi chỉ đặt mua nhưng ít khi nhận, đối thủ cạnh tranh dùng địa chỉ và số điện thoại của người khác để đặt hàng phá bĩnh nhau, khách hàng có động cơ nghịch phá…

Lâu nay các trường hợp “bom hàng” chỉ phổ biến đối với hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm, nước hoa… Khi khách không nhận thì, Cty giao hàng chuyển trả lại cho chủ shop, chủ shop bị thiệt tiền ship.

Tuy nhiên, với trường hợp “bom hàng” giao đồ ăn như của tài xế GrabFood mới đây, đồ ăn đã đặt và lấy đi không thể trả lại nhà hàng, người giao hàng lãnh đủ vì vừa bị mất phí ship hàng vừa phải chịu chi trả cho đơn hàng đồ ăn. Đó là “bữa ăn đắng” bất đắc dĩ gây thiệt kép cho tài xế giao đồ ăn.

… đến trò phá bĩnh vô đạo đức

Vấn nạn “bom hàng” còn được dân bán hàng online gọi là “boom hàng”, “bùng hàng”. Hệ lụy của nó gây ra cho các chủ shop online thường là tốn phí giao hàng, phí liên lạc; mất thời gian, công sức đóng gói, giao hàng; món hàng bị “bom” trong quá trình chuyển đi lại không có để bán cho người khác; đối với hàng tươi sống rất dễ hư hỏng sau khi bị trả lại; chủ shop bị ảnh hưởng tâm lí dẫn đến chán nản, mất lòng tin với người mua hàng…

Có những món hàng bị “bom” chỉ vì những lí do rất… vô lí được những nhân viên giao hàng ghi nhận lại như khách bảo tháng 7 cô hồn không nhận; khách bảo chỉ đặt cho vui thôi...

Thậm chí có trường hợp một đơn hàng được giao từ TP.HCM đến huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Khi nhân viên giao hàng liên lạc với người mua thì người này từ chối nhận, thậm chí còn đe “nếu vẫn đưa tới nhà đập chết” rồi cúp máy.

(ảnh: emdep.vn).

Hiện nay, việc bán hàng online qua hình thức livestream bùng nổ. Chủ shop tên T.A. bán hàng qua hình thức này cho biết: “Nhiều người khi xem mình livestream không hiểu sao họ không muốn nhận hàng mà vẫn đặt mua, thậm chí đặt cọc 50.000 đồng, nhưng khi hàng chuyển đến thì không nhận. Trường hợp đó họ thực sự muốn chơi mình, tốn 50.000 đồng đặt cọc nhưng biết mình tốn đến 100.000 đồng phí ship”.

Trước vấn nạn “bom hàng” phá bĩnh gây ảnh hưởng tới công việc làm ăn, trên nhiều diễn đàn online các chủ shop đưa ra những tư vấn cho nhau nhằm hạn chế tình trạng “bom hàng” để bớt thiệt hại. Theo đó, một “danh sách đen” những số điện thoại, địa chỉ, tên họ/nickname của những khách hay “bom hàng” được liệt kê ra để “cạch mặt”.

Thế Lâm

Theo Lao Động