Bước thăng trầm của 'Vua lốp'

18/06/2021 16:53

Ông Nguyễn Văn Chẩn (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu mặt hàng lốp và nhựa vá săm Quyết Thắng tại Hội chợ Triển lãm Giảng Võ. ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Từng làm ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội, nhưng “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn phải chịu những “cú vấp” của người đi trước thời cuộc khiến ông vài lần lâm cảnh trắng tay, phải lập nghiệp lại từ đầu. Nếu ra đời và lập nghiệp chậm lại vài chục năm, chắc “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt và những sản phẩm mà ông làm ra vẫn được người tiêu dùng đón nhận, thậm chí biết đâu còn có thể vươn xa hơn nữa…

“Cái tát” bước đầu lập nghiệp

Tôi đến ngõ 135 phố Đội Cấn (Hà Nội) tìm tới nhà “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn. Tiếp tôi, anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của “Vua lốp” cho biết: “Bố tôi mất cách đây 6 năm rồi. Khu đất này là nơi ông mua để gia đình sinh sống, đồng thời là xưởng sản xuất lốp”.

Bước thăng trầm của 'Vua lốp' ảnh 1Ông Nguyễn Văn Chẩn (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với khách nước ngoài trong gian hàng của mình tại Hội chợ Triển lãm Giảng Võ  ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Năm 1983, tại Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, lốp Quyết Thắng của “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn được trao Huy chương đồng. “Ngày ấy, Huy chương đồng là tặng thưởng không hề nhỏ đối với một doanh nghiệp tư nhân. Tại Hội chợ, có cả người nước ngoài đến gặp bố tôi để tìm hiểu và đặt vấn đề liên doanh để làm lốp xe”.

Anh Dũng cho hay

Sống cùng cha nên anh Dũng biết khá nhiều chuyện về “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn. “Thời cha tôi mới lập nghiệp, tôi chưa sinh, nên một số chuyện biết được là nghe ông kể lại”- anh Dũng cho biết. Rồi anh kể, sau giải phóng Thủ đô (tháng 10/1954), ông Nguyễn Văn Chẩn đã nuôi ý định rời miền quê Nga Sơn (Thanh Hóa) ra Hà Nội để lập nghiệp, thoát nghèo. Nhưng để thực hiện ý định ấy phải có tiền.Nhìn quanh nhà, ông Chẩn thấy đồ đạc không có gì đáng giá, ngoài mảnh ao trước nhà nên bàn với vợ bán ao. Ban đầu người vợ không chịu khiến ông phải thuyết phục nhiều ngày mới xong. Sau khi bán ao, ông Chẩn chia tiền làm đôi, một nửa giao cho vợ ở nhà nuôi con, còn lại ông “giắt lưng”để lên đường ra Hà Nội.

Lần đầu tới Hà Nội, Nguyễn Văn Chẩn không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm. Đường sá không biết, nên sau khi xuống ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), ông cứ thuận chân mà đi. Đến phố Hàng Da, ông thấy một số cửa hàng bày bán và làm dép lốp (dép cao su) tại nhà. Ông Chẩn mê mẩn nhìn những người thợ lành nghề bóc từng chiếc lốp ô tô, rồi dùng dao thao tác như múa để gọt ra những chiếc dép lốp đều tăm tắp. Mải miết xem đến khi trời tối, ông vội tìm phòng trọ, rồi hôm sau quay lại nơi cũ để tiếp tục xem. Sau vài ngày như thế, ông Chẩn rụt rè xin với chủ cửa hàng được làm chân phụ việc. Ban đầu người chủ không nhận, nhưng thấy cửa hàng cũng nhiều việc vặt nên rồi cũng đồng ý. Hằng ngày, ông Chẩn cần mẫn phụ việc không ngơi tay. Đến trưa, khi các người thợ ngả lưng, ông lại lặng lẽ cầm dao tập xén những mảnh cao su bỏ đi để học nghề. Sau nhiều ngày, thấy ông chăm chỉ lại ham học hỏi, người chủ thương tình mới dạy nghề cho. Vốn sáng ý lại khéo tay, nên không lâu sau “trình” của ông Chẩn đã ngang hàng với những người thợ lành nghề nhất của xưởng dép. Sau khi dành dụm được khoản vốn, ông Chẩn đã đưa vợ con lên Hà Nội để an tâm lập nghiệp.

Sau khi xin thôi việc để lập xưởng dép lốp riêng, ông Chẩn tiếp tục làm việc cật lực, tích cóp từng đồng kiếm được để nuôi khát vọng mở rộng sản xuất.Xưởng của ông ngày một phát triển, chất lượng dép cũng đảm bảo nên tiêu thụ được nhanh. Ban đầu, dép được bán khắp Hà Nội, sau được đưa tới một số tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... để tiêu thụ. Hàng sản xuất càng nhiều đồng nghĩa với nguyên liệu sản xuất cũng được đưa về nhiều hơn. Ngày ấy, người dân khu phố nơi gia đình ông Chẩn ở thường “tròn mắt” khi luôn thấy một lượng lớn lốp ô tô cũ được chuyển tới nhà ông. Trong những năm đầu của cơ chế bao cấp thời đó, khi mà chiếc lốp xe đạp cũng còn nằm trong mơ ước của đại đa số người dân, thì lượng lớn lốp ô tô chở về nhà ông Chẩn quả là chuyện lạ. Lời dị nghị cũng từ đó mà ra. Rồi một ngày, khi có chồng lốp chất trong nhà ông đột ngột bị đổ khiến nhiều chiếc lốp lổm ngổm lăn ra hè đường thì “biến” đã xảy ra. Ngay hôm đó, một số cán bộ của Sở Tài chính Hà Nội đến nhà ông để kiểm đếm nguyên vật liệu, máy móc và tài sản của gia đình. Vài ngày sau, ông Chẩn choáng váng khi bản thân bị liệt vào danh sách... những tư sản mới nổi. Tài sản gia đình bị tịch thu toàn bộ, còn ông bị đi cải tạo. Trong thời gian bị giam giữ, ông Chẩn vẫn không hiểu tại sao một nông dân nghèo như ông, quanh năm làm việc quần quật, dè sẻn đến tận cùng việc chi tiêu để phát triển sản xuất mà bỗng chốc lại bị liệt vào tầng lớp tư sản?

Bước thăng trầm của 'Vua lốp' ảnh 2Anh Nguyễn Trí Dũng bồi hồi kể chuyện về người cha quá cố. Ảnh: KIẾN NGHĨA

“Cú vấp” của người đi trước thời cuộc

Vài năm sau, ông Chẩn được ra tù. Trong thâm tâm, người nông dân mới thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn này quyết không trở lại nghề cũ nữa vì nó đã biến ông trở thành “tư sản dép lốp”. Nhưng phần lớn tài sản gia đình hiện không còn, nếu không làm thì lấy gì nuôi vợ con? Đang trăn trở với suy nghĩ trên, thì một người con bị hỏng bút máy xin ông mua cho chiếc khác. Ông bèn đến vài cửa hàng bách hóa nhưng không mua được loại bút Trường Sơn này vì thời đó đây là mặt hàng phân phối. Bí quá, ông phải mua bút tại “chợ đen” với giá cao. Về nhà, nghĩ bực mình, ông bèn tháo tung chiếc bút, thấy chỉ có vài bộ phận đơn giản mà sao thị trường lại khan hiếm đến thế? Nghĩ mình có thể làm được những chiếc bút tương tự, ông bèn ra phố thuê thợ cơ khí làm cái khuôn, rồi mua nhựa phế thải về để mày mò cách làm. Sau vài tháng nghiên cứu, những chiếc bút máy không nhãn mác, nhưng chất lượng không thua bút Trường Sơn đã ra đời. Ông Chẩn mang một nắm bút ra Phòng Thủ công nghiệp quận Ba Đình đăng ký sản xuất. Những cán bộ ở đây bèn bơm mực vào từng chiếc bút, cẩn thận thử đi thử lại thấy đạt chất lượng nên cấp giấy phép. Từ đó, trên thị trường xuất hiện một loại bút mới giá rẻ, được bày bán khắp nơi. Hàng sản xuất lô nào bán hết lô đó khiến ông Chẩn giàu lên nhanh chóng.

Đang lúc làm ăn phát đạt, bất ngờ cán bộ tài chính lại đến kiểm tra đăng ký sản xuất của ông Chẩn. Mặc dù ông đã trình giấy phép sản xuất nhưng họ vẫn không chấp nhận. Sau đó, công an đến tịch thu toàn bộ mô-tơ, khuôn làm bút, hàng ngàn chi tiết bút tại nhà ông. Rồi ông Chẩn bị truy tố với tội danh tàng trữ và đầu cơ hàng hóa trái phép, bị kết án tù vài năm.

Lần nữa trắng tay sau khi ra tù, ông Chẩn bắt đầu sợ hai chữ “tư nhân”. Ông bèn xin làm việc tại một cơ sở làm hàng thủ công, rồi nhận thêm việc nối săm xe đạp để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nhựa vá thời đó không tốt, khiến không ít lần việc nối hai đầu săm bị bong hoặc hở. Sau khi tìm hiểu, ông thấy tại một số nhà máy có không ít giày vải bị thải loại có đế bằng cao su nguyên chất nên đã mua vài đôi để chế thử nhựa vá săm. Sau khi ngâm đế giày cao su với dung dịch do ông pha chế, kết quả đã cho nhựa vá săm rất tốt.Việc vá săm của gia đình ông đạt hiệu suất cao, chất lượng, lại đảm bảo nên cho thu nhập tốt. Khi đó, “máu” kinh doanh lại trỗi dậy nên ông Chẩn đã làm thêm nhựa vá săm để bán. Ý tưởng này đạt hiệu quả không ngờ, khi nhựa vá săm làm đến đâu bán hết đến đó. Ông Chẩn bèn xin nghỉ việc, bỏ cả làm thuê nối săm để dành thời gian sản xuất nhựa vá. Ông đến một số nhà máy, mua thanh lý giày thải loại để lấy đế giày cao su làm nhựa vá săm. Hàng của ông bán chạy đến nỗi, mỗi sáng đã có các chủ đại lý đến lấy hàng. Tiếng lành đồn xa, một số khách hàng tại các tỉnh cũng đến mua với số lượng lớn khiến ông Chẩn lại giàu lên. Nhưng sự thịnh vượng ấy chỉ kéo dài được vài năm thì lời xì xào lại rộ lên: “Ông này giàu nhanh chắc lại làm ăn phi pháp”. Rồi một ngày, công an lại ập đến khám nhà, tịch thu đồ vật, bắt ông Chẩn với lý do từng có tiền án, nay lại làm ăn phi pháp.

Bước thăng trầm của 'Vua lốp' ảnh 3“Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn đang kiểm tra những chiếc lốp Quyết Thắng. ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Vinh quang và cay đắng từ lốp Quyết Thắng

Anh Nguyễn Trí Dũng cho biết, sau lần bị bắt trên, ông Chẩn được tha về vào năm 1974. Bấy giờ ông Chẩn đã gần 50 tuổi, về nhà nhìn vườn tược xác xơ cùng căn nhà cấp bốn mà thấy nao lòng. “Khu đất đó, nay thuộc ngõ 135 phố Đội Cấn rộng cỡ 900 m2, bố tôi mua đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là tài sản lớn nhất mà ông còn lại sau vài lần bị tịch thu tài sản và đi tù”- anh Dũng cho biết. Rồi anh kể, sau khi ra tù, ông Chẩn không cam phận mà vẫn mầy mò tìm hướng sản xuất mặt hàng mới. Nhớ lại hồi làm dép cao su, khi xẻ lốp ô tô, ông thấy trong lốp có những lớp mành rất bền chắc nên tìm cách làm ra lớp mành này để đưa vào lốp xe đạp và xe máy sẽ rất tốt. Ngày đó, tại nhà máy cao su Sao Vàng cũng có nhiều hàng phế liệu, nên có thể mua thanh lý để chế tạo ra lốp. Và sau vài năm chuẩn bị và làm thử, khoảng đầu năm 1980 ông Nguyễn Văn Chẩn cho ra đời những chiếc lốp xe đạp đầu tiên mang tên Quyết Thắng. Tiếp đó, ông vào Sài Gòn, đặt làm khuôn lốp xe máy theo tiêu chuẩn để sản xuất lốp xe máy cũng mang thương hiệu Quyết Thắng. Cùng thời gian này, ông cũng sản xuất lại nhựa vá săm mang tên Quyết Thắng.

Thời điểm đất nước còn bao cấp, việc ông Chẩn sản xuất lốp xe đạp, xe máy để bán trên thị trường gây tiếng vang lớn. Chất lượng lốp xe Quyết Thắng bảo đảm, riêng lốp xe đạp có thể sử dụng làm lốp xe thồ vì độ bền cao. Danh tiếng của ông Chẩn nổi như cồn, khiến mọi người đặt cho ông tên “Vua lốp”.

Tuy nhiên, giữa lúc mọi việc bắt đầu thăng hoa thì tai họa lại lần nữa ập xuống với “Vua lốp”, khi ông bị kết tội dùng cao su chính phẩm của nhà nước để sản xuất lốp. Mặc dù ông đã trình hợp đồng mua cao su phế liệu để sản xuất, rồi sản phẩm từng được trao huy chương tại Hội chợ, nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn không chấp thuận. Rồi một buổi sáng, khi “Vua lốp” đang uống cà phê bên ngoài thì công an đến nhà để bắt ông. Nhận được tin báo, ông cho rằng mình không có tội nên đã bỏ trốn. Lần này, ngoài tài sản, căn nhà cũng bị tịch thu khiến vợ ông phải đưa gia đình đến nhà một người con trai để tá túc. Tuy nhiên, căn nhà cấp bốn này không đủ để lưu trú thêm chục người, nên người thân của “Vua lốp” phải dựng thêm lều bạt tại vỉa hè để ở. Trong nhiều năm, họ vừa kiếm sống, vừa gửi đơn kêu oan cho ông. Sau nhiều năm, đơn kêu oan được giải quyết khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án. Đầu năm 1990, “Vua lốp” được trả lại nhà, nhưng tài sản của ông bị lần lữa chưa trả. Khi “Vua lốp” gửi đơn kiến nghị về việc này, có người đã can, thì ông nói: “Tôi vẫn kiến nghị nghĩa là vẫn tin tưởng ở lẽ phải”.

Sau khi nhận lại tài sản, “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn tiếp tục làm lốp thêm vài năm, đến năm 1995 thì nghỉ. “Bố tôi nghỉ vì tuổi đã cao, máy móc lại không thể đổi mới nên rất khó cạnh tranh với thị trường hiện thời. Tôi tiếp tục làm nghề của bố thêm dăm năm nữa thì dừng hẳn”- anh Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.

Thời điểm đất nước còn bao cấp, việc ông Chẩn sản xuất lốp xe đạp, xe máy để bán trên thị trường gây tiếng vang lớn. Chất lượng lốp xe Quyết Thắng bảo đảm, riêng lốp xe đạp có thể sử dụng làm lốp xe thồ vì độ bền cao.

Theo Tiền Phong

https://tienphong.vn/buoc-thang-tram-cua-vua-lop-post1142274.tpo

Bạn đang đọc bài viết "Bước thăng trầm của 'Vua lốp'" tại chuyên mục Doanh nhân.