Buôn khẩu trang vỡ mộng làm giàu, sa thải nhân viên, “ôm” nợ tiền tỷ

23/08/2020 11:20

Khẩu trang giúp nhiều dân buôn thu lời tiền tỷ, nhưng cũng khiến không ít người điêu đứng, vỡ nợ vì đi buôn theo trào lưu.

Nhiều xưởng khẩu trang đang tồn cả nghìn thùng
Nhiều xưởng khẩu trang đang tồn cả nghìn thùng)

Ế khẩu trang cả nghìn thùng, cho nghỉ 70% công nhân

Nhiều xưởng đầu tư vài tỷ đồng nâng cấp dây chuyền, tuyển công nhân làm khẩu trang ồ ạt khiến lượng cung mặt hàng này trên thị trường tăng đột biến. Hơn nữa, nhu cầu khẩu trang y tế trong đợt dịch lần 2 không mạnh như lần 1 khiến nhiều chủ xưởng vỡ mộng.

Chủ một xưởng làm khẩu trang tại Quảng Ninh thậm chí còn bị khách bỏ tiền cọc để huỷ đơn hàng 1.000 thùng. Giá trị ước tính 1,5 tỷ đồng. Thậm chí, khi thị trường bão hoà, chủ xưởng này còn tồn vài nghìn thùng khẩu trang y tế.

Hàng tồn đọng quá nhiều khiến chủ xưởng này phải cho nghỉ 70% số công nhân anh vừa tuyển cách đây hơn 1 tháng. Chưa kể, trước đây công nhân chia nhau ra làm 2 ca một ngày, mỗi ca 12 tiếng. Thì nay, số công nhân ít ỏi còn lại chỉ làm 8 tiếng/ngày để cầm chừng. Thu nhập của những người còn trụ lại cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng.

Không riêng anh này, nhiều chủ xưởng cũng vỡ mộng làm giàu, nhiều người vay tiền đầu tư dây chuyền còn phải gánh những khoản nợ khổng lồ.

Mộng làm giàu, vay nửa tỷ “ôm” hàng khẩu trang

Khi sóng dịch lần 2 trở lại, anh T (Đống Đa, Hà Nội) được bạn rủ chung tiền buôn khẩu trang. Nhóm này đã đi vay mượn, xoay sở được 500 triệu đồng để nhập khẩu trang y tế .

“Lúc đó, ai cũng hào hứng vì nghĩ sẽ dễ “ăn” như lần đầu. Mỗi người đều bỏ vào đó hơn 100 triệu đồng. Số tiền này là đi vay mượn gia đình hoặc tiền tiết kiệm của mỗi người”, anh T nói.

Hàng nhập về đến kho, nhưng chỉ vài hôm sau, cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt việc buôn bán khẩu trang. Chưa kể, mặt hàng khẩu trang không được phép chạy quảng cáo trên mạng xã hội khiến việc bán hàng càng trở nên khó khăn.

Nhóm bạn trẻ này còn chưa lường được việc, do có sự chuẩn bị, nên mặt hàng khẩu trang không khan hiếm như trước. Nhiều nơi cũng tung hàng ra bán với giá rẻ hơn nên càng khó cạnh tranh.

Giá khẩu trang giảm một mạch về còn 60 - 70 nghìn đồng/hộp, nhóm anh T mới vỡ mộng làm giàu.

Không chỉ mất gần một nửa giá gốc, nhóm này còn mất cả chi phí vận chuyển, lưu kho bãi, điện nước và công sức. Tính ra, số tiền lỗ đã quá một nửa tiền vốn và chưa dừng lại vì hàng vẫn còn nhiều chưa bán hết.

Thợ máy khẩu trang lúc kiếm tiền tỷ, giờ chẳng ai thuê

Đầu tư vài tỷ đồng mở một xưởng làm khẩu trang, nhưng anh N.H. (Hải Dương) thường xuyên phải gọi thợ sửa máy . Vì theo anh H, dù máy mới, nhưng vào cao điểm làm hàng, máy phải hoạt động 24/24 vẫn thường xuyên hỏng hóc.

“Có những hôm máy hỏng liên tục, số tiền sửa không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng nặng nhất trong các lỗi vẫn là hỏng máy hàn siêu âm. Đây là phần hàn nhiệt của khẩu trang”, anh H cho hay.

Buôn khẩu trang vỡ mộng làm giàu, sa thải nhân viên, “ôm” nợ tiền tỷ - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Thợ sửa máy khẩu trang qua thời kênh kiệu

Đợt dịch lần 1, mỗi máy hỏng anh H phải bỏ ra 100 triệu đồng để sửa. Mức giá này theo anh còn là rẻ. Vì giá thị trường thậm chí lên tới 200 - 300 triệu đồng.

Chi phí cao, nên nếu không có tiền mặt, chủ xưởng phải bán cho thợ sửa vài chục thùng khẩu trang với giá bình ổn, để họ sang tay kiếm lời.

Sau một thời gian tốn kém, nhiều xưởng đã phải thuê thợ cứng lâu dài, hoặc cho người đi học cách sửa để tiết kiệm chi phí.

Hiện tại, các hỏng hóc nhỏ đa phần thợ của xưởng đều có thể tự sửa chữa. Còn với các lỗi nặng, chi phí sửa chỉ khoảng 10 - 20 triệu đồng.

Tham đầu cơ lỗ chồng lỗ

Không chỉ xưởng sản xuất, dân buôn lớn mà ngay cả người bán lẻ cũng lỗ nặng vì chạy đua đi bán khẩu trang. Thậm chí, dân buôn lẻ còn ế hàng từ đợt dịch lần một tới đợt hai vẫn chưa bán hết hàng.

Chị Nga (Thanh Xuân, Hà Nội), đầu tư 7 thùng khẩu trang y tế 4 lớp từ thời điểm 15 triệu đồng/thùng, tương đương 210 nghìn đồng/hộp. Số tiền bỏ ra lên tới 105 triệu đồng.

Dự định bán 400 nghìn đồng/hộp, nhưng mới bán được 50 hộp thì người dân chuyển sang khẩu trang vải. Sóng dịch cũng qua, nên việc bán chững lại rất mạnh.

Buôn khẩu trang vỡ mộng làm giàu, sa thải nhân viên, “ôm” nợ tiền tỷ - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Bán lẻ cũng thua lỗ nặng nề

Tới sóng dịch lần 2, tưởng là cơ hội xả hàng thì giá khẩu trang cao lắm cũng chỉ dao động từ 150 - 200 nghìn đồng/hộp. Chị Nga một lần nữa mắc kẹt với đống hàng như bom nổ chậm.

“Suốt 1 tháng nay, giá khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp chỉ mình bán ra chỉ 150.000 đồng/hộp. Đấy là nhờ chất lượng khẩu trang tốt nên nhiều người chuộng, chứ khẩu trang y tế 4 lớp thông thường không có kháng khuẩn giá thấp hơn nhiều. Thậm chí, loại khẩu trang 3 lớp giá còn 50.000-55.000 đồng/hộp”, chị Nga tâm sự.

Số hàng nhập từ đầu dịch chị Nga chỉ bán thêm được 4 thùng với giá 150 nghìn đồng/hộp. Còn 2 thùng chị giảm xuống 130.000 đồng/hộp mà tiêu thụ vẫn rất chậm.

Lỗ nặng lại lo lắng mất ăn mất ngủ, chị Nga có bài học nhớ đời vì đi buôn theo trào lưu.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/buon-khau-trang-vo-mong-lam-giau-sa-thai-nhan-vien-om-no-tien-ty-20200822154505875.htm