Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cả nể để người khác vui còn tôi mãi đắm chìm trong căng thẳng và bất lực: Hãy tập yêu mình trước khi yêu người!

28/04/2019 08:47

Tôi cố gắng làm vừa lòng người ngoài để đổi lại bản thân cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương. Thực tế thì lòng tốt của tôi không đến từ sự yếu mềm hay sự công nhận, bản chất của nó là nỗi lo lắng và sợ hãi.

“Sự tử tế là áo giáp tâm lý cho những người luôn muốn làm vừa lòng người khác.” - Harriet B. Braiker

Tôi từng nghĩ chỉ cần mình tốt bụng, dịu dàng và dễ tính thì sẽ nhận được tình yêu và sự chấp nhận từ người khác. Tôi ít khi lên án hành vi tồi tệ của ai đó bất kể bản thân cảm thấy khó chịu đến đâu với ý nghĩ nếu tôi đủ tử tế với họ, sẽ có một ngày họ sống tốt hơn.

Tôi sống mà luôn tránh né những việc có thể khiến mình trở thành một kẻ tồi tệ, không hoàn hảo, chống đối hay đáng ghét trong mắt người ngoài. Những người cả nể sẽ hiểu cảm giác này: việc bị ghét bỏ hoặc không được chấp nhận có thể tệ hơn cả việc bỏ mặc cảm xúc thật của chính mình.

Một số người rất dễ để làm vừa lòng; một cử chỉ thân thiện hay một nụ cười cũng đủ làm tôi thở phào. Cố gắng có được sự chấp nhận của họ khiến tôi vui hơn một đứa bé lần đầu được dẫn vào công viên giải trí. Đối với những người khác, có vẻ như tôi càng cố làm hài lòng họ, họ càng đối xử với tôi không ra gì và chuyện như vậy xảy ra càng thường xuyên, tôi càng chán ghét bản thân hơn.

Cuối cùng thì những nỗ lực cố làm vừa lòng người khác khiến tôi cảm thấy không được tôn trọng, bị ngược đãi và mất niềm tin vào cuộc sống, những người xung quanh và cả chính mình. Suốt nhiều năm trời, tôi âm thầm chịu đựng cách người khác đối xử với mình. Khi ai đó thân thiết với tôi cảm thấy bất mãn, tiêu cực và đang tìm kiếm một người để đỗ lỗi, tôi luôn ở bên cạnh và sẵn lòng làm chỗ trút giận cho người ta. Bất kể tâm trạng của mình tồi tệ đến thế nào, tôi vẫn muốn làm họ cảm thấy vui vẻ hơn. Tôi muốn thấy những người xung quanh mình hạnh phúc dù tôi có phải trả giá.

Cốt lõi của mọi mối quan hệ chủ động từ một phía tôi từng duy trì với những người tính khí không mấy dễ chịu là niềm tin bền bỉ rằng nếu tôi có thể giải quyết cho họ rắc rối và làm họ vui, tôi sẽ nhận được tình yêu và sự chấp nhận tôi dành cả cuộc đời mình để khao khát.

Tôi đã luôn giữ trong mình suy nghĩ: “Còn mình thì sao? Mình sẽ ra sao nếu cứ cố gắng làm vừa lòng người khác và luôn nuôi khát vọng?”. Tôi đã không nhận ra rằng bất kể tôi làm gì thì cũng không bao giờ là đủ. Vấn đề không nằm ở tôi. Tôi không biết rằng dù tôi có giải quyết rắc rối tốt đến đâu, nếu ai đó muốn bắt lỗi tôi, họ vẫn sẽ làm.

Thay vì chấp nhận sự bất mãn của người khác là vấn đề họ cần tự giải quyết, tôi biến nó thành nỗi bận tâm của mình và suy diễn rằng mình không đủ tốt.

Cho đến một ngày, tôi bắt đầu tự hỏi chính mình: “Giá trị của mình sẽ đáng giá bao nhiêu nếu mình cứ gắn nó với sự chấp nhận của những người tiêu cực? Ai sẽ yêu thương và tôn trọng mình nếu mình còn không tự bảo vệ được chính bản thân?”.

Quan điểm của tôi về kiểu người tôi nên trở thành để nhận được tình yêu và sự chấp nhận liên tiếp giội vào mặt tôi những gáo nước lạnh, tình cảnh tôi bấy giờ thảm hại như lốp xe lép xẹp vẫn lê bánh trên mặt đường gồ ghề. Thế nhưng tôi vẫn băn khoăn không hiểu tại sao phương châm sống của mình lại không thể khiến mình hạnh phúc. Tôi đã thực sự tin rằng sống không có bản ngã là cách chắc chắn để nhận về tình yêu, sự trân trọng, tôn trọng và những chiếc ôm nồng ấm.

Tôi mất một thời gian để nhận ra lối sống đó thực chất đem lại những hệ quả trái ngược với điều tôi vẫn kỳ vọng. Sự tốt bụng và cách tôi cho đi không màng đến bản thân không thể giúp tôi lấy lòng người khác, nó như lời mời gọi người ta hãy lợi dụng sự hào phóng của tôi, cho phép họ cảm thấy bớt lo lắng hơn về những vấn đề của chính mình. Tôi lấy thân mình ra làm chỗ người ta xả hận, làm nhân viên sửa chữa đời sống cá nhân, những điều không may của họ cũng là do tôi hết.

Sau nhiều lần vấp ngã tôi rút ra được một bài học: Làm người khác vừa lòng không phải cách để bạn có được tình yêu và sự tôn trọng của họ. Cuối cùng tôi cũng nhận ra nếu tôi cứ mãi biến những vấn đề của người ngoài thành nỗi bận tâm của mình, những người đó sẽ không bao giờ thay đổi. Vậy cái giá cho việc này là gì?

Sự cả nể để lại trong tôi cảm giác bất lực và căng thẳng vì tôi phải chứng kiến cảnh những người tôi luôn cố làm vừa lòng tiếp tục vướng vào những rắc rối và thị phi đó hết lần này đến lần khác.

Yêu bản thân bằng mọi giá

Có một lần tôi nằm mơ mình đứng giữa cánh đồng, người không có gì ngoài một bọc quần áo khổng lồ đang đeo trên lưng. Tôi cảm thấy yếu đuối và mệt mỏi, muốn có ai đó đến đỡ lấy tôi và hỏi thăm tôi thế nào.

Rất lâu sau đó, người thân và bạn bè bắt đầu xuất hiện ở cánh đồng. Nhưng họ không giải cứu cho tôi mà đến phàn nàn về những rắc rối của họ.

Từng người từng người một kéo tôi đi về những hướng khác nhau. Họ muốn tôi tháo gỡ những vấn đề của họ dù tôi đang rất cô đơn, mệt mỏi, yếu đuối và không còn gì cả.

Giấc mơ ấy đã cho tôi thấy sự thật về lối sống tôi vẫn duy trì. Sức khoẻ của tôi bắt đầu suy sụp như toà nhà trong cơn hoả hoạn trực đổ nhào, tôi buộc phải nhìn lại cách nhìn cũng như những quyết định của bản thân. Tôi hoài nghi về niềm tin của mình về một người tốt, cách nhận được tình yêu và sự tôn trọng tôi luôn khát khao.

Tôi hiểu ra việc tôi cố làm người khác hài lòng không đem lại những điều tôi momg mỏi, nó đã đem đến những trải nghiệm tôi muốn dành cả đời để né tránh.

Hồi ấy, tôi rất dễ dàng trách cứ ai đó vì sự vô tâm và thực dụng của họ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi biết đó chỉ là cách tôi né tránh việc nhìn nhận lại chính mình.

Tôi mệt mỏi với việc cố gắng giúp đỡ và thay đổi người khác để rồi nhận ra chẳng có tiến triển gì. Tôi biết mình phải tự thay đổi, dù nghe có vẻ sến sẩm nhưng tôi cần dành cho bản thân tình yêu và sự tôn trọng tôi vẫn luôn khao khát. Sự thật là không ai có thể đem đến cho bạn điều chỉ bạn mới có thể dành cho chính mình, những người bạn dễ dàng xuống nước mềm mỏng với họ lại càng không.

Sau nhiều ngày kiểm điểm, tôi nhận ra những hành động lấy lòng người khác là cách tôi tìm kiếm sự công nhận của họ thay vì tự công nhận chính mình. Tất nhiên là công sức của tôi đã đổ sông đổ bể vì chính tôi phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình, niềm vui của người khác không phải trách nhiệm của tôi. Chỉ vì tôi quá tốt với ai đó không có nghĩa họ phải đối xử lại với tôi theo cách tương tự.

Tôi cố gắng làm vừa lòng người ngoài để đổi lại bản thân cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương. Thực tế thì lòng tốt của tôi không đến từ sự yếu mềm hay sự công nhận, bản chất của nó là nỗi lo lắng và sợ hãi.

Trong khi tôi cố làm người khác vui vẻ, tôi đánh mất bản ngã và họ cũng đánh mất khả năng giải quyết vấn đề của chính họ. Bằng việc thay đổi bản thân để trở thành con người mà người khác mong muốn, tôi khiến giá trị bản thân mất đi và ngầm mời gọi người ta xem nhẹ mình.

Làm hài lòng chính bạn

Bạn có thấy mình là kiểu người luôn cố làm hài lòng người khác không? Bạn có băn khoăn không biết mình cần làm gì để có được tình yêu và sự tôn trọng bạn vẫn khao khát không? Câu trả lời khá đơn giản nhưng hành động theo đó thì không dễ dàng lắm. Bước đầu tiên bạn cần thay đổi cách nhìn của mình. Khi đã làm được điều đó, việc thay đổi hành vi của bạn sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý:

Bạn không đối xử với bản thân bằng tình yêu và sự tôn trọng khi:

  1. Bạn thường xuyên làm cho người khác những việc họ né tránh phải làm cho chính mình.
  2. Người khác lấn lướt những danh giới bạn đã đặt ra và bạn cũng không lên tiếng về điều này.
  3. Bạn nói đồng ý nhưng trong lòng rất muốn nói không.
  4. Bạn coi sự bất mãn của người khác là vấn đề của mình.
  5. Bạn làm tổn thương chính mình để người khác được vui vẻ.

Qua thời gian, tôi nhận ra rằng những cố gắng trong việc cố làm vừa lòng người ngoài cũng giống như món tiền tiết kiệm đút vào chú lợn đất có một lỗ thủng to dưới bụng. Bạn đút vào càng nhiều tiền bạn sẽ càng kiệt quệ về tài chính, không chỉ ngay lúc này mà cả mai sau.

Nếu bạn đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự cả nể, bạn đang vô thức buộc mình vào những người cần bạn làm dịu sự khó chịu trong con người họ vì họ không thể tự mình làm điều đó. Vì không biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, họ sẽ tiếp tục tìm đến bạn mỗi khi rơi vào khủng hoảng. Những khi cố gắng của bạn không đủ làm họ hài lòng, họ sẽ đổ lỗi cho bạn vì sự khó chịu đó.

Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn cần nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo và dừng việc gắn giá trị của bản thân với đánh giá của người ngoài. Hãy thay đổi cách suy nghĩ, niềm tin và hành vi của bạn. Hãy đầu tư vào những dự án sinh lời. Nhận về tình yêu và sự tôn trọng bạn vẫn khát khao bằng cách giải phóng bản thân khỏi sự chấp nhận của người khác.

Theo Trí thức trẻ