Gia tăng các chính sách tiền tệ khác thường có thể gây ra những phản ứng khó đoán.
Triển vọng kinh tế ảm đạm cùng áp lực chính trị leo thang hiện nay khiến các ngân hàng trung ương lựa chọn các chính sách tiền tệ khác thường và hiếu chiến hơn. Nhiều người lo ngại rằng những chính sách này, đặc biệt là chính sách lãi suất âm, sẽ đe doạ trạng thái cân bằng của hệ thống tài chính. Cụ thể, lãi suất âm có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm trên thị trường tín dụng và nền kinh tế thực.
Tương tự như kinh nghiệm từ Nhật Bản và châu Âu, quá trình trên thường diễn biến theo lối mòn: tăng trưởng thấp, lạm phát thấp, giảm sản lượng, thất nghiệp và thiếu việc làm – kết hợp cùng tình hình tài chính bất ổn, đặc biệt là giá của các loại tài sản dễ biến động. Tất cả những yếu tố này buộc các ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất xuống dưới mức 0 nhằm kích thích vay, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, từ đó, tạo ra một chu kỳ tăng trưởng tự duy trì.
Tuy nhiên, thông thường, lãi suất âm không hoàn toàn phản ánh tỉ lệ vay và cho vay thực tế. Theo luật định, các ngân hàng phải đảm bảo duy trì lượng tiền gửi cơ bản của khách hàng. Lo sợ mất khách hàng, các ngân hàng thường khá do dự khi phải giảm sâu lãi suất huy động. Tại châu Âu, tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng ứng phó với lãi suất âm.
Khi biên lãi suất và lợi nhuận giảm, các ngân hàng tăng phí hoặc tìm tới các biện pháp sinh lời khác nhằm tăng thu nhập. Điều này khiến giá trị cho vay thực tế cao hơn, đi ngược lại trọng tâm của chính sách lãi suất âm.
Khi nền kinh tế khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách cố gắng vớt vát tình thế bằng cách tiếp tục cắt giảm lãi suất. Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu xuống mức âm, đường cong lãi suất chạy ngang hay thậm chí là đảo ngược. Lợi nhuận của các ngân hàng sở hữu nợ chính phủ lớn sẽ giảm mạnh.
Lợi nhuận giảm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của các ngân hàng và gia tăng lo ngại về tương lai của cổ tức, mua lại nợ và hoàn vốn. Những ngân hàng yếu hơn sẽ gặp vấn đề khi gọi vốn. Hệ quả là chi phí đi vay của mọi ngân hàng đều tăng.
Tình trạng này khiến lượng tín dụng sẵn có giảm, gây giảm tiêu dùng và đầu tư. Ngay cả nếu ngân hàng trả lợi tức cho các nhà đầu tư, thì tình hình cũng sẽ không khởi sắc do động thái này sẽ khiến lo ngại cổ tức sụt giảm tăng cao. Thay vì kích thích nền kinh tế, lãi suất âm sẽ khiến tình trạng bất ổn tăng trong tương lai, chi tiêu hộ gia đình cũng sẽ giảm do lo ngại về tiền tiết kiệm sau khi về hưu và những vấn đề khác.
Tăng trưởng chậm cũng làm gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của ngân hàng, giảm hoạt động cho vay và tăng chi phí đi vay, khiến biên tín dụng cho người vay tăng lên.
Lãi suất âm còn phá huỷ nhiều ưu đãi từ ngân hàng. Trước tình hình lợi nhuận sụt giảm, các ngân hàng sẽ kéo dài vòng đời của các doanh nghiệp "xác sống" nhằm thanh toán các khoản nợ khi lãi suất xuống quá thấp và ngân hàng không có khả năng hoàn trả số tiền gốc. Tuy nhiên, đây không phải là một cách sử dụng vốn hiệu quả bởi nó làm giảm khả năng tăng trưởng tiềm năng và làm suy yếu nền kinh tế trong dài hạn.
Những ngân hàng đang gặp khó khăn thường ít có nhu cầu mua trái phiếu chính phủ, do đó, hạn chế khả năng cấp tiền cho các hoạt động của quốc gia. Trong trường hợp xấu nhất, khi các ngân hàng cần giúp đỡ để giải quyết nợ, các chính phủ, vốn đã đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, sẽ phải tiếp tục đi vay để tái cấp vốn cho ngân hàng hoặc đảm bảo tiền gửi của khách hàng. Mức nợ tăng cùng trách nhiệm trả nợ tăng khiến quốc gia không thể thoát khỏi tình trạng lãi suất thấp hoặc âm.
Ban đầu, tác động tiêu cực của những diễn tiến trên sẽ khá đa dạng, tuỳ thuộc vào khả năng sinh lời của các ngân hàng trong nước, cũng như biên lãi suất và danh mục cho vay của họ. Các ngân hàng châu Âu và Nhật Bản với biên lợi nhuận thấp và nợ xấu cao thường rất dễ bị tổn thương. Cuối cùng, rắc rối sẽ lan rộng. Các ngân hàng Mỹ đã bắt đầu giảm dự đoán thu nhập do lãi suất thấp.
Có hai kênh giao dịch lãi suất âm cơ bản giữa các quốc gia. Tại châu Âu và Nhật Bản, các ngân hàng có lãi suất âm thường rất tích cực xuất vốn và giảm các sinh lời nhuận khác. Ngoài ra, lãi suất tương đối tăng thường đẩy giá tiền tệ tăng, khiến các quốc gia phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với lãi suất cắt giảm nhằm duy trì năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, vẫn có một vài lựa chọn khác. Ví dụ, hiện nay, Đức đang rà soát nhằm xem xét có nên dừng hoạt động tính phí khách hàng lẻ khi gửi tiền tại các ngân hàng. Ngoài ra, tạo ra tài sản an toàn đặc biệt hoặc tài khoản tiết kiệm cũng là những biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo lãi suất dương, và hạn chế chính sách lãi suất âm.
Một lựa chọn khác là các ngân hàng trung ương cho vay trực tiếp hoặc thông qua ngân hàng (ví dụ như tổ chức tái cấp vốn dài hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu) với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, có thể sẽ không có nhiều nhu cầu vay vốn, do vậy, hiệu quả của những biện pháp này chỉ ở mức trung bình.
Trên thực tế, thế giới vẫn chưa rút ra bài học từ năm 2008: mô hình kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng và đầu tư do các khoản vay vượt mức không hề bền vững. Lãi suất thấp không đem lại hiệu quả, mà chỉ làm suy yếu hệ thống tài chính và cả nền kinh tế. Do vậy, hạ lãi suất không phải là cơ chế duy trì mức độ nợ vượt mức trong dài hạn.
Một người nông dân từng khuyên một khách du lịch lạc lối: "Nếu muốn đến đó, tôi sẽ không xuất phát từ đây." Các nhà hoạch định chính sách đã bỏ lỡ cơ hội tiến hành những thay đổi căn bản khi khủng hoảng mới bắt đầu. Vì vậy, chẳng bất ngờ gì khi họ đang lang thang vô định.
theo Bloomberg