Cả tỉ đô đổ mạnh vào chứng khoán, tiền ở đâu ra?

06/11/2021 12:37

Thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỉ đô, trong khi vẫn đang có tới 92.000 tỉ đồng 'tiền tươi' nằm chờ giải ngân... 'Cơn sốt' mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Từ nhân viên văn phòng, người nội trợ, đầu bếp, dân bất động sản đến sinh viên và những bạn trẻ cũng gia nhập, kiếm lời từ lướt sóng cổ phiếu. Dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 957.210 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong ba năm 2018, 2019 và 2020 cộng lại.

Nhà nhà, người người đầu tư chứng khoán

Sau hơn 4 tháng liền nằm nhà làm việc online do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, Lê Huỳnh Thúy Vi (26 tuổi, làm truyền thông tại một công ty bất động sản) bắt đầu đến văn phòng để làm việc. Tuy nhiên, chủ đề nóng trong các cuộc chuyện trò giữa những đồng nghiệp tại công ty cũng chỉ xoay quanh "chứng khoán", "cổ phiếu", "tăng - giảm"... khiến Thúy Vi tò mò và cảm thấy hứng thú.

"Nhóm marketing trong công ty hầu như ai cũng đầu tư chứng khoán, rồi dắt mình vào. Thật ra, trước đó mình cũng muốn tham gia đầu tư chứng khoán thử, vì trong mùa dịch nhiều bạn của mình làm bên F&B (kinh doanh cửa hàng đồ ăn, thức uống) sống nhờ chứng khoán", Thúy Vi nói và cảm thán: "Biết sớm đã không chi tiền mua mỹ phẩm, quần áo lung tung", để dành tiền mua được nhiều cổ phiếu hơn.

Cũng biết đến thị trường chứng khoán từ năm 2020, nhưng đến đầu năm 2021, Diệp Minh Hoàng (29 tuổi, nhân viên IT) mới bắt đầu mở tài khoản và mua những cổ phiếu đầu tiên. 

"Vốn 200 triệu, bán ra mua vào từ tháng 2 đến giờ lãi chín mươi mấy triệu, lời gần 50%", Hoàng nói, đồng thời cho biết dự tính sẽ dùng tiền lời từ đầu tư chứng khoán để năm tới trả lãi vay cho căn chung cư đã mua. Vì lãi suất tiền gửi chỉ 5,6%/năm, nên Hoàng "vừa rút sổ tiết kiệm rồi, đang coi mã chứng khoán nào được thì vô".

Nhiều bạn trẻ cho biết do không am hiểu chứng khoán nên từng mua vàng vừa hy vọng kiếm lời vừa tiết kiệm nhưng đều bị lỗ nặng do giá vàng giảm mạnh so với trước Tết Nguyên đán. Do đó, trong thời gian giãn cách rảnh rỗi, nhiều bạn trẻ lên mạng tìm hiểu và quyết định đầu tư vào chứng khoán. 

Ban đầu chỉ là tò mò nhưng rồi bị hấp dẫn bởi thị trường này, bởi "tiền lời được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng khi cần", như lời một bạn trẻ nói.

2a-163604192403425537877-1636176859.jpg
Phiên giao dịch chứng khoán tại TP.HCM chiều 4-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khoảng 2/3 số tài khoản chứng khoán đã mở tại công ty này do những người trẻ từ 20 - 30 tuổi sở hữu, phần lớn có vốn đầu tư từ vài chục đến 100 triệu đồng, nhưng vẫn có nhiều bạn sở hữu tài khoản từ 2 - 10 tỉ đồng. 

"Những nhà đầu tư trẻ này thường ưa chuộng cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thời gian nắm giữ một mã chứng khoán thường dưới 1 tháng, có khi lướt sóng liên tục" - ông Minh cho biết.

Để hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm trẻ, các công ty chứng khoán đồng loạt áp dụng eKYC - mở tài khoản trực tuyến, nâng cấp ứng dụng (app) giao dịch trên điện thoại, tung ra các chương trình giảm lãi vay margin, giảm phí giao dịch... 

"Người trẻ có vốn ít không thể đầu tư bất động sản, cũng không khoái mua vàng cất ở nhà. Họ hứng thú tính trí tuệ trên thị trường chứng khoán" - TS Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận.

Dòng tiền vẫn dồi dào

Cùng với hiện tượng "nhà nhà, người người đầu tư chứng khoán", thời gian gần đây thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên giao dịch tỉ đô, không dừng lại ở thanh khoản 48.500 tỉ đồng xác lập vào phiên 20-8. 

Mới đây nhà đầu tư cũng chứng kiến thanh khoản toàn thị trường chứng khoán lên mức kỷ lục lịch sử với gần 52.000 tỉ đồng (gần 2,3 tỉ USD, phiên 3-11).

Ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á - cho rằng số nhà đầu tư chứng khoán tăng mạnh, đặc biệt là nhà đầu tư mới nhưng vốn không nhỏ, là một trong những yếu tố quan trọng giúp thanh khoản thị trường tăng vọt. 

"Việc triển khai hệ thống mới của FPT cũng giúp sàn HoSE hết tắc nghẽn, giao dịch trơn tru, tiền đổ vào dễ dàng" - ông Tuấn khẳng định.

Theo TS Lê Đạt Chí, các nhà đầu tư F0 dù mới mẻ trên thị trường chứng khoán nhưng cũng là những "cá mập" ở nhiều thị trường khác, đặc biệt là bất động sản, nên có dòng tiền rất lớn. Trong thời gian việc di chuyển, tham quan các dự án khó khăn, nhóm này đã chuyển sang kênh chứng khoán, đẩy thanh khoản tăng lên. 

"Thị trường huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, với dòng tiền mới động viên khá lớn, thị trường lại diễn biến tích cực... càng kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường" - ông Chí nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam có thể cao hơn nữa vì còn rất nhiều "tiền tươi" nằm trong tài khoản nhà đầu tư, chờ thời cơ để giải ngân. Bởi theo số liệu từ các công ty chứng khoán vào cuối quý 3-2021, số dư tiền gửi của khách hàng vào khoảng 92.000 tỉ đồng, tăng khoảng 6.000 tỉ đồng so với quý trước, kỷ lục trong lịch sử.

Chưa kể "tiền nóng", dư nợ cho vay tại 60 công ty chứng khoán hàng đầu đạt gần 154.000 tỉ đồng tính đến cuối quý 3-2021, cao kỷ lục trong vòng 21 năm thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, nhiều người đã quyết định chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán với kỳ vọng kiếm lợi nhuận cao hơn.

051121-so-luong-tai-khoan-chung-khoan-1636042035674794477031-1636176859.jpg
 

"Thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư. Sau khi các tỉnh thành nới lỏng giãn cách xã hội, kèm thông tin của Bộ Tài chính về thiết kế gói hỗ trợ lãi suất từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng để kích cầu nền kinh tế, cũng khiến nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế" - một chuyên gia nói.

Trong khi đó, theo TS Lê Đạt Chí, dịch COVID-19 gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ, chứng tỏ bản lĩnh ăn nên làm ra, "bức tranh tài chính quý 3 khả quan đã lôi cuốn nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán".

Tăng huy động vốn từ chứng khoán

Với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng tranh thủ huy động vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua những khó khăn do đại dịch tác động. Chẳng hạn, Vietnam Ailines (HVN) vừa cho biết đã bổ sung thành công gần 8.000 tỉ đồng tăng vốn sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu, nhờ đó "thoát" âm vốn chủ sở hữu.

"Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE. Việc cổ phiếu niêm yết trên sàn sẽ bảo vệ giá trị vốn đầu tư của các cổ đông, tiếp tục huy động các nguồn vốn trong tương lai", Vietnam Airlines nêu trong thông cáo báo chí.

Không riêng gì Vietnam Airlines, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết khác cũng tận dụng sự khởi sắc của thị trường chứng khoán để huy động vốn. Như Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) chào bán thành công 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu được 3.400 tỉ đồng. Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel, SGT) huy động được hơn 740 tỉ đồng thông qua phương án chào bán cổ phiếu...

Phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều cho biết sẽ sử dụng tiền huy động từ thị trường chứng khoán để bổ sung nguồn vốn lưu động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ vay và tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết. 

Theo nhiều chuyên gia, việc có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán là lợi thế cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không cần quá phụ thuộc vào vay vốn ở ngân hàng.

TS Lê Đạt Chí cho rằng khi giá cổ phiếu bật tăng, doanh nghiệp niêm yết đặc biệt hưởng lợi vì thuận tiện huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, đàm phán để cổ đông chiến lược rót thêm vốn. Tuy nhiên, thanh khoản cao, giá cổ phiếu tăng cũng gây áp lực cho nhà quản trị. 

"Nếu doanh nghiệp làm ăn không đáp ứng với kỳ vọng, các nhà đầu chứng khoán, các quỹ đầu tư lớn cũng bỏ đi. Đến khi triển vọng cổ phiếu giảm, mất thanh khoản, khó tránh trường hợp doanh nghiệp bị đè chia cổ tức bằng tiền mặt thông qua đại hội cổ đông" - ông Chí nói.

Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm khi cho rằng rủi ro trên thị trường chứng khoán là nhiều cổ phiếu đã bị định giá quá cao so với nền tảng tài chính. Giá cổ phiếu tăng, trong khi làm ăn thua lỗ, sa sút. 

"Giá cổ phiếu dù được trả cho kỳ vọng trong tương lai, nhưng không thể quá chênh lệch so với kết quả kinh doanh thực. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 90% giá trị giao dịch trong ngày đến từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhóm này thường bị tác động bởi tin đồn thất thường, khiến thị trường có thể sụt giảm đột ngột", một chuyên gia cảnh báo.

Huy động qua kênh chứng khoán hơn 292.000 tỉ đồng trong 9 tháng

Theo kết quả khảo sát về tình hình "sức khỏe" tài chính của 21.500 doanh nghiệp, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố, có 46% doanh nghiệp cho biết dòng tiền hiện tại chỉ giúp duy trì hoạt động trong vòng 1 - 3 tháng.

Khoảng 40% doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh vì chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng.

Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 292.100 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, tổng kết nửa đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

3 phiên, gần 100.000 tỉ đồng đổ vào chứng khoán

Chỉ tính riêng trên sàn HoSE, trong ba phiên gần đây (ngày 2, 3 và 4-11) tổng giá trị giao dịch đã hơn 99.700 tỉ đồng, trong khi cả tháng 12 năm trước mới đạt xấp xỉ 257.000 tỉ đồng. Tổng giá trị giao dịch ở sàn này trong tháng 10-2021 đạt hơn 464.900 tỉ đồng.

Số liệu từ HoSE cho biết nhà đầu tư trong nước đang chiếm khoảng 90% tỉ trọng giao dịch trong ngày. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã rút ròng hơn 52.800 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân trong nước đa số thích lướt sóng, do đó nếu trong thời gian tới khối ngoại tiếp tục rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, gắn liền với hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán, sẽ gặp khó khăn khi thiếu vắng nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng lãi ngàn tỉ từ chứng khoán

3-1636042419714693383166-1636176859.jpg
 

Nhiều ngân hàng tại TP.HCM đã có thu lãi từ nguồn chứng khoán - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khi hoạt động cho vay trở nên khó khăn hơn do đại dịch, mảng chứng khoán đầu tư (chứng khoán nợ - trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi... và chứng khoán vốn - cổ phiếu) đã giúp nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao.

Trong ba quý đầu năm 2021, mảng đầu tư chứng khoán của BacABank bùng nổ với khoản lãi 124 tỉ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 7% vào tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này.

Cũng trong thời gian đó, nhiều ngân hàng khác cũng tăng hàng ngàn tỉ đồng lãi từ chứng khoán đầu tư, như OCB (1.222 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước), TPBank (1.460 tỉ đồng, tăng 150%)...

Với Techcombank, chỉ riêng quý 3 vừa qua đã ghi nhận khoản lãi thuần từ hoạt động đầu tư chứng khoán gần 306 tỉ đồng, cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng cũng lãi hơn 1.470 tỉ đồng (tăng 48%) từ mảng này.

Lượng chứng khoán đầu tư của Techcombank đã tăng lên mức xấp xỉ 93.000 tỉ đồng, chiếm gần 17% tổng tài sản hợp nhất.

Khoản lãi thuần mảng đầu tư chứng khoán trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 của VPBank càng bùng nổ hơn với lần lượt gần 730 tỉ đồng và 2.370 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng sở hữu danh mục chứng khoán đầu tư lên tới gần 75.000 tỉ đồng, chiếm 15% tổng tài sản.

Cả Techcombank và VPBank đều sở hữu công ty chứng khoán hoạt động sôi nổi trên thị trường là TCBS và VPS.

Nhiều doanh nghiệp "sống" nhờ chứng khoán

Theo báo cáo tài chính quý 3-2021, do TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) chỉ ghi nhận doanh thu xấp xỉ 420 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong vòng một thập niên xét về doanh thu theo quý.

Cả một công viên rộng lớn với diện tích 55ha, mỗi ngày chỉ mang về chưa tới 5 triệu đồng doanh thu, kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 4 tỉ đồng trong quý 3 năm nay.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, việc thua lỗ đến từ nguyên nhân công viên phải tạm ngừng kinh doanh từ ngày 4-5 đến nay để thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Trong thời gian đó vẫn phải chi trả các chi phí cố định như bảo dưỡng, bảo trì, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội và lương của người lao động... Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Đầm Sen tăng 680% so với cùng kỳ năm trước, lên 21 tỉ đồng, không chỉ giúp doanh nghiệp thoát lỗ gộp mà còn lãi ròng sau thuế gần 13 tỉ đồng.

Tương tự, trong lúc lĩnh vực kinh doanh chủ chốt bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Công ty CP Thủy sản Mekong (AAM) cũng thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng vọt. Báo cáo tài chính quý 3-2021 cho thấy do kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp này lỗ gộp gần 200 triệu đồng.

Dù vậy, doanh thu tài chính - chủ yếu nhờ khoản lãi đầu tư cổ phiếu trong quý 3 - tăng đột biến 12 lần so với cùng kỳ, giúp vớt vát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng kết quý 3, Thủy sản Mekong lãi ròng sau thuế hơn 142 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 4,4 tỉ đồng.

Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN) cũng vừa ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3-2021 hơn 81 tỉ đồng, trong đó có 55 tỉ đồng doanh thu tài chính.

Dù kết quả này giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu không có 55 tỉ đồng doanh thu tài chính (+37% so với cùng kỳ năm trước), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có thể còn sa sút hơn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu tài chính của Nhà Đà Nẵng đạt hơn 170 tỉ đồng (+90%), chủ yếu nhờ lãi từ đầu tư chứng khoán.

Bông Mai/Tuổi Trẻ
Bạn đang đọc bài viết "Cả tỉ đô đổ mạnh vào chứng khoán, tiền ở đâu ra?" tại chuyên mục Tài chính.