Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Các đại gia Việt nhận lương, thưởng thế nào năm 2018?

12/04/2019 20:04

Trong khi ông Nguyễn Đăng Quang không hưởng bất cứ khoản lù lao nào từ điều hành Masan, các đại gia khác nhận số tiền lương thưởng trung bình vài tỷ đồng nhờ lãnh đạo doanh nghiệp.
Số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam công bố mới đây không chỉ tiết lộ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mà còn hé lộ mức thu nhập của dàn lãnh đạo tại đây, bao gồm các đại gia.

Quỹ lương thưởng lãnh đạo tăng cao

Số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Tập đoàn Vingroup công bố mới đây không chỉ tiết lộ số tiền mà Vingroup đã chi ra cho các thương vụ thâu tóm năm vừa qua, mà còn hé lộ mức thu nhập của dàn lãnh đạo tại doanh nghiệp bất động sản này, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, theo Forbes.

Theo đó, báo cáo của Vingroup cho biết trong năm 2018, công ty đã chi ra tổng cộng gần 55,3 tỷ đồng tiền lương và thưởng cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám đốc công ty.

Quỹ lương, thưởng này tăng gần 10 tỷ đồng, xấp xỉ 22% so với năm trước đó.

Với 9 thành viên trong HĐQT và 6 thành viên trong Ban giám đốc, bình quân mỗi thành viên lãnh đạo của Vingroup năm vừa qua nhận được gần 3,7 tỷ đồng thu nhập (gồm lương và thưởng). Tính trung bình, mỗi nhân sự lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bất động sản lớn này, bao gồm tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, nhận về thu nhập tương đương 307 triệu đồng/tháng.

Cac dai gia Viet nhan luong, thuong the nao nam 2018? hinh anh 1
Thu nhập từ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng là hơn 307 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức thu nhập bình quân dành cho nhóm lãnh đạo Vingroup. Thực tế, ông Vượng không chỉ là Chủ tịch tại Vingroup mà còn là cổ đông cá nhân lớn nhất của tập đoàn này. Vị đại gia đang nắm giữ trực tiếp hơn 876 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 27,45% vốn doanh nghiệp.

Nhiều nguồn tin cũng cho biết ông Vượng còn sở hữu phần lớn vốn tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - cổ đông lớn nhất sở hữu 33,37% vốn của Vingroup.

Thông qua cổ phần nắm giữ tại Vingroup, cùng với các bất động sản sở hữu cá nhân, tiền và ngoại tệ trong tài khoản, ông Vượng đang được thống kê là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 7,6 tỷ USD (theo Tạp chí Forbes).

Cac dai gia Viet nhan luong, thuong the nao nam 2018? hinh anh 2
Thu nhập của các tỷ phú khác ra sao?

Nhiều đại gia, tỷ phú khác hiện cũng nhận được mức thu nhập rất cao từ vị trí công tác của mình tại doanh nghiệp.

Đơn cử, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú giàu thứ 2 Việt Nam với khối tài sản ròng ước tính 2,1 tỷ USD (theo Forbes) hiện đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Tại Vietjet Air - nơi bà Thảo đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, công ty này cho biết năm vừa qua đã chi tổng cộng 31 tỷ đồng trả thù lao và lương cho Thành viên HĐQT, Ban giám đốc và Ban kiểm soát. Số tiền chi ra năm vừa qua đã tăng gần gấp đôi so với mức chỉ 16 tỷ đồng của năm 2017.

Mức thù lao, vì thế, tương ứng khoảng 3,3 tỷ đồng chỉ từ Vietjet cho 2 vai trò lãnh đạo trong HĐQT và Ban giám đốc công ty.

Bà Thảo còn đang là Phó chủ tịch HĐQT tại HDBank. Năm qua, các thành viên lãnh đạo trong HĐQT, BKS và Ban tổng giám đốc nhà băng này được chi trả tổng cộng 54 tỷ đồng thù lao, tương đương, mỗi vị trí lãnh đạo nhận khoảng 2,6 tỷ đồng thù lao.

Tính chung tại cả 2 doanh nghiệp, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo năm qua ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.

Cac dai gia Viet nhan luong, thuong the nao nam 2018? hinh anh 3
Báo cáo tài chính của Techcombank mới đây cũng tiết lộ mức thù lao mà ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch ngân hàng, nhận được trong năm vừa qua ở mức 2,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của Masan cho biết công ty này đã chi ra tới 149 tỷ đồng để trả thù lao cho Ban quản lý chủ chốt của tập đoàn. Tuy nhiên, trong năm 2017-2018, các thành viên HĐQT (trong đó có ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT) của công ty không được hưởng bất cứ khoản lù lao nào.

Ông Hùng Anh và Đăng Quang chính là 2 doanh nhân mới được Tạp chí Forbes thống kê sở hữu khối tài sản ròng tỷ USD tại Việt Nam. Trong đó, số liệu mới nhất cho thấy cá nhân ông Hùng Anh đang sở hữu 1,8 tỷ USD, còn ông Đăng Quang đang sở hữu 1,4 tỷ USD.

Cũng sở hữu khối tài sản xấp xỉ 1,3 tỷ USD và là cổ đông lớn nhất tại công ty nhưng ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát lại đang nhận mức thù lao và lương quản lý khá thấp.

Doanh nghiệp này năm qua chỉ chi gần 11 tỷ đồng để trả thù lao cho bộ máy lãnh đạo gồm 12 vị trí và 4 nhân sự trong ban kiểm soát mới bổ nhiệm. Bình quân mỗi vị trí lãnh đạo cấp cao tại Hòa Phát chỉ nhận được mức thu nhập (gồm lương, thưởng, thù lao) vào khoảng 688 triệu đồng năm qua, tương đương 57 triệu đồng/tháng.

Riêng với trường hợp ông Trần Bá Dương do Thaco không công bố chi tiết các khoản giao dịch với các bên liên quan (gồm thù lao, thu nhập ban lãnh đạo) nên mức thu nhập từ vai trò quản lý của vị tỷ phú này chưa được tiết lộ.

Theo Zing