Theo CBS News, ngày 2/11, đảng Dân chủ thông báo đã đạt được thỏa thuận giảm giá thuốc chữa bệnh đang quá cao, qua đó giải quyết được một vấn đề gây nhiều tranh cãi tại các cuộc thảo luận của quốc hội về mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Thỏa thuận trên mở đường cho chính phủ Mỹ đàm phán về giá một số loại thuốc kê đơn từ năm 2023, đồng thời cho phép giảm giá những loại thuốc tăng giá nhanh hơn lạm phát.
Thỏa thuận trên sẽ giới hạn số tiền mà người bệnh phải chi trả mua thuốc ở mức 2.000 USD/năm và các cuộc đàm phán của chính phủ về giá thuốc bắt đầu với 10 loại thuốc. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt tình trạng giá thuốc chữa bệnh ở Mỹ quá đắt, ví dụ insulin cho bệnh nhân tiểu đường sẽ giảm từ 600 USD xuống còn 35 USD/tháng.
Trong khi đó, theo OpenSecrets, tổ chức theo dõi vấn đề tiền bạc trong chính trị, cho biết từ đầu năm tới nay, ngành dược phẩm đã chi gần 263 triệu USD và thuê ba nhà vận động hành lang để vận động mọi thành viên quốc hội. Hàng triệu USD trong số tiền này đã được chi dưới dạng quyên góp cho các chiến dịch tranh cử.
Sheila Krumholz, Giám đốc điều hành OpenSecrets, nói: “Họ thực sự có nguồn lực bất tận để chi nhằm định hình kết quả của quá trình xây dựng luật”.
Đầu năm nay, nghị sĩ Dân chủ Scott Peters đã phát động biểu tình bên ngoài văn phòng của mình ở San Diego khi ông phản đối kế hoạch giảm giá thuốc cho người cao tuổi. OpenSecrets cho biết ông Peters đã nhận gần 130.000 USD từ ngành dược năm nay.
Khoảng 100.000 USD đã được quyên góp cho thượng nghị sĩ Dân chủ Kyrsten Sinema năm nay. Thượng nghị sĩ Robert Menendez của đảng Dân chủ cũng nhận gần 80.000 USD năm 2021.
Cả ba nghị sĩ Dân chủ này đều ca ngợi thỏa thuận mới về giá thuốc, nói rằng sẽ giúp chương trình Medicare tiết kiệm hàng tỷ đô la khi giải quyết các lỗ hổng. Các nghị sĩ Dân chủ cấp tiến cũng ca ngợi thỏa thuận, nhưng nói rằng các công ty dược lớn đã có ảnh hưởng tới quá trình làm luật.