Giai đoạn 2008-2016, HHS đã được miễn gần 200 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ bởi một quyết định của UBND TP. Hải Phòng.
"Thu vén" đất vàng
Ở bài viết trước, Nhadautu.vn đã đề cập việc UBND TP.Hải Phòng ký hợp đồng BT với CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy để xây dựng 2 toà chung cư, đổi lại giao cho nhà đầu tư này 7 lô đất với tổng diện tích 99ha trên địa bàn. Trong đó có nhiều khu đất công sản có vị trí đắc địa, như nhà máy đóng tàu Sông Cấm 5,1ha, trụ sở cũ UBND Quận Hồng Bàng 0,8ha tại 42 Lê Đại Hành, trụ sở cũ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố 1,1ha tại 22 Phan Bội Châu, trụ sở cũ Đài phát thanh - truyền hình Hải Phòng 0,3ha tại 199 Tô Hiệu...
Một công ty chứng khoán lớn đánh giá 7 khu đất vàng này mang tới cho Hoàng Huy khoản chênh lệch địa tô lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, mà đó là chỉ mới tính cho thời giá đầu 2018.
Với khu đất 42 Lê Đại Hành, đây là trụ sở cũ của UBND Quận Hồng Bàng, nên theo quy định, việc xin làm tài sản đối ứng cho hợp đồng BT phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 20/3/2019, UBND TP. Hải Phòng có Quyết định số 582/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch khu vực cơ quan và dân cư thuộc khuôn viên 4 mặt đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Phan Chu Trinh (diện tích 2,4ha) theo hướng cắt xén đất ở dân cư để thay vào đất hỗn hợp, trong đó khu đất rộng khoảng 0,8 ha vốn là trụ sở UBND quận Hồng Bàng cũ sẽ mọc lên một cao ốc có chiều cao tối đa 72 tầng.
Việc thay đổi quy hoạch gặp sự phản đối của dư luận, khi người dân cho rằng chính quyền Hải Phòng lấy đất cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh quy hoạch trước đó của khu đất 2,4ha không có chức năng hỗn hợp - nhà ở thương mại. Ngoài ra, theo Quyết định số 1448 ngày 16/9/2009 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, khu nội thành cũ được giới hạn trong phạm vi từ đường Bạch Đằng - Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu - Lê Thánh Tông - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Chùa Vẽ và một phần trung tâm quận Kiến An là khu hạn chế phát triển, chỉ cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới, không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất, tránh quá tải về hạ tầng đô thị, tầng cao trung bình 3 - 5 tầng.
Không chỉ đất đai, thực tế Hải Phòng còn dành những "ưu ái" kín đáo hơn cho Hoàng Huy, mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Miễn 200 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp
Hoàng Huy được vợ chồng doanh nhân Đỗ Hữu Hạ thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Sau gần 3 thập kỷ đã phát triển thành tập đoàn tư nhân số 1 Hải Phòng, hoạt động chính trong hai lĩnh vực nhập khẩu - phân phối xe tải, xe đầu kéo và bất động sản.
Pháp nhân lõi của Hoàng Huy Group hiện là CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy - đang được niêm yết trên sàn HoSE với mã chứng khoán TCH. Tài chính Hoàng Huy phụ trách đầu tư vào các đơn vị thành viên, trong đó đáng chú ý là CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS).
HHS được thành lập năm 2008, và đóng vai trò mang tính bước ngoặt, đưa Hoàng Huy Group của gia tộc họ Đỗ lên một tầm cao mới.
Giai đoạn 2014-2016, HHS thắng lớn khi "nhanh chân" đón đầu chính sách siết tải trọng cũng như ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe tải, trở thành một trong những bên hưởng lợi lớn nhất trong cơn sốt xe tải Trung Quốc vào giai đoạn đó.
Tính chung cho cả thời kỳ từ 2008-2016, HHS đạt tổng doanh thu gần 9.400 tỷ đồng, mang về khoản lãi trước thuế khổng lồ 1.189 tỷ đồng.
Tuy nhiên đóng góp của doanh nghiệp số 1 Hải Phòng vào Ngân sách lại rất hạn chế, khi thuế thu nhập doanh nghiệp nộp hàng năm là rất thấp, ví dụ 4 năm 2008, 2009, 2010, 2012 là 0 đồng, năm 2011 là 1,3 tỷ đồng, năm 2013 là 300 triệu đồng, năm 2014 là 2,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân là UBND TP. Hải Phòng cuối năm 2008 có Quyết định số 2206/QĐ-UBND về việc công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật. Doanh nghiệp này bởi vậy được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kết quả là kể từ khi thành lập đến năm 2016, công ty mẹ HHS đã được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền 197,1 tỷ đồng. Phải tới năm 2017, việc ưu đãi này mới chấm dứt.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Quyết định số 2206/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng được ban hành ngày 22/12/2008, ngay trong năm đầu tiên hoạt động của HHS, 8 ngày trước thời điểm kết thúc năm tài chính, và 11 ngày sau khi Nghị định 124/2008 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2009).
Khoản 3, Điều 4 Nghị định 124 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 51% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV.
Quy định của Chính phủ hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khuyết tật và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực với xã hội. Chủ trương này tiếp tục được nhấn mạnh tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 122/2011, với tỷ lệ người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV chỉ cần ở mức 30% là đã được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để hạn chế tình trạng lách luật, lợi dụng chính sách, Nghị định 122 quy định thêm rằng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản không được áp dụng ưu đãi trên.
Mảng kinh doanh lớn nhất của HHS là buôn bán, phân phối xe tải, song doanh nghiệp này cũng không giấu diếm tham vọng lớn trong lĩnh vực địa ốc ngay từ thời điểm thành lập. Kinh doanh bất động sản cũng là một ngành nghề được cấp trong giấy đăng ký kinh doanh của HHS.
Trên thực tế, từ năm 2009, HHS đã đổ hàng trăm tỷ đồng vào dự án Golden Land 275 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), và từ năm 2010 là dự án Khu nhà ở Pruksa Town ở An Dương, Hải Phòng. Ngoài ra, HHS còn thành lập nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với số vốn hàng trăm tỷ đồng.
Vậy thì việc UBND TP. Hải Phòng và các cơ quan chức năng cho phép miễn thuế gần 200 tỷ đồng với Hoàng Huy đã đúng quy định?
Biết rằng kể từ thời điểm thành lập, HHS có một Phó Giám đốc là ông Phạm Văn Mạn. Ông Mạn sinh năm 1945, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại hay bất động sản, mà một thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực chính sách xã hội, từng nhiều năm làm Trưởng phòng Chính sách thương binh liệt sĩ (Sở LĐTB&XH).
Tương tự, Phó Giám đốc Hoàng Thanh Tùng sinh năm 1950, xuất ngũ năm 1977. Ông làm nhân viên Công ty cấp nước Hải Phòng giai đoạn 1978-1987, trước khi nghỉ mất sức suốt 21 năm sau đó, cho tới khi được bổ nhiệm làm "sếp" HHS từ tháng 5/2008, quản lý trong một lĩnh vực gần như xa lạ với ông.
Cả hai lãnh đạo cấp cao trong ban điều hành HHS nghỉ việc vào cuối năm 2016, ít ngày trước thời điểm doanh nghiệp này không còn được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (từ đầu năm 2017).
CTCP Đầu tư Xây dựng Hoàng Hiệp - một thành viên của Hoàng Huy Group từng đóng trụ sở tại 79/20/14 Phạm Viết Chánh, Phường 19, Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Số nhà này, thật trùng hợp, lại là địa chỉ thường trú của phu nhân một lãnh đạo cấp cao ngành công thương hiện nay.