Sau Tết Đinh Dậu 2017, hàng ngàn nông dân ở Đồng Nai nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Những vườn chuối xanh tốt, sau chín tháng chăm bón trái nặng trĩu sắp đến thời gian thu hoạch nhưng đầu mối thu mua hoạt động cầm chừng. Vào vụ thu hoạch chính, giá chuối rơi tự do, chuối đốn về chất đống không có đầu ra. Cố gỡ gạc phần nào, người trồng chuối đua nhau hạ giá, chấp nhận bán thấp hơn cả giá thành: bốn ngàn, ba ngàn rồi hai ngàn đồng một ký. Nhiều vườn chuối chín vàng, nông dân đổ bỏ cho gia súc, gia cầm hoặc mặc chuối chín rũ, rụng la liệt trong vườn.
Chuối Đồng Nai lập tức trở thành điểm nóng. Trang nhất tất cả đầu báo lớn kêu gọi xã hội chung tay ứng cứu: “Giá rớt xuống dưới hai ngàn đồng, chuối Đồng Nai kêu cứu”, “Đồng Nai lập ban giải cứu chuối cho nông dân”, “Đã giải cứu 300 ngàn tấn ‘chuối tình nghĩa’”, “Vẫn còn 4.000 tấn chuối chờ giải cứu”… Không có con số thống kê thiệt hại cuối cùng nhưng cuộc giải cứu trên diện rộng của cả xã hội với chuối Đồng Nai chắc chắn chỉ hỗ trợ được phần nào thiệt hại của hàng ngàn hộ nông dân.
Đúng một năm sau, không khí lạc quan lại đến với người trồng chuối Đồng Nai. Giữa tháng 3.2018, nông dân tỉnh này mừng khi giá chuối tăng cao kỷ lục. Thương nhân Trung Quốc nhộn nhịp vét hàng, đẩy giá thu mua chuối tươi có lúc lên tới 12 – 13 ngàn đồng/ kg. Thậm chí họ sẵn sàng đặt cọc trước hàng trăm triệu đồng để bao tiêu cả cánh đồng chuối lớn.
Khi chuối Đồng Nai dư thừa thì có một công ty vẫn không có đủ hàng xuất khẩu. Lúc chuối khan hàng, giá cao công ty này vẫn bán cho đối tác giá bằng phân nửa giá thị trường. Doanh nghiệp đó là công ty TNHH Unifarm, trụ sở tại Bình Dương. “Nếu trồng 10 ngàn héc ta chuối, tôi cũng có đầu ra. Nhưng mình không thể phát triển nhanh, làm ồ ạt, con người của mình theo không theo kịp. Trong nông nghiệp sự ổn định là quan trọng nhất,” chủ tịch Unifarm, ông Mai Hữu Tín tự tin nói trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam.
Doanh nhân 49 tuổi này kể lại, khi có dấu hiệu cuộc khủng hoảng thừa, ông đã yêu cầu các cộng sự xem xét khả năng hỗ trợ giúp nông dân Đồng Nai tìm đầu ra. “Họ sản xuất ồ ạt, không theo một quy chuẩn nào cả,” ông Tín nói về cuộc giải cứu bất khả thi. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cách đây 10 năm, sau nhiều thử nghiệm, có lúc nếm mùi thất bại, hiện tại sản phẩm chuối Unifarm có chỗ đứng ở thị trường quốc tế, thường xuyên ở tình trạng không có đủ hàng để bán. Unifarm có những bí quyết riêng hay thị trường nông sản Việt Nam tồn tại những nghịch lý riêng? Câu trả lời là cả hai.
Báo cáo của hiệp hội Xuất khẩu rau củ quả Việt Nam cho biết năm 2017 kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ. Với mức tăng hơn 40% so với năm 2016 và tăng 4,5 lần so với năm 2012, năm qua lần đầu tiên rau củ quả trở thành ngành xuất khẩu chủ lực, vượt qua nhiều ngành mũi nhọn như gạo (2,6 tỉ đô la Mỹ) và cà phê (ba tỉ đô la Mỹ). Trao đổi với báo giới, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh lạc quan: “Xuất khẩu rau quả hiện đã vượt qua lúa gạo và với đà tăng trưởng cộng với những gì chúng ta đang có, khả năng để ngành rau quả chúng ta hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ là điều hoàn toàn khả thi.”
Với đặc thù thời gian bảo quản ngắn, khó vận chuyển xa, vị trí địa lý gần kề, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng nhất của rau củ quả Việt Nam. Theo thống kê của tổng cục Hải quan, với giá trị 2,6 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu, năm qua, Trung Quốc chiếm trên 75% tổng kim ngạnh xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam. Với sản phẩm trái cây, quốc gia 1,3 tỉ dân tỏ ra ưa thích nhiều sản phẩm nhiệt đới như xoài, dưa hấu, chuối, thanh long, nhãn, vải…
Trong một buổi nói chuyện với Forbes Việt Nam khi diễn ra cuộc khủng hoảng chuối Đồng Nai, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch Vinamit lý giải những năm qua hầu hết trái cây Việt Nam sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Khi nguồn cung không đủ, thương nhân Trung Quốc tấp nập tới Việt Nam mua gom, đẩy giá nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh. Giá tăng thu hút nông dân đổ xô sản xuất sản phẩm đó. Vụ kế tiếp, có nguồn khác rẻ hơn, thương nhân Trung Quốc ngừng mua, nông sản Việt Nam dư thừa, giá rơi tự do, các hộ nông dân điêu đứng. Thực tế đó khiến nông nghiệp Việt Nam luôn trong tình trạng vụ này được giá, vụ sau mất giá dù sát cạnh một thị trường tiềm năng có 75% cư dân đô thị sống trong các đô thị lớn vào năm 2022, theo dự báo của McKinsey.
“Sản xuất không theo chuẩn nào vẫn có thể bán cho Trung Quốc. Hàng gì họ cũng mua miễn là thương nhân thấy có lời. Khi có nguồn khác lời hơn thì họ không mua nữa,” ông Tín giải thích. “Điểm yếu cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng cung ứng số lượng lớn,” tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng viện Nghiên cứu Giống cây trồng Miền Nam nhận xét.
Quy mô ngành hàng trái cây toàn cầu đạt 240 tỉ đô la Mỹ, gấp tám lần thị trường gạo (30 tỉ đô la Mỹ), ba lần thị trường cà phê (80 tỉ đô la Mỹ) theo báo cáo của Euro Monitor. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, Việt Nam chiếm khoảng 10% thị phần thị trường gạo thế giới, hiện nay ngành hàng trái cây mới chiếm khoảng 1% thị phần thế giới nên còn nhiều dư địa phát triển.
Tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây nhiều sản phẩm trái cây chất lượng cao như chuối, vải thiều, bưởi da xanh, nhãn lồng, thanh long ruột đỏ từ Việt Nam bắt đầu tìm đường vào các thị trường có hàng rào kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc. Riêng với sản phẩm chuối, từ năm 2014, Unifarm đã tiến một bước dài, khẳng định chuối “made in Vietnam” có thể cạnh tranh với Philippines, quốc gia mỗi năm xuất khẩu chuối giá trị trên một tỉ đô la Mỹ. Hiện tại, 70% sản lượng chuối Unifarm xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc theo hợp đồng bao tiêu với Dole, công ty kinh doanh chuối có trụ sở tại Hoa Kỳ, chiếm thị phần lớn nhất thế giới.
Cách TP.HCM khoảng hai giờ xe hơi chạy, khu nông nghiệp công nghệ cao Unifarm tại Phú Giáo, Bình Dương có tổng diện tích hơn 410 héc ta. Con đường vào trang trại xuyên qua những cánh đồng chuối xanh mướt, làm dịu bớt không khí oi nồng gay gắt của cái nắng giữa mùa khô. Ẩn hiện trong những khu “rừng” chuối là những tốp công nhân, người thu dọn tàu lá gãy, người chăm sóc bón phân, người thu hoạch.
Theo ông Phan Quốc Liêm, tổng giám đốc Unifarm, công ty trồng giống chuối già Cavendish, nhập từ Philippines, chủng loại chuối được kinh doanh thương mại khắp nơi trên thế giới. Với vỏ trái dày, cuống trái to và cứng, giống chuối này khi được ủ chín bằng công nghệ của Dole cho màu vàng tươi, hình thức bắt mắt hơn hẳn giống chuối tiêu, chuối hột được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Giống chuối Unifarm trồng cho trái thon, độ cong vừa phải, phát triển đồng dạng trên cùng một nải nên dễ đóng gói, vận chuyển hơn các loại chuối truyền thống Việt Nam.
Diện tích trồng chuối chiếm 200 héc ta của khu nông nghiệp công nghệ cao. Chuối được trồng theo khoảng cách 2 mét x 2,5 mét, thành từng ô, mỗi vườn bao bọc xung quanh là kênh dẫn nước và đường nội bộ. Mỗi gốc chuối gồm một cây chính cho trái và một cây phụ. Sau khi thu hoạch, cây chính bị đốn hạ, cây phụ được chăm sóc để tiếp tục cho trái. Vòng đời của một gốc chuối có thể kéo dài tới 20 năm, theo ông Liêm.
Sử dụng giống chuối nhập nhưng quy trình chăm sóc, thu hoạch mới là khác biệt lớn nhất giữa sản phẩm của Unifarm với các nhà sản xuất khác. Khi chuối ra bắp ở tuần thứ hai nông dân đi tỉa hoa, tùy theo cây mà có thể khống chế mỗi buồng chuối từ 8 – 14 nải, loại bỏ những trái dị dạng, hoặc vượt quá số lượng trên mỗi nải. Công đoạn kế tiếp là bẻ hoa trên đầu trái, vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm thu hoạch sau này, vừa ngăn ngừa các loại côn trùng sống ký sinh. Để giữ vẻ ngoài bắt mắt mỗi buồng chuối được “mặc áo” hai lần, lớp áo màng PE có lỗ ngăn cọ xát trong quá trình trái sinh trưởng, lớp bao dứa bên ngoài là “tấm áo” chống nắng. Trong suốt quá trình, người chăm sóc phải khéo léo không để nhựa chuối thấm ra vỏ vì nếu có, sản phẩm chỉ còn đem bán rẻ cho các nhà máy chuối sấy khô. “Mỗi nải chuối tối đa chỉ được hai vết xước nhỏ,” ông Liêm nói.
Theo mô hình canh tác chuẩn, Unifarm cần hai nông dân lành nghề chăm bón cho một héc ta. Họ là những “nông dân công nghiệp” theo cách gọi của ông Tín, những người làm nông nghiệp nhưng kỷ luật lao động và quy trình kỹ thuật chăm sóc chuối nghiêm ngặt không thua kém các ngành sản xuất công nghiệp để duy trì chất lượng tiêu chuẩn Global GAP tại nông trường. Trong vòng đời tăng trưởng của một cây, bộ phận kỹ thuật của nông trường định kỳ đo đạc độ pH, bổ sung đạm, kali, kiểm soát dịch bệnh…
Công tác thu hoạch trái ở Unifarm cũng được quản lý theo quy trình. Khi đạt độ chín xác định qua tuổi trái, đồng thời màu sắc vỏ, kích thước đạt quy chuẩn, chuối bắt đầu được thu hoạch. Hàng trăm buồng được chặt, chuyển bằng hệ thống ròng rọc có tổng chiều dài 8 km về nhà kho trung tâm. Một nhóm công nhân lành nghề thoăn thoắt tách nải theo định lượng nghiêm ngặt: bẹ năm quả tối thiểu 450 gram, sáu quả 540 gram, bảy quả 630 gram… hoặc nếu giữ nguyên mỗi nải chuối đạt khối lượng tối thiểu 1,1 kg. Tiếp theo, qua hai bể rửa, chuối được hong khô bằng quạt gió, sau đó phân nhánh dán nhãn, đóng vào thùng giấy lót mút xốp: Sản phẩm cho thị trường nội địa chuối được xử lý chín bằng công nghệ của Dole sau 4 – 5 ngày thu hoạch đến tay người tiêu dùng, sản phẩm xuất khẩu đưa vào container lạnh, đi theo đường biển sau 1 - 2 tuần có mặt trên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài.
Câu trả lời về nghịch lý ở thị trường nông sản Việt Nam có thể phần nào sáng tỏ. Còn hiệu quả kinh tế? Ông Liêm cho biết mỗi héc ta chuối của Unifarm tạo ra thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm, gấp bốn lần trồng chuối theo phương pháp truyền thống, hiệu quả cao hơn nhiều cây trồng khác. “Trong lịch sử cây mía và cao su chưa bao giờ cho thu nhập trên 80 triệu/héc ta,” ông Liêm cho biết.
Chuối Unifarm xuất ngoại thành công nhưng dưa lưới mới là sản phẩm đem lại thu nhập cao nhất ở khu trang trại này. Công ty đầu tư xây dựng sáu héc ta nhà kính, doanh thu kinh doanh dưa lưới tối thiểu ba tỉ đồng/héc ta mỗi năm. “Có nhiều nơi trồng dưa lưới nhưng sản phẩm dưa của Unifarm có chất lượng vượt trội. Giai đoạn ban đầu họ chịu đầu tư lớn vào công nghệ,” tiến sĩ Nguyễn Minh Châu nhận xét. Còn ông Tín cho biết, sản phẩm dưa lưới đạt chuẩn Global GAP từ năm 2010, hiện không đủ hàng cung cấp cho các siêu thị, nếu không tăng diện tích lên gấp đôi hiện nay.
Đầu tư vào công nghệ nhưng đây chỉ là “phần cứng” tại Unifarm, “phần mềm”, con người là yếu tố then chốt tạo ra các sản phẩm chất lượng. Khi dưa đơm hoa, Unifarm thả ong mật vào nhà kính, mỗi cây sau khi thụ phấn chỉ giữ lại một trái. Từ nhà điều hành trung tâm tùy theo chu kỳ sinh học của cây, hệ thống tưới tự động hoạt động theo lập trình, mỗi ngày tưới bao nhiêu lần nước, bổ sung phân, chất vi sinh loại nào. Máy chủ ghi nhật ký phát triển của cây, quy trình chăm sóc, nhắc nhở khi sắp đến kỳ thu hoạch và truy xuất nguồn gốc. Suốt vòng đời tăng trưởng, việc chăm sóc theo quy trình sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Trong khu nhà kính của Unifarm vài mét lại đặt một tấm bẫy dính, màu sắc sặc sỡ phết keo để bẫy côn trùng. Hết vụ thu hoạch, gốc dưa được nhổ bỏ, đất được phun nước bọc trong nilon khoảng hai tuần trước khi canh tác vụ mới. Hơi nước bốc hơi và bức xạ trong nhà kính khiến nhiệt độ trong đất lên tới 70 độ, tiêu diệt sâu bệnh ủ trong đất. Dù đầu tư sớm, chịu du nhập công nghệ mới nhưng ông chủ của Unifarm tỏ ra có đầu óc thực tiễn khi nói: “Mình cứ nói nông nghiệp công nghệ cao nhưng xác định công nghệ phù hợp giá thành phù hợp, sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà người Việt chấp nhận được ở mức giá thành vừa phải. Nên quan niệm công nghệ phù hợp, đừng chạy theo sự hoành tráng.”
Dáng dong dỏng cao, ăn nói nhỏ nhẹ, khúc chiết, ông Tín luôn giữ nụ cười thân thiện trên môi. Sinh năm 1969 tại Bình Dương, thời trai trẻ doanh nhân này đạt nhiều kỷ lục: là người đầu tiên ở địa phương này đạt 650 điểm TOEFL, vô địch võ Vovinam toàn quốc năm 1986. Năm 19 tuổi, chàng sinh viên năm thứ ba đại học Ngoại thương TP.HCM trở thành phiên dịch cho liên hiệp công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé. Năm 1998, sau giai đoạn làm thuê chuyên nghiệp, ông Tín khởi sự kinh doanh riêng, lập ra công ty cổ phần Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) với số vốn ban đầu 200 triệu đồng. Trụ sở chính đặt tại Bình Dương, U&I, viết tắt của cụm từ “Bạn và Tôi” (You and I), hiện tại gồm hơn 50 công ty thành viên và liên doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bất động sản, xây dựng tới giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp... Unifarm, thành viên của U&I có doanh thu 100 tỉ đồng, đóng góp khiêm tốn trong tổng doanh thu trên 10 ngàn tỉ đồng của U&I, theo lời ông Tín.
Ngoài việc kinh doanh ông Mai Hữu Tín là đại biểu quốc hội khóa 12 và 13 và chủ tịch của liên đoàn Vovinam Việt Nam. Doanh nhân này còn giữ nhiều trọng trách ở nhiều đoàn thể trong xã hội: chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Bình Dương; cchủ tịch hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, phó chủ tịch hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Năm 2017, ông Tín được mời tham gia ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tham gia góp ý kiến về chính sách phát triển kinh tế tư nhân cho chính phủ.
Trong kinh doanh thời gian qua, doanh nhân này xuất hiện trong một số thương vụ M&A. Năm 2013, ông Tín mua 42,3% cổ phần của công ty Giấy Sài Gòn lúc đó có khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ khiến các cổ đông nước ngoài như Daio Paper, Prudential, VIG… đồng loạt rút vốn.
Sau đó bốn năm, ông Tín tiếp tục mua 20% cổ phần của Gỗ Trường Thành, một thương hiệu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu có tiếng nhưng ngấp nghé bờ vực phá sản. Về hoạt động M&A, ông lý giải: “Người làm kinh doanh, có kiến thức về quản trị làm cái gì cũng được. Ngành này hay ngành khác có những nguyên tắc giống như nhau. Gặp doanh nghiệp thua lỗ, tôi nhìn ra giải pháp ở đâu. Tôi tiếc những thương hiệu Việt có thể mất đi nên xông vào vực dậy.” Sau tái cơ cấu, ông Tín cho biết cả hai công ty Giấy Sài Gòn và Gỗ Trường Thành hiện đã qua cơn nguy kịch, làm ăn có lãi, có đà để phục hồi.
Vị tiến sĩ Quản trị kinh doanh đại học Nam California (Hoa Kỳ) bén duyên với nông nghiệp công nghệ cao một cách khá tình cờ. Năm 2008, lãnh đạo tỉnh Bình Dương muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, U&I đề xuất và được tỉnh đồng ý, trở thành chủ đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái ở Phú Giáo, Bình Dương, với mục đích gầy dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả.
Giai đoạn 2008 – 2009, ông Tín và các cộng sự đã đi nhiều quốc gia trên thế giới tìm hiểu về loại cây trồng phù hợp và công nghệ cao trong nông nghiệp. Năm 2010, Unifarm nhập khu nhà kính đầu tiên từ Israel với suất đầu tư ban đầu lên tới tám tỉ đồng/héc ta, gấp đôi giá thành hiện nay. Trước khi thành công với dưa lưới và chuối, Unifarm đã thử nghiệm hơn 20 loại cây trồng từ cà tím, cà chua, tỏi tây, ớt chuông, nha đam, dưa lưới, chuối, cây có múi…. và nhiều loại gặp thất bại. “Các sản phẩm mình đều làm được nhưng vấn đề là giá thành,” ông Tín cười kể lại câu chuyện cà chua của Unifarm trồng trong nhà kính, giá thành gấp 4 – 5 lần cà chua Đà Lạt.
Giữa năm ngoái Unifarm đạt được thỏa thuận phân phối độc quyền thương hiệu chuối Dole tại Việt Nam, bên cạnh các nhãn hiệu chuối Unifarm và một số nhãn khác. Sản phẩm Unifarm chỉ bán qua các kênh hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi. “Ở thị trường nội địa muốn làm lâu dài thì phải phân phối vào các kênh hiện đại vì bán qua chợ truyền thống không có tiêu chuẩn chất lượng gì cụ thể,” ông Tín lý giải.
Hiện tại chuối Dole từ trang trại Unifarm đang được bán trong chuỗi cửa hàng tiện lợi 7 Eleven giá 8 ngàn đồng/quả. Ông Vũ Thanh Tú, CEO 7 Eleven Việt Nam cho biết, trong hệ thống cửa hàng tiện lợi chuối luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng tiêu thụ tốt nhất vì là hàng hóa cơ bản, giá rẻ, tiện lợi. Giải thích về mức giá bán cao, ông CEO 7 Eleven Việt Nam nói: “Hai ngàn đồng là chuối, sáu ngàn đồng là sự tiện lợi và sản phẩm đạt giấy chứng nhận an toàn.”
Ông Tín kể, khi đàm phán, Dole sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm của Unifarm nhưng ông không nhường thị trường nội địa: “Nếu mình chưa đủ sức thì nếu có cách nào đó mình dùng thương hiệu của họ giữ thị trường trong nước. Mình là người sản xuất trong nước, nếu lệ thuộc nước ngoài thì người tiêu dùng nội địa phải mua hàng giá cao, đi ngược lại với cái mình muốn là sản xuất trong nước phát triển, có sản phẩm tốt, giá hợp lý.”
Ngoài 411,75 héc ta tại Phú Giáo, Unifarm liên kết đầu tư dự án trồng chuối xuất khẩu quy mô hơn 1.000 héc ta tại Dầu Tiếng (Bình Dương) hiện đã trồng 150 héc ta chuối, chủ yếu hướng ra thị trường xuất khẩu. Nắm kỹ thuật canh tác và tổ chức quy trình sản xuất hợp lý, ông chủ Unifarm tỏ ra không ngại so găng với Philippines, quốc gia xuất khẩu chuối nổi tiếng: “Về vị trí địa lý chúng ta gần hơn một chút, vận chuyển có lợi hơn. Philippines có nhiều đảo, việc vận chuyển đầu nọ đầu kia khó khăn hơn, trong khi đó chúng ta chỉ mất vài giờ ra đến cảng xuất khẩu.”
Doanh nhân này quan niệm đầu tư vào nông nghiệp không thể đi quá nhanh, chủ yếu là vấn đề “con người.” Ông nói: “Khi xác định được mô hình làm hiệu quả thì có thể hợp tác. Có nhiều nông trường làm ăn không hiệu quả, nên hợp tác có lãi là họ sẵn sàng.” Xa hơn, ông Tín muốn mở rộng nông trại chuối ra 2.000 héc ta, đẩy nhánh nông nghiệp chiếm 20% doanh thu hằng năm của U&I.
Ngoài chuối, dưa lưới, Unifarm đang trồng 150 héc ta cây có múi: cam, quýt, bưởi da xanh… nhưng chưa mở rộng thêm vì muốn kiểm soát vấn đề dịch bệnh. Trong năm năm tới ông muốn đưa doanh thu ngành chuối trên 1.000 tỉ đồng. Ông chủ Unifarm đặt mục tiêu quá tham vọng? “Người khác thì không biết làm thế nào, mình xác định tuy thị trường đủ lớn cũng phải đầu tư từng bước một. Mình muốn đẩy sản lượng lên nhưng con người không theo kịp. Chúng tôi luôn sản xuất dưới mức nhu cầu của thị trường một chút. Nông nghiệp phải đi chậm mà chắc,” doanh nhân này nói.