Hai thương vụ giữa ông Trần Phương Bình và ông Lê Tuấn dẫn tới sai phạm của cựu CEO Đông Á Bank đều diễn ra trong cùng một ngày.
Repo chứng khoán
Theo xác minh của cơ quan cảnh sát điều tra, tháng 7/2014, ông Trần Phương Bình và ông Lê Tuấn - Giám đốc CTCP ĐTPT Không gian Ngầm, bàn bạc thống nhất việc ông Bình cho ông Tuấn vay 100 tỷ đồng thông qua hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán (Repo) 10.435.400 cổ phần, tương đương 27,46% vốn của Công ty Không gian Ngầm do ông Lê Tuấn đứng tên sở hữu.
Thực hiện chủ trương trên, ông Trần Phương Bình nhờ ông Phan Văn Anh Vũ dùng pháp nhân CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 ký hợp đồng Repo 10.435.400 cổ phần Không gian Ngầm cho Bắc Nam 79 với giá 104.350.000.000 đồng. Lãi suất sẽ được áp dụng khi bên bán mua lại cổ phần là 1,1%/ tháng. Thời hạn mua lại cổ phần là 3 năm.
Để có tiền chuyển cho ông Lê Tuấn, ông Trần Phương Bình ngày 17/7/2014 chỉ đạo cấp dưới tại Đông Á Bank thu khống 31,2 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản của ông Lê Tuấn. Số tiền 68,8 tỷ đồng còn lại tới nay vẫn chưa được thanh toán. Hiện ông Trần Phương Bình không nhớ ai đang quản lý 10.435.400 cổ phần của Không gian Ngầm.
Ông Trần Phương Bình được xác định đã vi phạm quy định tại điều 6,7 và 14 Luật Kế toán năm 2013, gây thiệt hại cho Đông Á Bank 31,2 tỷ đồng. Hành vi của ông Bình phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS năm 1999. Các đồng phạm là nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Đông Á Bank Nguyễn Đức Vinh, nguyên Thủ quỹ Đỗ Thanh Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở giao dịch Nguyễn Văn Thuận và nguyên Thủ quỹ Sở giao dịch Trần Thế Hùng.
Về phần mình, ông Phan Văn Anh Vũ khai rằng chỉ được ông Trần Phương Bình nhờ sử dụng pháp nhân Bắc Nam 79 ký hợp đồng Repo cổ phiếu Không gian Ngầm với ông Lê Tuấn. Ông Vũ không biết ông Trần Phương Bình sử dụng nguồn tiền nào để chuyển tiền cho ông Lê Tuấn. Ông Vũ cũng không quản lý và không biết ai đang quản lý số cổ phần trên. Cơ quan điều tra xác định không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với ông Phan Văn Anh Vũ.
Mua bán cổ phiếu Đông Á Bank
Đối với ông Lê Tuấn, đây không phải thương vụ đầu tiên liên quan đến doanh nhân này trong đại án Đông Á Bank.
Cơ quan điều tra xác định cũng trong ngày 17/7/2014, ông Lê Tuấn, Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Mạo hiểm đã bán 1.424.236 cổ phần Đông Á Bank cho ông Trần Phương Bình với giá 10.824.194.000 đồng. Ông Bình sau đó nhờ người đứng tên hộ số cổ phần trên.
Để có tiền thanh toán, ông Trần Phương Bình ngay trong ngày 17/7 chỉ đạo cấp dưới tại Đông Á Bank thu khống 10.824.194.000 đồng, chuyển vào tài khoản của CTCP Tư vấn Đầu tư Mạo hiểm. Cuối ngày, khoản thu khống được chuyển về Hội sở để chịu âm quỹ.
Hành vi của ông Trần Phương Bình phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS năm 1999. Nguyên Phó TGĐ Đông Á Bank Nguyễn Thị Kim Xuyến đóng vai trò đồng phạm. Ngoài ra còn 4 cấp dưới khác của cũng bị khởi tố với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS năm 1999.
Doanh nhân Lê Tuấn là ai?
Ông Lê Tuấn sinh năm 1961, có học vị Tiến sĩ, là doanh nhân có tiếng ở TP.HCM. Ông Tuấn được cho là người đầu tiên có ý tưởng về việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm ở TP.HCM từ năm 2003.
Tháng 8/2010, CTCP Đầu tư Phát triển Không gian Ngầm do ông Tuấn làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ đã khởi công dự án bãi đỗ xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám, Q.1. Dự án có quy mô 4 tầng ngầm với công năng đậu xe, hạ tầng kỹ thuật công trình phụ trợ có diện tích 76.798m2 và 3 tầng ngầm với công năng thương mại dịch vụ là 32.839m2. Cùng với 3 dự án tương tự, bãi đỗ xe ngầm dưới lòng Công viên Lê Văn Tám được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực giao thông tại trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, dự án cho đến nay gần như đình trệ, nguyên nhân được đưa ra là do không khả thi về mặt thương mại.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty Không gian Ngầm là một trong nhiều khoản đầu tư của ông Lê Tuấn, xoay quanh pháp nhân 'lõi' là CTCP Đầu tư và Tư vấn Mạo hiểm (VC Invest Corp) thành lập từ năm 2006. Trong một bản tin đăng báo năm 2009, VC Invest Corp được giới thiệu đang triển khai một số dự án như thủy điện Namtheun 4 (vốn đầu tư trên 300 triệu USD) ở Lào với thiết kế hồ nước tận dụng lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường; dự án bãi đậu xe ngầm và dịch vụ công cộng, thương mại Phú Nhuận (vốn đầu tư 70 triệu USD) hay dự án Mũi Né - Marine (tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 350 triệu USD)...
Ngoài Công ty Không gian Ngầm và VC Invest Corp, ông Lê Tuấn hiện còn sở hữu/ đứng tên một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thuỷ điện Nam Leng, CTCP Trang thiết bị Y tế Bella, CTCP Đồ uống và Thực phẩm Mê Kông, CTCP Đầu tư Phát triển Khu đô thị biển Mũi Né Marina. Tại CTCP Nước giải khát Chương Dương, ông Tuấn giữ chức vụ Thành viên HĐQT từ năm 2013 đến nay.
Nội dung bài viết dựa trên Kết luận điều tra lần một ngày 2/4/2018 của cơ quan CSĐT - Bộ Công an về vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á".
Ngày 31/7 vừa qua, VKSND Tối cao lần thứ hai trả lại hồ sơ cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại vụ án. Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu Bộ Công an thay đổi tội danh của một số bị can và làm rõ hành vi của một số người liên quan đến vụ án xảy, nếu đủ cơ sở thì xử lý hình sự.
Sự liên quan tới vụ án của các cá nhân, pháp nhân trong phạm vi bài viết này sẽ phụ thuộc vào phán quyết của Toà án.
Nghi Điền
Theo Nhà Đầu Tư