Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cái chết của Kennedy: Vụ ám sát bí ẩn nhất thế kỷ 20 và những câu hỏi chưa có lời giải

21/09/2018 14:37

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát bằng hai phát súng. Thế nhưng, 'Ai giết Kennedy?' mãi là câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng.

Ngày bi thảm của nước Mỹ

11h40' sáng thứ sáu ngày 22/11/1963, Tổng thống John F. Kennedy (JFK) cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline (Jackie) hạ cánh xuống sân bay thành phố Dallas, bang Texas, từ chiếc chuyên cơ Air Force One. Một chiếc xe mui trần 6 chỗ đưa vợ chồng vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ cùng thống đốc bang John Connally tới dự cuộc mít-tinh của 2.500 người ủng hộ. Đây là lịch trình nằm trong chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo của Kennedy.

Vợ chồng Tổng thống Mỹ hạ cánh tại Dallas sáng 22/11/1963.

Buổi sáng hôm đó, trẻ em thành phố Dallas được nghỉ học. Người dân tập trung đông đúc bên những con phố cùng băng rôn, cờ hoa và biểu ngữ để chào đón Tổng thống Mỹ.

Lái chiếc limousine chở JFK là một nhân viên thuộc Cơ quan mật vụ Mỹ (USSS). Trên xe lúc đó, ông Kennedy và bà Jackie ngồi băng sau, còn thống đốc John Connally và vợ của ông là bà Nellie ngồi ghế trước. Kế chiếc xe của JFK là những xe gắn máy chở theo 8 đặc vụ USSS. Cuối cùng là xe chở Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson và Thượng nghị sĩ Yarborough. Dẫn đầu đoàn xe là xe của cảnh sát trưởng thành phố Dallas.

12h30', đoàn xe di chuyển với vận tốc khoảng 20km/h đến khu Dealey Plaza. Khi tới ngã tư phố Houston và Elm, chiếc limousine cua một góc 120 độ về phía bên trái vào đường Elm, giảm tốc độ xuống còn 15km/h. Ngay giờ phút đó, tiếng súng chát chúa vang lên, nhắm vào mục tiêu là xe chở JFK. Phát súng thứ nhất bắn trượt xe, phát súng thứ hai xuyên qua cổ Tổng thống Mỹ, trúng vào lưng Thống đốc Connally, còn phát thứ ba trúng đầu ông Kennedy.

Các đặc vụ USSS ngay lập tức lao lên xe che chắn cho Kennedy nhưng đã quá trễ. Phu nhân Jackie nhoài người tránh đạn và sau đó bàng hoàng nhìn chồng bà gục xuống trong tình trạng bị thương nặng.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, mật vụ Clint Hill, người xuất hiện khoảnh khắc lao lên bảo vệ Đệ nhất phu nhân, cũng là người duy nhất còn sống trong số 8 nhân viên USSS ngày hôm đó, kể lại giây phút ám ảnh:

"Ngay trước mặt chúng tôi là thư viện Texas Schoolbook Depository. Chúng tôi không thấy điều gì bất thường. Đoàn xe đi thẳng và bắt đầu nghe thấy một tiếng súng vang lên phía bên phải. 4 nhân viên USSS quay sang xe tổng thống. Hai người được chỉ định bảo vệ JFK. Xe của tôi bị chạy quá tầm nhìn, khi quay lại, tôi thấy vị tổng thống nghiêng người về phía bên trái tránh mục tiêu. Tôi biết có điều gì đó không ổn.

Đó là lúc tôi nhảy xuống xe gắn máy, chạy nhanh hết sức có thể. Khoảng cách giữa hai chiếc xe lúc đó là 5-7 feet. Phát súng thứ hai đã vang lên lúc tôi chạy. Khi tôi leo lên được chiếc limousine, phát súng thứ ba đã nhắm thẳng vào đầu ông Kennedy. Tôi đã nhoài người tạo thành tấm lá chắn để đảm bảo không có thêm viên đạn nào nhắm vào Đệ nhất phu nhân.

Tôi thấy máu, não và các mảnh xương bắn ra. Bà Jackie đứng dậy run rẩy. Tôi giữ bà ấy và dìu xuống hàng ghế sau. Lúc đó, cơ thể Kennedy gục xuống lòng bà Jackie. Mặt bên phải ông ấy cứng lại, đôi mắt biến dạng. Đó là một viên đạn chí mạng. Những lời nói của phu nhân Kennedy vang lên bên tai tôi "Ôi Chúa ơi... não của anh ấy trong tay tôi. Ôi John, John, họ đã làm gì vậy? Em yêu anh, John". Tôi quay người và ra hiệu "thumbs-down" (giơ ngón cái xuống) cho các xe phía sau. Tôi muốn họ biết tình hình rất nghiêm trọng, sau đó hét với tài xế chạy thật nhanh tới bệnh viện".

Khoảnh khắc đặc vụ Clint Hill lao lên limousine sau khi nghe tiếng súng.
Người dân bên đường ngã sụp xuống hoảng sợ sau khi thấy Tổng thống Kennedy bị bắn.

Cả JFK và thống đốc bang Texas đều nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Parkland. Kenneth Salyer là một trong số những bác sĩ thực hiện ca cấp cứu cho JFK tại Phòng phẫu thuật chấn thương số 1. Năm 2008, trong một cuộc trò chuyện cùng những người hâm mộ cố tổng thống JFK tại bảo tàng lầu sáu của trung tâm thương mại Dealey Plaza, ông đã kể lại những giờ phút cuối cùng của tổng thống ngày 22/11/1963.

"Tôi đang trong ca trực thì một y tá chạy vào hét to 'Tổng thống bị bắn rồi!'. Sau đó, một bệnh nhân mình mẩy đầy máu, nằm trên chiếc cáng được đưa cấp tốc vào phòng chấn thương 1 khoa cấp cứu. Mảnh sọ phía trái đầu ông ấy bay mất. Những gì còn lại là mớ hỗn độn đầy mô và máu. Chúng tôi cố gắng đút ống thở nhưng không thể vì vết thương ở cổ. Bước tiếp theo là mát-xa ngực giữ lấy hơi thở.

Lúc đó, nhịp thở của JFK vẫn còn. Một loại hơi thở khổ sở, đau đớn, yếu ớt, nhưng vẫn duy trì trong vài phút. Phát súng đầu tiên xuyên vào lớp mô mềm ở sau vai ông ấy và thoát ra ngoài khí quản. Viên đạn đó đi qua ngực John Connally, qua bàn tay phải và vào đùi ông ta và khiến ông ta gục xuống xe. Phát súng tiếp theo, viên đạn chí mạng, xuyên thẳng vào đầu. Tôi nghĩ nếu như JFK gục xuống như John Connally, có lẽ ông ấy đã không mất mạng bởi phát súng thứ hai ấy. Những chấn thương của Kennedy là vô cùng nghiêm trọng. Chỉ 30 phút sau khi bị bắn, ông ấy đã qua đời. Tôi đã mất đi vị anh hùng của nước Mỹ ngay trong tay mình".

Phu nhân Kennedy đến gần thi thể chồng bà sau khi các bác sĩ tuyên bố tổng thống qua đời. Bà ấy dựa vào bờ vai của Kennedy, nắm lấy tay ông ấy, đeo một chiếc nhẫn vào ngón tay chồng và thực hiện một nghi lễ riêng tư. "Một khoảnh khắc tinh tế trong ngày bi thảm của nước Mỹ", bác sĩ Kenneth Salyer nhớ lại.

Tổng thống Kennedy qua đời lúc 13h3' ngày 22/11. Thống đốc bang Texas sống sót. Hàng trăm người dân bật khóc bên ngoài bệnh viện Parkland sau khi hay tin về cái chết của tổng thống. Ngay trước khi chiếc Air Force One cất cánh để chở thi hài ông Kennedy về Washington, Phó tổng thống Lyndon B. Johnson đứng cạnh bà Jackie, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 36.

Kẻ bị buộc tội ám sát tổng thống

Theo các nhân chứng có mặt, loạt súng bắn chết JFK xuất phát từ đồi cỏ đối diện với chiếc limousine. Cụ thể, vị trí nhắm bắn được xác định là ở cửa sổ góc Đông Nam tại lầu thứ sáu của thư viện Texas Schoolbook Depository (TSBD), cách phía sau đoàn xe chừng 80 mét. Cảnh sát khám xét một căn phòng, tìm thấy 3 vỏ đạn rỗng, một khẩu súng trường Mannlicher-Carcano giấu bên dưới đống hộp, trùng với loại đạn bắn Tổng thống Kennedy.

12h44', cảnh sát Texas thông báo danh tính nghi phạm. Đó là Lee Harvey Oswald (sinh ngày 18/10/1939). Charles Givens, một người cùng làm việc với Oswald, khai rằng anh ta đã nhìn thấy Oswald trên tầng 6 của toà nhà TSBD vào lúc 11h55' và thấy hắn xuất hiện lại lúc 12h31', sau khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

Một nhân chứng khác khai rằng, lúc 13h16', J. D. Tippit, một sĩ quan cảnh sát Dallas, đã tiếp cận Oswald khi hắn đang đi dọc khu phố Oak Cliff. Mới trao đổi được vài câu, Oswald nhanh chóng rút súng và bắn nhiều phát đạn về phía viên cảnh sát. Nghi phạm giết Tổng thống Mỹ chạy trốn khỏi hiện trường vụ án mạng, trên nền đất là thi thể của Tippit.

13h30', hàng chục xe cảnh sát bao vây một rạp chiếu phim sau khi được tin kẻ tình nghi trốn trong đó. Lee Harvey Oswald nhanh chóng bị bắt giữ. Sau một cuộc đấu trí ngắn, Oswald đầu hàng và tra tay vào còng. Khi đó, hắn bị bắt vì thừa nhận giết cảnh sát Tippit chứ không phải là thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy. Tuy nhiên, cảnh sát đã tìm thấy dấu vết lòng bàn tay của Oswald in trên thân khẩu súng trường Mannlicher-Carcano. Đồng thời, thẻ căn cước giả của Oswald có tên giả Alek Hiddell, trùng với tên "A. Hiddell" của người đã mua khẩu súng. Khẩu súng được gửi bằng đường bưu phẩm từ Chicago đến hòm thư 2915, Dallas, Texas, chính là địa chỉ hòm thư của Oswald.

Oswald bị cảnh sát Dallas thẩm vấn suốt 13 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hắn luôn miệng từ chối âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy. Hắn nói rằng mình chỉ là một “Pasty” (một từ lóng được bọn mafia dùng để chỉ kẻ thế thân trong lệnh trừng phạt một ai đó).

Ngày 23/11, cảnh sát và viện công tố Dallas buộc tội Lee Harvey Oswald là thủ phạm gây ra hai vụ giết người liên tiếp. Mặc cho Oswald liên tục kêu oan, y vẫn bị buộc tội giết tổng thống (vào thời ấy không có cáo buộc ám sát tổng thống).

Theo thông tin Cục điều tra liên bang (FBI) cung cấp, Lee Harvey Oswald là cựu binh sĩ Mỹ nhưng đào tẩu sang Liên Xô cũ tháng 10/1959. Oswald sống tại Liên Xô cho đến tháng 6/1962 thì trở về Mỹ. Trước khi bị tình nghi ám sát JFK, Oswald từng âm mưu ám sát Tướng Edwin A. Walker, một thủ lĩnh chính trị cánh hữu ở Dallas.

Oswald bị Jack Ruby bắn chết trong lúc áp giải chuyển trại giam.

11h20' ngày 24/11, rất đông ký giả và đài truyền hình tập trung trước cổng trụ sở Cảnh sát Texas. Đó là ngày Oswald được di chuyển từ trại tạm giam sang nhà tù địa phương chờ ngày xét xử. Vừa lúc hắn ta bước xuống từ buồng thang máy để ra xe cảnh sát, thì một người đàn ông lao ra từ đám đông, nổ súng vào Oswald. Các đài truyền hình khi đó đang phát sóng trực tiếp hình ảnh nghi phạm bị giải đi. Hàng triệu khán giả nước Mỹ đã được xem toàn bộ giây phút kẻ tình nghi bị hạ gục bởi phát súng gọn gàng. Vài giờ sau, y chết cũng tại bệnh viện Parkland, nơi mà Tổng thống Kennedy đã qua đời.

Kẻ giết Oswald là Jack Ruby, chủ một hộp đêm có quan hệ với mafia ở thành phố Dallas. Trong lời khai với cảnh sát, hắn nói rằng mục đích giết Oswald là giúp phu nhân Jackie Kennedy sau này khỏi phải đau buồn khi phải đến dự phiên tòa xử Oswald. Bản án tử hình của Ruby đã bị kháng cáo do hắn ta đột ngột kêu oan và được chuyển qua một phiên xử mới. Tuy nhiên, vào ngày 3/1/1967, Jack Ruby chết tại nhà tù. Nguyên nhân là tắc nghẽn phổi do căn bệnh ung thư.

Những thuyết âm mưu đặt ra

Sau ngày định mệnh 22/11/1963, truyền hình Mỹ, gồm 3 đài CBS, NBC và ABC, đã cắt bỏ toàn bộ các chương trình khác, chỉ để liên tục thông tin về vụ ám sát trong 4 ngày liên tiếp.

Thời điểm đó, những vụ án mạng liên tiếp cũng như tốc độ điều tra và kết luận "nhanh khủng khiếp" của cảnh sát dấy lên sự nghi ngờ của công chúng nước Mỹ. Mặc dù các bằng chứng pháp y, đường đi của viên đạn và nhân chứng ủng hộ giả thuyết chỉ có một tay súng duy nhất, các cuộc thăm dò ý kiến công khai qua nhiều năm đã cho thấy phần lớn người Mỹ tin rằng Oswald đã không hành động đơn độc, mà có âm mưu với những người khác để giết tổng thống. Vụ ám sát này được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, với hàng loạt tin đồn và nghi vấn liên quan.

Nhiều câu hỏi được người dân đặt ra: Động cơ thực sự của Oswald là gì? Y một mình ám sát hay có đồng phạm? Tại sao Jack Ruby có thể mang súng vào Sở cảnh sát Dallas? Cái chết của Oswald có phải là để bịt đầu mối, đảm bảo hắn ta không bao giờ có cơ hội mở miệng bào chữa? Đa số người dân Mỹ đều nhận định, một mình Oswald không thể thể hạ sát Tổng thống Kennedy mà không có tổ chức đứng sau.

Năm 1964, Ủy ban Warren, đơn vị điều tra độc lập vụ ám sát JFK, khẳng định rằng không có chứng cứ cho thấy đây là âm mưu nội địa hay của tình báo nước ngoài. Theo đó, Ủy ban tuyên bố xạ thủ duy nhất bắn 3 phát đạn vào xe của Tổng thống Kennedy là Lee Harvey Oswald. Ngoài ra, không có bằng chứng là Lee Harvey Oswald hay Jack Ruby tham gia một âm mưu ám sát của một tổ chức trong hoặc ngoài nước. Năm 1979, Ủy ban về các vụ ám sát của Hạ viện Mỹ ủng hộ kết luận của Ủy ban Warren, nhưng lại đưa ra nhận định khác về số lượng tay súng tham gia vụ ám sát: "Khả năng khá cao là có hai tay súng đã bắn vào Tổng thống Kennedy".

Tháng 10/2017, Chính phủ Mỹ công bố 441 tài liệu mới về vụ ám sát Tổng thống Kennedy và giải mật toàn bộ 3.369 hồ sơ từng bị kiểm duyệt một số phần trước đây. Tính đến nay, có trên 4 triệu trang tài liệu được công bố, nhưng không nêu động cơ của kẻ ám sát Lee Harvey Oswald. Tờ Politico cho hay, các nhà nghiên cứu cho biết hồ sơ mới giải mật cho thấy Oswald có thể dính líu với tình báo Cuba, tình báo Liên Xô (KGB). Động cơ bắn chết ông Kennedy có thể là để trả đũa âm mưu ám sát lãnh tụ Fidel Castro của CIA. 

Cụ thể, trong các tài liệu công bố năm ngoái, CIA không muốn tiết lộ với Ủy ban Warren rằng cơ quan này từng theo dấu Oswald nhưng lại không nắm được mối quan hệ mật thiết từ lâu giữa người này với phía Liên Xô và Cuba. Hai tháng trước vụ ám sát, Oswald từng có chuyến đi 6 ngày đến Mexico.

Một tài liệu nêu rõ: "Theo ghi chép từ một cuộc điện thoại nghe lén ở Mexico City, Oswald đã có mặt ở Đại sứ quán Liên bang Xô Viết tại đó ngày 28/9/1963 và nói chuyện với nhân viên lãnh sự tên Valeriy Vladimirovich Kostikov". Kostikov được cho là một điệp viên cấp cao thuộc Cục 13, đơn vị chuyên trách về các vụ ám sát của KGB. Theo CIA, cơ quan này biết về chuyến đi của Oswald đến Mexico City khi tên này gọi đến Đại sứ quán Liên bang Xô Viết vào ngày 1/10/1963. Hắn đã khai tên tuổi và nói bằng một thứ tiếng Nga bập bõm. Theo tài liệu này, hắn đã hỏi nhân viên bảo vệ nghe điện thoại là liệu có “bất cứ thứ gì mới liên quan tới bức điện tín đến Washington”. Một tài liệu khác tiết lộ, FBI cũng biết về cuộc gặp ngày 1/10/1963, hơn 1 tháng trước khi Tổng thống Kennedy bị ám sát. Điều này có nghĩa là Oswald vốn đã nằm trong diện nghi ngờ của các cơ quan tình báo Mỹ.

CIA nhận định, sau khi đọc một bài báo trên tờ Times-Picayune về âm mưu ám sát Castro, Oswald đã lên kế hoạch trả đũa cho "thần tượng", giết chết ông Kennedy trước khi tình báo Mỹ có thể thực hiện âm mưu ám sát lãnh tụ Cuba. CIA cũng thừa nhận đã thiếu sót trong quá trình điều tra, đó là không thể thẩm vấn trực tiếp nhân chứng quan trọng ở Mexico, Silvia Duran, nhân viên người Mexico của lãnh sự quán Cuba, người phụ nữ bị nghi có mối quan hệ tình ái với Oswald. Báo cáo CIA viết: "Duran là nhân chứng còn sống sót duy nhất, biết rõ hoạt động của Oswald, nhưng chính quyền Mexico đã lấy lời khai người phụ nữ này".

Sau khi các hồ sơ cũ được giải mật, bên cạnh giả thuyết Oswald ám sát JFK theo lệnh của KGB, có giả thuyết cho rằng đây thực chất là âm mưu của chính... CIA. Năm 1975, Tổng thống Gerald Ford cho thành lập Ủy ban Rockefeller (RC) để điều tra những hoạt động trái phép vào thập niên 60 của CIA ở Mỹ. Trong vụ án Tổng thống J.F. Kennedy, dường như CIA cũng đóng một vai trò nào đó mà RC phải điều tra làm rõ. Tại một cuộc trao đổi của luật sư David Belin và Giám đốc CIA Richard Helms, khi được hỏi "Thời Ủy ban Warren , có đúng là ông giữ chức vụ phó giám đốc kế hoạch? Có thông tin nào liên quan đến vụ ám sát cho thấy Oswald dường như từng làm việc cho CIA hay cho...?". Trang hồ sơ chỉ in đến đây thì bị ngắt đoạn. Các trang sau đó không được công bố nên không biết giám đốc CIA đã trả lời như thế nào.

Trên tờ Express UK, việc cắt ngang giữa chừng trong hồ sơ mật là điều rất đáng ngờ. Nhiều người theo thuyết âm mưu CIA ám sát JFK tin rằng sự che giấu này, nói là giải mật nhưng hồ sơ đã bị chỉnh đốn. CIA chính là thế lực ngầm dùng Oswald để khử Tổng thống Kennedy cũng như từng âm mưu ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro không dưới một lần từ năm 1960 đến 1963. Những người này cũng tin chắc rằng Oswald bị Jack Ruby bắn chết 2 ngày sau là một kiểu "giết người diệt khẩu" nằm trong một kế hoạch đã được định sẵn của CIA.

Còn có một thuyết âm mưu nổi tiếng khác lý giải cái chết bí ẩn của Tổng thống Kennedy là vai trò liên quan của Phó Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson. Tất cả đều biết, ông Johnson trở thành tổng thống kế nhiệm sau khi Kennedy qua đời. Một số người tin rằng Johnson đã lên kế hoạch ám sát JFK để lên nắm quyền vì sợ bị cách chức. Trong cuốn hồi ký của thư ký riêng của tổng thống Kennedy, Evelyn Lincoln hé lộ, Kennedy từng đề cập đến việc thay thế vị trí Phó tổng thống Mỹ của Johnson.

Phó tổng thống Johnson tuyên thệ nhậm chức trên chiếc Air Force One trước giờ phút đưa thi thể Tổng thống Kennedy về Washington.

Cũng có nhiều người cho rằng vụ ám sát JFK chấn động nước Mỹ và thế giới là do bàn tay mafia gây ra. Tổ chức tội phạm này có nhiều động cơ, nhất là khi em trai JFK, Robert Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, thực hiện chiến dịch càn quét mafia mạnh mẽ. Ông Robert Kennedy sau đó cũng bị ám sát vào năm 1968.

Theo BBC, tính đến năm 2017, có khoảng 88% số hồ sơ liên quan vụ ám sát Tổng thống Kennedy đã được công bố tính, 11% đã giải mật và chỉ 1% còn trong vòng bí mật. Tuy nhiên, 1% trong số năm triệu hồ sơ là con số không hề nhỏ và có thể chứa đựng toàn bộ sự thật. Điều đáng ngờ là Tổng thống Donald Trump đã lưu ý các cơ quan hành pháp về việc một số tài liệu "cần phải được giữ kín vì vẫn có những thông tin nhạy cảm".

Những bí ẩn xung quanh

Trước vụ ám sát khoảng 10 ngày, Robert C. Rawls, người có mặt tại một quán bar ở New Orleans, Los Angeles, nghe thấy có người đặt cược 100 USD với cam đoan "ông Kennedy sẽ chết trong vòng ba tuần". Trong cuộc trả lời phỏng vấn mật vụ Mỹ sau đó, Robert C. Rawls cho biết, khi đó ông say rượu nên không thể nhớ tên, ngoại hình của người đặt cược hay tên của quán bar.

Vào ngày định mệnh 22/11/1963, lúc 19h5' giờ GMT (tức 12h5', giờ Washington), một phóng viên của tờ Cambridge News (Anh) nhận được cuộc gọi bí ẩn. Trong báo cáo mà Phó Giám đốc FBI James Angleton gửi tới Giám đốc FBI J. Edgar Hoover có đoạn viết: "Người gọi tới chỉ nói với phóng viên Cambridge News rằng nên gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ ở London để có tin quan trọng rồi cúp máy. Sau khi tin tức về cái chết của Tổng thống lan nhanh, phóng viên trên đã báo cáo với cảnh sát Cambridge về cuộc gọi nặc danh. Cảnh sát đã thông báo với Cục Tình báo MI5 của Anh. Điều quan trọng là, theo tính toán của MI5, cuộc gọi được thực hiện 25 phút trước khi Kennedy bị bắn chết. Người phóng viên của Cambridge News chưa từng nhận bất kỳ cuộc gọi nào tương tự, và MI5 xác nhận phóng viên này là một người tỉnh táo, trung thành, lý lịch trong sạch".

Ngoài ra, xung quanh vụ án Kennedy còn có những cái chết vô cùng bí ẩn. Ngày 3/12/1963, Michael Groves, người chỉ huy đội tiêu binh danh dự trong đám tang JFK qua đời một cách đột ngột, chỉ sau tang lễ của vị tổng thống 7 ngày. 9 ngày sau đó, toàn bộ tài sản của ông Michael Groves cũng bị thiêu rụi trong một đám cháy đáng ngờ. Nhiều thông tin cho biết, đội tiêu binh danh dự đã tập dượt những nghi thức của một tang lễ dành cho tổng thống trước vụ ám sát Kennedy chỉ... 3 ngày.

Tháng 2/1964, Eddy Benavides qua đời. Eddy Benavides là anh trai của Domingo Benavides, người đã chứng kiến cái chết của viên cảnh sát J. D Tippit vào ngày 22/11/1963. Domingo từng khẳng định cái chết của sĩ quan Tippit không phải do Oswald gây ra trên đường tẩu thoát mà do "ai đó bắn nhầm".

Ngày 8/11/1965, nữ phóng viên Dorothy Kilgallen bị phát hiện đã chết vì dùng quá liều thuốc trong căn hộ ở Manhattan, Mỹ. Cái chết của Kilgallen xảy ra chỉ vài tuần trước khi cô định tới New Orleans để gặp một nguồn tin bí mật liên quan tới cuộc điều tra kéo dài 18 tháng mà cô đang thực hiện về vụ ám sát JFK để viết thành sách. Mark Shaw, tác giả cuốn sách The Reporter Who Knew Too Much (Người phóng viên biết quá nhiều) đã kêu gọi điều tra đầy đủ cái chết của Kilgallen. Ông cho rằng cái chết của cô là do bị giết và bị che đậy. Theo Mark Shaw, nghi can gồm cả Giám đốc FBI Edgar Hoover, bố già mafia Don Carlos Marcello và một người đàn ông bí ẩn có thể đã bịt miệng cô.

Chính vì vô số câu hỏi xung quanh vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, người dân nước Mỹ vẫn luôn tin rằng "kẻ giết Kennedy" không đơn giản là nghi phạm Lee Harvey Oswald mà là một tổ chức đứng đằng sau chỉ đạo. Cho đến nay, đây vẫn là vụ ám sát bí ẩn nhất thế kỷ 20, mãi mãi không có lời giải thỏa đáng.

Bích Hà/VNE (theo USDtoday, CBSnews, Theguardian, CNN)