Một quảng cáo 30 giây trong trận lượt về vòng chung kết AFF Cup 2018 giữa Malaysia và Việt Nam vừa qua có giá khoảng 950 triệu đồng (40.000 USD), đây là kỷ lục mới trong ngành quảng cáo trên truyền hình giữa các trận bóng đá được chiếu miễn phí tại Việt Nam, hơn 15% so với trận Chung kết World Cup giữa Pháp và Croatia trước đó.
Trận thi đấu được theo dõi nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam này phát sóng khoảng 30 mẩu quảng cáo trong giờ nghỉ giữa hai hiệp, đồng nghĩa với tổng số tiền đầu tư quảng cáo lên tới khoảng 30 tỷ đồng (1,2 triệu đô la). Kể từ khi đạt được chức vô địch AFF Cup 2008, có lẽ đây là một trong số ít trận khiến người Việt Nam ngất ngây.
Mặc dù đạt được số lượng người theo dõi nhiều nhất từ trước tới nay, một câu hỏi vẫn được đặt ra: hiệu quả của các quảng cáo này như thế nào, đặc biệt là khi chỉ được chiếu trong giờ giải lao và bị cạnh tranh với gần 30 mẫu quảng cáo khác?
Sự kiện trên truyền hình
Cũng giống như giải Super Bowl của Mỹ - một trong số các sự kiện thể thao cực kỳ thu hút ở quốc gia có hơn 400 triệu dân này, theo một nghiên cứu của Decision Lab, có 97% người dùng Internet xem trận chung kết này, và 90% trong số đó xem trên TV.
Với số lượng người xem như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhà đài tận dụng cơ hội để tăng chi phí phát sóng trong các sự kiện thể thao lớn. Để chứng minh khoản đầu tư của mình là đúng, các nhà quảng cáo lý giải rằng sự kiện này có số lượng người xem khổng lồ và cả mức tương tác cao của khán giả trong suốt thời gian phủ sóng.
Theo kết quả khảo sát của Decision Lab, chỉ có 7% người chuyển kênh hoặc làm chuyện khác trong thời gian nghỉ giải lao của trận đấu hôm thứ Bảy tuần trước. 93% còn lại giữ nguyên kênh TV đang xem (hoặc trang web trong trường hợp xem trực tuyến). Và trong số đó, có tới 70% cho biết họ không bao giờ rời khỏi màn hình.
Hiệu quả
Với hơn 30 quảng cáo chỉ trong 15 phút nghỉ giải lao, thử thách mà các nhà quảng cáo gặp phải trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 tương tự như trong giải Super Bowl hàng năm tại Mỹ; quảng cáo của bạn sẽ có nguy cơ bị chìm trong một rừng các quảng cáo và không gây ảnh hưởng nào đến người tiêu dùng của bạn.
Năm 2017, một báo cáo của công ty Communicus đã tiết lộ rằng trung bình, chỉ có 10% người tiêu dùng nhớ được quảng cáo trong trận Super Bowl gần đây nhất. Đối với trận chung kết AFF Cup tại Việt Nam, con số đó cao hơn một chút ở mức 15%; tuy nhiên, nó dựa trên 30 quảng cáo mà khán giả Việt Nam được xem, so với 51 quảng cáo được chiếu trong Superbowl LI năm 2017.
Giải Super Bowl với các giải đấu tại Việt Nam
Khi nhắc tới quảng cáo trong các sự kiện thể thao, quảng cáo trong giải Super Bowl rất khác biệt. Mỗi năm, khán giả Mỹ đều muốn xem quảng cáo, và quảng cáo trong giải Super Bowl trở thành một thể loại quảng cáo đặc biệt mà họ đều mong đợi. Vì vậy, với số lượng lớn người theo dõi, đối với các nhà quảng cáo, Super Bowl từ lâu đã được xem như là dịp tốt nhất để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ một cách độc đáo.
Tại Việt Nam, mọi thứ vẫn còn đang giai đoạn ban đầu. Mặc dù AFF Cup không phải là một sự kiện thường niên, nhưng phần lớn các quảng cáo được chiếu trong giờ nghỉ giải lao vẫn là quảng cáo đã được chiếu trước đó. Theo chúng tôi, đây là một cơ hội bị bỏ lỡ khi bóng đá là bộ môn được yêu thích nhất ở đất nước này.
Dù chúng tôi đã không thấy được sự đầu tư đúng mức cho lần này, nhưng không có gì ngạc nhiên nếu trong tương lai, các nhà tiếp thị trở nên thông minh hơn và bắt đầu tận dụng các sự kiện như chung kết AFF Cup để giới thiệu thương hiệu của họ theo cách mới mẻ hoặc thực hiện một chương trình quảng bá hoành tráng. Đó sẽ là một khoản đầu tư khôn ngoan hơn, không như trường hợp trận bóng cuối tuần trước – khi mà môt hoặc một vài lượt hiển thị được mua với mức giá khá cao.
Theo Brand Việt Nam