Kể cả những người thông minh nhất cũng thường xuyên mắc những sai lầm này.
Nếu nghĩ rằng người tài giỏi không bao giờ phạm sai lầm, bạn hoàn toàn sai. Sự thật là ai cũng mắc sai lầm. Chỉ có điều, người thông minh sẽ thừa nhận, còn người kẻ ngu ngốc thì không.
Hơn nữa, những người mắc nhiều sai lầm nhất cũng là những người thông minh và thành công nhất trong lịch sử. Như Albert Einstein đã từng nói: “Chỉ có ai chưa từng làm gì mới không mắc sai lầm”.
Dưới đây là 5 sai lầm mà những người thông thái hay mắc phải. Cách hay nhất để học theo người thành công là rút kinh nghiệm từ chính những sai lầm của họ.
Theo đuổi tiền bạc
Bất cứ người giàu nào cũng sẽ khuyên bạn đừng bao giờ theo đuổi tiền bạc. Mọi người đều biết cuộc sống còn nhiều điều quan trọng hơn, nhưng ai cũng coi tiền bạc là lẽ sống của mình.
Ước mơ làm giàu chẳng có gì sai. Chúng ta chỉ cần nhắc nhở bản thân rằng đến một mức độ nào đó, tiền bạc cũng chẳng thể khiến ta hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, con người thường hay bị mắc kẹt trong cái nhìn méo mó về tiền bạc. Thực sự thì theo đuổi tiền bạc không phải là một sai lầm. Sai lầm là khi bạn nghĩ nó là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của mình.
Coi thường giấc ngủ
Khi hào hứng với một thứ gì đó, bạn sẽ muốn dành toàn bộ thời gian cho nó. Tuy nhiên, nếu sự phấn khích ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, bạn cần phải thay đổi. Đó là một trong những cạm bẫy “chết người”.
Bạn có thể đi ngủ lúc 2h sáng và tỉnh dậy 8 tiếng sau đó, nhưng bạn sẽ thấy mệt mỏi. Nhưng nếu bạn đi ngủ lúc 11h và tỉnh dậy lúc 7h sáng hôm sau, bạn sẽ thấy tràn trề năng lượng hơn.
Vì thế, hãy coi trọng giấc ngủ của mình. Những việc bạn có thể làm là dậy mỗi ngày, tắt các thiết bị điện tử 1 tiếng trước khi lên giường, không làm việc hay hoạt động trí óc căng thẳng trước đó. Bạn chỉ nên đọc sách hoặc ghi chép nhẹ nhàng.
Kết nối với quá nhiều thứ
Trong thập kỷ vừa qua, công nghệ đã thay đổi cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Hầu hết mọi người đều sở hữu smartphone có kết nối Internet. Trong một vài năm tới, thế giới sẽ ngày càng được liên kết chặt chẽ hơn, kể cả ở những quốc gia kém phát triển.
Tuy nhiên, cái gì quá nhiều cũng là không tốt
Điều này cũng đúng với smartphone, máy tính bảng và laptop của bạn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, con người ngày càng trở nên căng thẳng và lo lắng nhiều hơn. Thủ phạm không gì khác chính là smartphone và sự kết nối.
Vì vậy, bạn cần phải nghiêm khắc hơn với chính mình trong việc sử dụng điện thoại.
Lười tập thể thao
Chúng ta có rất nhiều nghĩa vụ trong cuộc sống. Một trong số đó chính là công việc. Tiếp theo, chúng ta còn phải dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Chúng ta phải trả hóa đơn. Chưa kể, ta còn phải đối mặt với nhiều điều xảy ra mà không báo trước. Một cuộc khủng hoảng ở công ty. Một thành viên gia đình đổ bệnh.
Chúng là một phần của cuộc sống. Và khi những thứ đó xảy ra, ta dễ dàng quên đi việc phải tập thể thao hàng ngày.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, bạn sẽ thấy mệt mỏi và yếu ớt. Bạn thở hồng hộc khi leo vài bậc cầu thang. Bạn phàn nàn khi không tìm được chỗ đỗ xe. Bạn không muốn đi bộ. Bạn đau lưng vì ngồi nhiều. Bụng của bạn ngày một béo ra. Bạn thậm chí còn không dám nhìn mình trong gương.
Đừng để mình đi đến bước đường này. Hãy tập thể thao ít nhất 3 lần/tuần và tập đi bộ vào những ngày còn lại. Bạn sẽ khỏe khoắn, cân đối và cảm thấy tuyệt vời hơn.
Tự tin thái quá
Hầu hết những người thông minh đều có một khuyết điểm: quá tự tin. Khi bạn giỏi một thứ gì đó, bạn thường đánh giá quá cao bản thân mình.
Không phải chỉ những người ngạo mạn, tinh tướng mới mắc sai lầm này. Ai cũng có thể bị tự tin thái quá. Từ những người nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng cho đến những người hướng ngoại cực kỳ dễ tính.
Hãy tự thành thật với bản thân. Đã bao lần bạn nghĩ mình có thể vượt qua thử thách nhưng rồi không thể? Đã bao lần bạn cho rằng mình làm việc tốt hơn đồng nghiệp hoặc đối thủ?
Đây là cái bẫy mà đa số người thông minh đều rơi vào. Tuy nhiên, ai cũng biết một sự thật: Kể cả những người khôn ngoan nhất trong lịch sử cũng nói rằng họ không biết gì. Vậy tại sao bạn vẫn dám tự tin thái quá như thế?
Giây phút mà bạn nghĩ mình giỏi hơn mọi người, bạn chính là kẻ thua cuộc. Khi bạn dừng việc tự hỏi bản thân, có nghĩa là bạn không còn học hỏi nữa. Và chỉ có những kẻ thua cuộc mới ngừng học hỏi.
Thay vào đó, hãy dựa vào những thứ đã đưa bạn đến vị trí như ngày hôm nay: tò mò, đam mê, háo hức, và quan trọng nhất là, chăm chỉ.
theo Medium