Động lực lớn nhất biến Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco từ một người thợ cơ khí đến giấc mơ sản xuất ô tô cho mọi người dân chính là xuất phát từ mục đích kinh doanh cao đẹp, nghị lực và sự kiên định đến cùng.
Bí quyết kinh doanh của ông là làm đúng, làm thật ngay từ đầu, sống với nghề bằng cả trái tim và khối óc, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì, tích lũy từng bước một để từ “cá chép hóa rồng”.
Giản dị, mực thước, nghĩa tình, nghiêm cẩn, chu toàn… con người ông luôn gắn với từng giá trị sản phẩm mình tạo ra, như một bảo chứng cho uy tín của một thương hiệu.
Gần đây, giới kinh doanh thường nhắc đến ông với những vụ mua bán sáp nhập (M&A) với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản, đằng sau đó là một tình bạn thuỷ chung, chia ngọt xẻ bùi, xẻ cả đắng cay… đã cứu ông Đức vượt thoát những ngặt nghèo có thể dẫn đến phá sản cả một cơ nghiệp đã dày công gầy dựng nhiều năm.
Chuyện ông Dương cứu ông Đức được xem như một chuyện hy hữu trong giới doanh nhân Việt, một chuyện tưởng chừng như không thể đã thành có thể.
Thaco và sự trỗi dậy của vùng đất “4 không” Chu Lai
Tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận đóng góp lớn của Thaco, biến vùng đất “4 không” Chu Lai trở thành niềm tự hào của Quảng Nam và cả nước.
Tại Chu Lai đã tìm thấy giá trị gia tăng mới, biến vùng đất “4 không” - không hạ tầng, không nguồn nhân lực, không nhà đầu tư, không có thị trường - của Quảng Nam trở thành vùng đất tạo ra giá trị gia tăng rất lớn, đóng góp 70.000 tỷ đồng ngân sách cho Quảng Nam trong những năm qua.
Sau 15 năm, nơi đây đã trở thành một khu kinh tế có quy mô lớn với trên 100 dự án, hình thành một khu công nghiệp - đô thị lớn, trong đó có vai trò của cánh chim đầu đàn là Công ty Trường Hải (Thaco).
Nhớ lại những ngày đầu tiên Thaco đặt chân đến vùng đất Chu Lai, trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Thaco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Khi chúng tôi vào thuyết phục anh Dương đến đầu tư tại Chu Lai, chị Hoa - vợ anh Dương đã khóc nhiều nhất. Chôn những thùng vàng dưới đất để bắt đầu cuộc sống nhưng lại phải móc chúng lên để đầu tư vào đây. 5 giờ sáng đã đi đến Quảng Nam xa xôi hẻo lánh, chính vai trò ấy của người vợ đã thúc đẩy vai trò người chồng thành công. Hôm nay, không chỉ cảm ơn Trần Bá Dương mà cả cảm ơn chị Hoa, vợ anh Dương nữa”.
15 năm trước, vào năm 2003, cũng tại chính địa điểm này, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, nhà máy đầu tiên tại khu kinh tế này.
“Năm 2003, Chu Lai là vùng đất nghèo, còn hoang sơ và Thaco chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh và sửa chữa ô tô tại Đồng Nai, bản thân tôi chỉ mơ ước là làm kinh tế cho gia đình và lo cuộc sống cho 300 anh chị em cộng sự. Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và tôi cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước. Có thể nói 15 năm Chu Lai là giai đoạn vươn mình trưởng thành của Thaco và cuộc đời doanh nhân của tôi”, ông Dương chia sẻ.
Thaco là một minh chứng sống động nhất về khả năng học hỏi, đổi mới, sáng tạo của người Việt, nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu ô tô của người Việt.
Trong 6.800 người của Thaco có tới hơn 80% là người ở Núi Thành (Quảng Nam), được tổ chức đào tạo theo kiểu vừa học vừa làm, bằng thực tiễn sinh động và sự huấn luyện của các chuyên gia trong và ngoài nước, có chế độ phúc lợi xứng đáng để giữ người.
Bằng con đường khác biệt, Thaco đã gỡ “4 nút thắt cổ chai” bằng cách tham gia thẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định chất lượng, giữ vững vị trí đứng đầu ngành ô tô Việt Nam và đang mở rộng thị trường khu vực ASEAN. Chiến lược của Thaco là đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các giải pháp tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thaco không tập trung xây dựng thương hiệu ô tô Việt Nam mà đi theo con đường liên doanh, liên kết với các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… để chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50% với các sản phẩm ô tô tải và 40% với xe bus.
Bốn phương thức nội địa hóa của Thaco là tự sản xuất, liên doanh liên kết nước ngoài, hợp tác với hơn 400 đơn vị sản xuất linh kiện nhỏ lẻ và giúp cho họ nâng cấp lên. Việc tập trung các nhà máy vệ tinh có nhiều cái lợi là bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, hiện Thaco hoàn toàn có cơ sở để tự sản xuất xe thương hiệu Việt Nam.
Cuộc chiến trên thị trường ô tô bất ngờ nóng trở lại với việc xuất hiện của VinFast với tổ hợp sản xuất ô tô 3,5 tỷ USD tại Hải Phòng, thâu tóm nhà máy GM Việt Nam, bắt tay nhận chuyển giao công nghệ với hàng loạt các thương hiệu ô tô hàng đầu, nhanh chóng cho ra lò 3 mẫu xe chỉ trong vòng 1 năm...
Không chỉ VinFast, các nhà đầu tư nước ngoài cũng để mắt tới thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam. Tập đoàn ô tô nổi tiếng của Nhật Mitsubishi Motors có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe nguyên chiếc, bao gồm cả sản xuất tại chỗ các chi tiết tại Việt Nam, đưa quốc gia này trở thành cứ điểm sản xuất mới để từ đó gia tăng xuất khẩu vào các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Trong cuộc cạnh tranh này, Trường Hải vẫn ở thế chủ động với những nước cờ riêng như tăng cường sản xuất (giai đoạn 1 của nhà máy Thaco Mazda với công suất 100.000 xe/năm khánh thành tháng 3/2018), đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng biển và logistics, tiếp tục nâng cấp quy mô showroom/đại lý trên cả nước lên con số 179 vào cuối năm nay.
Gia cố thêm hệ thống công nghiệp hỗ trợ là chìa khóa để Thaco hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm. Thông báo của tập đoàn Mazda Nhật Bản hồi tháng 10/2018 cho biết, chất lượng sản phẩm Mazda CX-5 được sản xuất tại nhà máy Thaco Mazda Chu Lai tương đương với chất lượng Mazda CX-5 sản xuất tại Nhật.
Chỉ khi gia tăng tỉ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, do đó, Trường Hải cũng đang gia tăng đầu tư tại các nhà máy sản xuất linh kiện nhựa, máy lạnh xe tải - xe bus, khung gầm xe bus, ống xả ô tô, xi-lanh thủy lực, mâm ô tô, thùng nhiên liệu ô tô, các linh kiện phụ tùng cho xe du lịch và các linh kiện cơ khí khác ngoài ngành ô tô.
Đồng thời cũng mở rộng sản xuất các thiết bị cơ khí nông nghiệp, xây dựng và thiết bị cơ khí công nghiệp khác. Thaco đã xuất khẩu được các dòng xe bus đầu tiên sang thị trường Thái Lan, Philippines, tiếp đến sẽ là Campuchia, Singapore và Đài Loan.
Đối với xe du lịch, Thaco đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu xe du lịch KIA Sedona sang thị trường Thái Lan và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN từ năm 2020. Với quy mô và thị phần hiện có, Trường Hải vẫn là cái tên sáng giá nhất cho vị trí dẫn đầu, ít nhất là trong vòng 3-5 năm tới mặc dù cuộc chiến ngày càng nóng bỏng hơn.
Chiến lược tập đoàn đa ngành
Thaco đang tiếp tục đầu tư xây dựng với định hướng tập trung vào việc chỉnh trang đô thị tại các địa phương như Đà Lạt, Bến Tre có giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế cao và là những công trình để lại dấu ấn trong tương lai cho địa phương.
Với triết lý kinh doanh “Mang lại giá trị cho khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ, đồng thời có đóng góp thiết thực cho nền kinh tế đất nước và địa phương thông qua hoạt động của mình”, Thaco tiếp tục đầu tư cẩn trọng vào những ngành kinh tế chiến lược của đất nước thông qua các dự án đầu tư đầy thách thức, tại những thời điểm khó khăn, ở những địa phương được xem là còn nghèo, chưa phát triển và kiên trì thực hiện một cách nghiêm túc như những gì đã cam kết và đề ra theo kế hoạch.
Thaco đang mở rộng quy mô thành một tập đoàn đa ngành trên mặt trận mới, đó là nông nghiệp sạch phục vụ trong nước và xuất khẩu. Với việc rót hơn 2.200 tỉ đồng vào Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), cái bắt tay giữa Thaco và HNG vừa là cái bắt tay chiến lược, vừa là tình bạn lâu năm giữa hai vị doanh nhân có cùng một tầm nhìn, cùng những sở thích, để giúp bầu Đức cơ cấu nợ, vực dậy nông nghiệp, hoàn thành dự án bất động sản.
Xây dựng chiến lược sản phẩm trái cây, nông sản quốc tế, đặc biệt là thị trường nông sản tại Trung Quốc… động thái của ông Trần Bá Dương khi triển khai trồng 3.000ha chuối trên cánh đồng của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, Thaco đang tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh trái cây và chủ yếu bán mạnh vào thị trường Trung Quốc.
Thaco cũng đang triển khai xây dựng trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38,6ha tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng với đầy đủ các phần mềm thiết kế, mô phỏng, tính toán động lực học và các máy móc thiết bị thử nghiệm cùng với đường thử lòng chảo và đầy đủ các loại đường địa hình dài 8km và một số các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô chính yếu.
Mở rộng đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư trong 5 năm.
Ngay trong năm 2019 sẽ xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm và tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín cho Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai tại vùng trồng ở Nam Lào, Tây Nguyên và là đầu ra ổn định cho nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung; Đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng…
Làm đúng, làm thật ngay từ đầu!
Không được đào tạo về ngành ô tô mà chỉ là một kỹ sư cơ khí nhưng khi ra trường về Đồng Nai, ông Dương lại được làm việc cho một công ty sửa chữa ô tô - chính cơ duyên ấy đã dẫn dắt ông đến với ngành ô tô. Để khởi nghiệp thành công, ngay từ đầu ông Dương phải học lại như một người thợ.
Ông nhấn mạnh đến tâm thế: Tâm tức là cái bên trong, thế là chuẩn bị cái gì để làm; nếu đủ hết các nguồn lực mà không có tâm cũng sẽ thất bại. Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một để bước vào đời… Chính quá trình dài ấy đã giúp Trần Bá Dương một lối tư duy khúc chiết, mạch lạc, để đúc kết thành những bài học quản trị sâu sắc.
Ông Dương cho rằng trong cuộc sống và kinh doanh, ai cũng có sai lầm nhưng để tồn tại và phát triển thì phải đúng nhiều hơn sai. Một trong những cái sai lớn nhất là sai về tâm thế vì khi công việc không như mong muốn sẽ rất dễ nản và mất tự tin; còn nếu sai do chưa hiểu hết thì sẽ học hỏi để cố gắng hiểu.
Trong quản trị, sự yêu thương đã được ông Dương lượng hóa từ chiến lược, triết lý, đưa ra quan điểm và tiêu chí về nhân sự một cách bài bản, khoa học để có được đội ngũ phù hợp, giúp họ xây dựng đức tính, thái độ làm việc tích cực bao gồm sự tận tâm, trung thực, liêm chính. Cùng với tình thương, phải có phương pháp quản lý mọi nhân sự đều có thể phát triển và thành đạt. Lãnh đạo một tập đoàn gần 20 ngàn nhân viên, cách quản trị vừa có tầm nhìn xa vừa rất chi tiết của ông đã được tích hợp thành nguyên lý riêng cho Thaco.
“Nếu có điều kiện làm việc chi tiết, truyền đạt được tư duy logic và tư duy tích hợp cho cộng sự thì bất cứ ngành nào, nghề gì cũng có công thức chung để áp dụng. Nếu không tư duy chi tiết làm sao phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng? Khi hội nhập, các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào thì làm sao chúng ta cạnh tranh với họ?
Tôi lấy một ví dụ: trong sản xuất, người Nhật nói rằng một trăm trừ đi một là số không, một ngàn trừ đi một cũng là số không, một triệu trừ đi một cũng là số không. Nên làm quy trình chi tiết, nhưng phải khoa học, để đúc kết thành chuẩn mực, sau đó nhân bản nó để làm tốt hơn, bảo đảm sự chuẩn mực cho sản phẩm và dịch vụ”, ông Dương nói.
Định nghĩa về thành công, ông Dương cho rằng đó là tùy góc nhìn của mỗi người nhưng trước tiên nó phải song hành với lợi ích của xã hội, khách hàng và hợp với yêu cầu của thời đại: “Muốn kinh doanh thành công, bạn phải luôn tạo được động lực cho chính mình, phải xác định kinh doanh là nghề, là nghiệp của mình, với niềm đam mê và ý chí mạnh mẽ.
Kinh doanh thành công là phải đạt được hai mục tiêu: Phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và có đóng góp cho xã hội. Kinh doanh phải dựa trên triết lý về giá trị, với cấp độ ban đầu là làm giàu chính đáng; cao hơn là mang lại giá trị cho khách hàng, cho cộng đồng xung quanh; cao hơn nữa là đóng góp về khoa học, công nghệ, làm thay đổi cuộc sống của nhân loại”.
Cùng với triết lý kinh doanh ấy, ông đã xây dựng tầm nhìn dài hạn và tầm nhìn khả thi cho Thaco, xác định mình là ai và định hướng phát triển trong từng giai đoạn, xây dựng chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thấy được sự thay đổi tất yếu của nền kinh tế Việt Nam và thế giới.
Phân kỳ chiến lược kinh doanh thành nhiều giai đoạn, bắt đầu từ một phân khúc trong chuỗi giá trị với quy mô phù hợp. Sau đó gia tăng quy mô theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị tại những thời điểm thích hợp. Triển khai chiến lược marketing và phát huy các nguồn lực quan trọng khác như tri thức và tài chính. Phát triển yếu tố khác biệt nhằm tạo năng lực cạnh tranh mạnh trong từng giai đoạn…
Tuy nhiên, để đáp ứng được chiến lược khác biệt, quản trị phải có phương pháp đặc thù, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh với sự sáng tạo, logic, khoa học. Từ đó giúp ông hình thành khả năng nắm bắt linh hoạt, khả năng ứng xử các vấn đề, kể cả khủng hoảng trong kinh doanh.
Mô hình không gian tri thức và không gian thực tiễn trong kinh doanh của Thaco đã đi đến ánh xạ tri thức, nghiên cứu nắm bắt các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh và hiểu được tri thức một cách đầy đủ, vận dụng sáng tạo.
“Kinh doanh là leo dốc, cái dốc mỗi ngày một cao hơn, khó hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải mỗi ngày rèn luyện, học tập từ môi trường thực tiễn, biết áp dụng các kinh nghiệm, nguyên lý một cách sáng tạo và giải quyết được những đòi hỏi trong kinh doanh. Đối với đất nước, chúng ta phải tạo ra hệ sinh thái, môi trường để khuyến khích tri thức trở thành nguồn lực thực sự. Thành công với tôi là phát triển doanh nghiệp không giới hạn, điều chỉnh, tìm kiếm những gì mình chưa có, loại bỏ những gì chưa và không cần thiết dù đó đã từng là thế mạnh của mình”, ông Dương nói.
Theo The Leader
Link bài gốc: https://theleader.vn/canh-chim-dau-dan-tren-vung-cat-trang-1577245688683.htm