Bên cạnh những nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ vốn vì áp lực vay ngân hàng vẫn có nhiều người rao tin không đúng sự thật.
Từ cuối tháng 3 đến nay, trên các trang giao dịch bất động sản (BĐS) xuất hiện ngày càng nhiều thông tin rao bán gấp chung cư, nhà phố, đất nền vì lý do “cắt lỗ”.
Cò đất, chủ sở hữu thường tự nhận họ chịu bán lỗ cả trăm triệu đồng vì khó khăn mùa dịch hoặc bán giá gốc để về quê trốn dịch. Tuy nhiên, không phải tin đăng nào cũng đúng sự thật.
Phần lớn là chiêu trò câu khách
Trong vai người mua, chúng tôi gọi vào số điện thoại đang rao bán căn hộ tại một dự án hạng sang trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Người bán đưa giá căn hộ là 5,6 tỉ đồng với hàng loạt thông tin hấp dẫn như “cắt lỗ, bán gấp giá rẻ”.
Người nghe máy là nhân viên môi giới tiếp tục quảng cáo: “Giá gốc căn này là 5,4 tỉ đồng. Sáu tháng trước chủ nhà mua lại giá 5,8 tỉ đồng, nay bán lỗ đến 200 triệu đồng rồi”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tiếp về các khoản thuế, phí thì người này cho biết người mua phải chịu. Tính ra số tiền người mua phải đóng thêm là gần 150 triệu đồng, cộng vào giá nhà cũng đã gần 5,8 tỉ đồng.
Anh Vĩnh Tiến, một nhà đầu tư BĐS, cho biết đây thực chất là hình thức cắt lời chứ người bán không lỗ. Dự án này lúc mở bán năm 2018 chỉ 48-50 triệu đồng/m2, còn hiện nay là 78-85 triệu đồng/m2.
“Với người bán trên nếu tính từ giá 5,4 tỉ đồng thì nay bán được gần 5,8 tỉ đồng là không lỗ. Đây chỉ là chiêu bán hàng trong mùa dịch để thu hút khách hỏi mua mà thôi” - anh Tiến nói.
Một người bán khác rao căn hộ 75 m2 thuộc dự án tại đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè với giá 2,5 tỉ đồng, lỗ 100 triệu đồng để thu hồi vốn. Tuy nhiên, khi chúng tôi thử tìm hiểu trên các trang mua bán khác thì cùng dự án, diện tích trên giá nhà cũng chỉ 2,45-2,5 tỉ đồng. Đáng nói là hồi tháng 10-2019, căn hộ tương tự chỉ có giá 2,35 tỉ đồng.
Đưa thông tin ảo thật hấp dẫn vẫn là chiêu trò mà nhiều nhân viên môi giới dùng để lấy thông tin, số điện thoại của khách hàng. Ông Minh Dũng (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc kể lại việc “bị lừa” khi đọc được thông tin nhà phố quận 12, một trệt, ba lầu giá chỉ 1,4 tỉ đồng. Đặc biệt, dự án này còn có sổ hồng riêng, diện tích 60 m2 và chủ nhà bán gấp do công ty phá sản vì dịch COVID-19. Thế nhưng khi ông gọi điện thoại hỏi thì nhân viên môi giới cho biết đây là 4-8 nhà chung một sổ, diện tích thật chỉ 16 m2.
“Có trường hợp khác là rao bán lỗ vốn đất TP.HCM nhưng khi gọi lại nói bán đất ở Long An, Đồng Nai. Đa số đều khác với tin rao ban đầu” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, hiếm hoi vẫn có trường hợp người bán chấp nhận bán lỗ vốn thật. Trường hợp này chủ yếu là những sản phẩm căn hộ mới, nhà chưa hình thành. Đơn cử như anh Tấn Quốc vừa mua căn hộ tại đường Phạm Văn Đồng (Bình Dương) hồi đầu năm 2019 với giá 2,6 tỉ đồng. Nay anh bán lại giá 2,55 tỉ đồng, chịu lỗ 50 triệu đồng.
“Tôi chỉ mới đóng hơn 20% giá trị căn hộ, còn lại vay ngân hàng nên áp lực khá lớn. Nay mùa dịch, công ty ít có đơn hàng nên giảm lương cả hai vợ chồng. Vì vậy tôi phải bán lỗ vì không đủ khả năng gánh lãi vay” - anh Quốc chia sẻ.
Giá bất động sản có thể giảm 2%-3%
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Việt An Hòa, giao dịch trên thị trường từ đầu năm đến nay giảm mạnh. Từ tết Nguyên đán đến nay hiếm thấy dự án nào tăng giá bán, chủ yếu là giữ nguyên giá.
Đa số các tin rao bán hiện nay đều câu khách bằng chiêu “bán giá thấp hơn thị trường, cắt lỗ, phá sản vì dịch bán rẻ” nhưng thực chất giá không thay đổi nhiều. Chỉ có một số trường hợp rất ít (khoảng 20%-30%) các nhà đầu tư bán ra chấp nhận giảm giá 2%-3% so với giá thị trường.
Lý do giá giảm không nhiều là vì thị trường BĐS có những đặc điểm riêng. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, người mua từ đầu đã dự đoán cơ cấu tài chính và giá cả từ cuối năm 2019. Họ dự đoán được năm 2020 sẽ khó khăn.
“Cộng thêm sự ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà đầu tư chuyên nghiệp đã dự liệu được độ chờ của giá nên họ có thể chờ đợi 6-9 tháng, thậm chí đến hết năm nay mới bung hàng” - ông Quang nói.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư không chuyên, mua sang tay, lướt sóng ngắn hạn, dự trù xoay vòng vốn trong sáu tháng để kiếm lời thì sẽ bắt buộc phải bán ra.
Ông Quang cho rằng áp lực vay ngân hàng đến 70%-80% giá trị BĐS sẽ khiến nhà đầu tư phải bán thấp hơn 2%-3% để cắt áp lực trả. Tình hình này có thể kéo tới tháng 9 và tương đối có lợi cho người mua.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, cho thuê và phân khúc cao cấp. Các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực sẽ không ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, hiện tượng bán ra, cắt lỗ sẽ xuất hiện ở một số phân khúc sản phẩm bị ảnh hưởng nặng với các nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, vay ngân hàng nhiều.
“Thị trường lúc này người bán khó mà người mua cũng khó. Khi dịch bệnh chưa được khống chế sẽ có ít ngân hàng dám cho vay hay thẩm định giá, người mua sẽ khó tự chủ tài chính vì hầu như các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đình trệ. Lúc này chỉ là cơ hội cho những nhà đầu tư, người muốn mua nhà có tiền mặt sẵn” - ông Hiếu dự đoán.
Ông cũng cho rằng nếu hết quý II-2020 dịch bệnh chưa được đẩy lùi thì thị trường sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo nhiều hơn, giá sẽ giảm mạnh hơn nữa.
QUANG HUY
Theo PLO