Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cây dại bao trùm biệt thự gần 100 tuổi bỏ hoang ở Sài Gòn

21/10/2018 12:34

Sau hơn 2 năm phải dừng tháo dỡ, căn biệt thự gần 100 tuổi chủ nhân từng rao bán 35 tỷ tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, bị bỏ hoang, cây, cỏ dại bao kín toàn bộ căn nhà.

Sau hơn 2 năm phải dừng tháo dỡ, căn biệt thự gần 100 tuổi chủ nhân từng rao bán 35 tỷ tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, bị bỏ hoang, cây, cỏ dại bao kín toàn bộ căn nhà.

Căn biệt thự gần 100 tuổi ở Nơ Trang Long bị bỏ hoang hơn 2 năm qua trở nên u ám khi bị cây, cỏ dại bao trùm. Bên trong chỉ còn lại các bức tường rêu phong, khung cảnh u ám.

Căn biệt thự số 237, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM được xây dựng năm 1920, thuộc dạng biệt thự cũ kiến trúc của Pháp. Cuối tháng 6/2016, ngôi nhà này bị chủ sở hữu mới thuê người lén lút phá bỏ. (Ảnh trước và sau khi đơn vị thi công đập bỏ). Ảnh: H.A

Vào thời điểm đó, khi các công nhân đang tháo dỡ phần mái, các gờ trang trí thì bị phát hiện, ngay sau đó UBND quận Bình Thạnh yêu cầu ngừng thi công. Từ đó đến nay, căn biệt thự bị bỏ hoang, cây cỏ dại dần dần bao trùm toàn bộ.

Biệt thự gần trăm tuổi có diện tích được công nhận là 443 m2, ngang 18 m, dài 30 m. Năm 1990, ông Lê Thanh Công (82 tuổi) mua lại. Do đang có tranh chấp nên việc duy trì bảo dưỡng không được thực hiện, ngôi nhà có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.

Phần mái của hiên nhà, phòng khách các kiến trúc, ngói bị tháo dỡ chỉ còn trơ khung kèo, xà ngang bằng gỗ mục nát.

Ngoài 1 phòng khách, căn biệt thự có 4 phòng ngủ và khu phụ phía sau là nhà bếp, nhà ở cho người giúp việc. Phần diện tích này chỉ còn những bờ tường xung quanh và ngăn các ô phòng. Bên trong cây, cỏ dại phủ xanh phần lớn không gian.

Kiến trúc rõ nét nhất để nhận ra căn biệt thự sau hơn 2 năm bị phá bỏ dở dang là hành lang và hiên mặt tiền. Dù nhiều gờ trang trí bị tháo dỡ mang đi nhưng nhiều nét thiết kế, họa tiết trang trí đẹp còn sót lại vẫn ẩn hiện giữa những lùm cây.

Chóp mái hiên nhô ra theo mô típ kiến trúc biệt thự cổ thời Pháp chưa bị phá bỏ. Tuy nhiên, với nhiều hạng mục, kết cấu bị xuống cấp, việc khôi phục, việc trả lại hiện trạng ban đầu là rất khó.

Bờ tường, cột, các họa tiết trang trí hai bên căn nhà còn chưa bị đập bỏ nhưng phần lớn bị những cây trứng cá xum xuê bao phủ.

Một vài cánh cửa sổ bằng gỗ của các phòng ngủ, bếp đóng mở đã bị bám màu thời gian và nắng mưa. Dàn phù điêu hình đèn dầu dưới chân xung quanh căn nhà còn nguyên vẹn.

Tuy nhiều phù điêu trang trí gắn trên tường bị chủ sở hữu gỡ ra, mang đi nhưng một số họa tiết trang trí tinh xảo vẫn rất rõ nét còn tồn tại với khung biệt thự.

Nhìn từ phía sau, căn nhà được đánh giá là một trong những biệt thự đẹp nhất ở khu ngã 5 Bình Hòa của Sài Gòn xưa, nay đã không còn hình dáng của nó.

Hàng loạt thanh xà gác mái hiên và hành lang vắt vẻo, chờ rơi rụng theo thời gian.

Sau khi bị yêu cầu ngưng phá dỡ, nhiều thanh xà gỗ bị bỏ gác lên những bức tường nứt nẻ hoặc chất thành đống bên trong khu đất.

Những bức tường phần phụ phía sau vừa bị đập bỏ hoàn toàn vừa đang đập dở. Những viên gạch được sản xuất gần 100 năm trước bị chất thành đống.

Do bị cây cối, cỏ dại bao trùm, bờ tường riêu phong nên khung cảnh bên trong khá ghê rợn.

Công trình phụ phía sau được chủ cũ lúc còn ở ốp gạch.

Sau gần 2 năm bỏ hoang, số nhà căn biệt thự vẫn còn hiện hữu ngay giữa chiếc cổng sắt với 2 giây xích khóa chắc chắn. Theo người dân bên căn nhà, do lâu ngày cây cỏ mọc um tùm nên khu vực này xuất hiện rất nhiều muỗi, bên trong họ còn thấy xuất hiện cả rắn, bọ cạp, không ai dám vào.

Khuôn viên mặt tiền căn nhà lâu nay bị nhiều người vứt các loại rác, lâu ngày chất thành đống.

Vị trí căn biệt thự ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Google Maps.

Vào cuối năm 2015, chủ căn biệt thự rao bán với giá 35 tỷ đồng nhưng không có ai mua. Sau đó ngôi nhà được một người ngụ thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương mua với giá thấp hơn. Khi chủ mới cho phá bỏ, tháo dỡ nhiều hạng mục thì bị phát hiện.

Tháng 5/2017, chủ hiện sở hữu ngôi nhà gửi đơn đến Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị xem xét, tháo dỡ phần tường còn lại nhưng không được chấp nhận do đây là công trình kiến trúc thuộc nhóm 1 (phải bảo tồn) phải được giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong.

Lê Quân

Theo Zing