Ông Phạm Văn Tam, CEO của Tập đoàn Asanzo cho biết khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, doanh nghiệp rơi vào thế "không thể bán hàng" vì đại lý, siêu thị đều "quay lưng".
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết, doanh nghiệp đang rơi vào thế khó. Trong lúc đợi kết quả từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp không thể tiếp tục bán hàng.
Các đại lý, siêu thị đều "không dám" trưng bày cũng như nhập sản phẩm của Asanzo. Doanh nghiệp đã mất hơn 80% doanh số so với bình thường, thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng, thị phần bị giảm sút nghiêm trọng.
"Chúng tôi không có cơ hội để bán hàng. Vì vậy, tôi phải đi đến quyết định tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng", ông Tam nói.
Việc tuyên bố tạm dừng hoạt động nhằm tiết kiệm một phần lớn chi phí để nhằm duy trì hoạt động của bộ phận bảo hành.
"Trước đây công ty có rất nhiều cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, sau “bài báo đầu tiên cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ”, cứ mỗi ngày chúng tôi phải chi ra ít nhất 1 tỉ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác", ông Tam cho biết.
Ông Tam nhận định, nếu có kết luận từ phía cơ quan chức năng thì sẽ phải mất 2 năm để Asanzo khôi phục lại thương hiệu cũng như doanh số.
Ông Tam chia sẻ, để xây dựng được thương hiệu Asanzo như ngày nay, doanh nghiệp đã phải bỏ ra hàng nghìn tỉ cho các chiến lược truyền thông và nắm giữ thị trường. Thời gian đầu thậm chí, công ty xác định bán hàng lỗ để có được thị trường.
Vì vậy, dù mất thời gian dài để khôi phục lại Asanzo, ông Tam cho biết sẽ vẫn tập trung cho thương hiệu này.
"Chúng tôi có những cái khác để làm ngoài Asanzo. Nhưng để xây dựng một thương hiệu mới không phải dễ. Asanzo cũng đã được người tiêu dùng biết đến rồi, nên tôi nghĩ đầu tư để khôi phục lại Asanzo sẽ nhanh hơn là bắt đầu lại với một cái mới", vị CEO này chia sẻ.
Đối với hàng tồn kho của doanh nghiệp, ông Tam cho biết, tivi là mặt hàng không phải thay đổi liên tục như điện thoại, máy tính nên trong thời gian vài tháng, nguy cơ lỗi mốt là không đáng ngại. Hơn nữa vì Asanzo nhắm vào đối tượng khách hàng bình dân nên sản phẩm của doanh nghiệp cũng không đòi hỏi phải thay đổi liên tục.
Hiện này, do sự việc của Asanzo liên quan đến nhiều bộ ngành nên kết quả cuối cùng còn chưa thể thống nhất. Song doanh nghiệp này bày tỏ hi vọng sớm cho kết luận cuối cùng để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất kinh doanh.
Ngày 30.8, tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố biên bản làm việc và những nhận định cho rằng các sản phẩm điện tử của Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu nước ngoài được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là đúng quy định pháp luật, cụ thể là quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hoá.
Và căn cứ là các quy định về xuất xứ hàng hoá quy định tại các Nghị định 19 và Nghị định 31 của Chính phủ.
Theo Phạm Dung
Lao động