Sự quyết đoán, trí tuệ và khiêm nhường là những từ người ta miêu tả về Susan Wojcicki - Giám đốc điều hành của YouTube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới trực thuộc “gã khổng lồ” Google. Susan Wojcicki từng được tạp chí Time vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất mạng internet.
Từ bà chủ cho thuê nhà trở thành giám đốc marketing của Google
Susan Wojcicki sinh ra và lớn lên tại Thung lũng Silicon, bang California – nơi được coi là "thánh địa" công nghệ thế giới. Thay vì vào làm việc tại viện nghiên cứu theo ý nguyện của cha mẹ bởi Susan Wojcicki xuất thân trong gia đình có thiên hướng học thuật, cha là trưởng khoa Vật lý tại Đại học Stanford, mẹ là giáo viên báo chí trường trung học thì bà lại lựa chọn con đường kinh doanh và công nghệ.
Là một trong những tên tuổi có sức ảnh hướng lớn nhất tại Google cùng với 2 nhà sáng lập, người phụ nữ này luôn chọn cho mình lối sống giản dị, ít ồn ào và cống hiến thầm lặng. Ít ai biết rằng "bà trùm" giới công nghệ tốt nghiệp loại ưu Đại học Harvard chuyên ngành Lịch sử và Văn chương. Sau đó, Susan Wojcicki mới tiếp tục học thêm hai bằng thạc sĩ Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh tại Đại học California.
Susan Wojcicki gia nhập Google từ năm 1999 với vai trò đầu tiên là giám đốc marketing, chịu trách nhiệm về các chiến dịch tiếp thị của Google từ "giai đoạn trứng nước". Bà cũng chính là người đã cho Larry Page và Sergey Brin, khi đó vẫn còn là những sinh viên khởi nghiệp thuê lại hầm để xe làm văn phòng phát triển công cụ tìm kiếm.
Trong những ngày đầu tiên thành lập, ngân sách marketing ở con số không, Susan đã tự thân đến từng trường đại học đề xuất tích hợp thanh tìm kiếm Google vào website của họ. Không quá khi nói, Google có lẽ sẽ không tồn tại nếu không có sự trợ giúp của Wojcicki. Bà là người đã châm ngòi cho sự lan truyền của Google trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến toàn cầu.
Với tài trí của mình, năm 2002, Susan bắt đầu đẩy mạnh các sản phẩm quảng cáo, phát triển Google Analysis và khiến Google Adsense được coi là nguồn thu lớn thứ 2 của công ty. Đến năm 2006, chỉ sau vài năm Susan đã có công lớn trong thương vụ mua lại Youtube với giá 1.65 tỷ USD và DoubleClick trị giá 3.2 tỷ USD. Đây cũng là hai thương vụ kinh doanh lớn nhất trong lịch sử của Google kể từ khi thành lập phát triển.
Trong suốt 12 năm dẫn dắt, Susan Wojcicki đã tiên phong và có thành công đáng kinh ngạc, định hướng tầm nhìn đưa Google, cùng với Youtube trở thành những công cụ "hái ra tiền" .
Người phụ nữ quyền lực nhất Internet
Không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của nữ CEO bản lĩnh xuất thân từ Thung lũng Silicon, tạp chí Time đã vinh danh Susan Wojcicki là người phụ nữ quyền lực nhất Internet vào năm 2015. Bà cũng đứng vị trí thứ 6 trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, theo đánh giá của Forbes.
"Tôi cảm thấy bản thân không có gì thay đổi so với trước đây, khi còn là sinh viên hệ học bổng của trường Đại học Santa Cruz. Nhưng thế giới đã thay đổi từng ngày. Tôi tốt nghiệp năm 1993, khi đó Internet chỉ mới là một dự án nghiên cứu của chính phủ. Ngày nay, Internet có hơn 3 tỷ người dùng trên toàn cầu và mỗi tháng, có hơn 1,5 tỷ người dùng truy cập vào Youtube – trang web mà tôi đang điều hành", CEO Youtube chia sẻ.
Là người đứng đầu tất cả các sản phẩm quảng cáo của Google, Susan đã giúp doanh thu quảng cáo của "gã khổng lồ tìm kiếm" tăng lên đáng kinh ngạc mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2013, doanh thu của Google tăng thêm 43 tỷ USD, kéo cổ phiếu công ty tăng gần 50% so với năm trước. Dưới sự dẫn dắt của nữ CEO, trang video Youtube đến nay được định giá lên tới 90 tỷ USD và trở thành nền tảng video phổ biến nhất thế giới với hàng tỷ người dùng. Susan Wojcicki cũng đang thắt chặt các chính sách về bản quyền và video mang nội dung công kích, cực đoan, bạo lực.
Sự thống trị của Youtube nói riêng và Google nói chung được đánh giá sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.
Mưu trí và tài thao lược trong kinh doanh
Xuất hiện tại Hội nghỉ thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu của Forbes, thảo luận về hành trình trở thành một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới, nữ CEO Youtube đã chia sẻ: "Chắc chắn có rất nhiều khó khăn và bài học lãnh đạo trong suốt hành trình khởi nghiệp của bạn nhưng đừng bao giờ tử bỏ, xác định tầm nhìn với quãng đường bạn muốn đi".
"Tôi cũng đã có rất nhiều những thất bại", Wojcicki thẳng thắng thừa nhận thách thức đầu tiên chính là khi Google đưa ra nhiệm vụ phát triển về video. "Lúc đó, chúng tôi đang cạnh tranh khốc liệt với Youtube. Chúng tôi nhận ra rằng dù có rất nhiều ý tưởng hay, làm rất nhiều điều tốt nhưng Youtube vẫn chiến thắng". Do đó, Wojcicki đã liều lĩnh thực hiện bước tiến lớn là thu mua Youtube với giá 1.65 tỷ USD, đưa ra định hướng phát triển cho Youtube trong tương lai thay vì phải tìm cách cạnh tranh với đối thủ trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Chỉ sau 1 ngày chuẩn bị, Wojcicki đã phát triển và trình bày kế hoạch thâu tóm Youtube trước ban điều hành của Google. Kết quả, YouTube đã thuộc về Google. Đó chính là sự quyết đoán, khôn ngoan và mưu lược của nữ CEO đầu tiên trong lịch sử Google. Nếu không đánh bại được thì phải thâu tóm!
"Bạn sẽ nhận ra rằng đến một thời điểm nào đó cần phải thay đổi chiến lược hoặc là công ty của bạn sẽ không hoạt động, đổi lại bạn cũng sẽ nhận được nhiều ý kiến phản đối từ ban lãnh đạo vì sự mạo hiểm. Nhưng quan trọng là phải nắm bắt thời cơ và chấp nhận rủi ro, càng sớm thực hiện chiến lược thì khả năng đi đúng hướng càng cao".
"Khi họ nghi ngờ và phản đối kế hoạch của mình, tôi nhận ra rằng khi ở vị thế càng cao trong một tổ chức nào đó thì càng phải tích cực lắng nghe phản hồi. Đó có thể không chỉ là ý kiến đóng góp mà cả những sự chỉ trích", CEO Susan Wojcicki nói.
Người mẹ "phi thường" của 5 đứa con
Susan Wojcicki không chỉ là người phụ nữ quyền lực mà còn rất phi thường. Đúng vậy! Làm cách nào một người phụ nữ có thể vừa tham gia điều hành cả một tập đoàn lớn vừa làm mẹ của 5 đứa trẻ?
Việc làm mẹ không hề ngăn cản Wojcicki tạo ra những thành tựu mang tính cách mạng và tiên phong cho Google hay Youtube mà công việc cũng không làm người phụ nữ này suy giảm sự quan tâm, chăm sóc dành cho các con. Susan Wojcicki là người ủng hộ sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Google dành hẳn 18 tuần nghỉ phép thai sản cho nữ nhân viên nhờ sự tác động của Susan Wojcicki. "Chúng tôi muốn giữ chân nhân viên của mình và cho họ thấy rằng Google quan tâm đến nhân viên, muốn họ được đảm bảo cơ hội việc làm trong giai đoạn nghỉ thai sản".
Thay vì lao vào làm việc thêm giờ, Susan thật sự tuân thủ lịch làm việc giống như những nữ doanh nhân công sở bình thường khác; đi làm đúng giờ và trở về nhà vào lúc 6 giờ tối để chuẩn bị nấu nướng cho gia đình và chăm sóc con cái. Đó cũng là cách Susan giữ lửa hạnh phúc gia đình.
Đằng sau sự thành công của nữ CEO xuất thân từ thung lũng Silicon là những bài học quý giá, sự cống hiến thầm lặng của một người phụ nữ, cũng là người vợ, người mẹ của gia đình. Susan Wojcicki có tầm nhìn và khả năng sáng tạo truyền cảm hứng cho những người muốn khởi nghiệp và khát vọng thành công.
Theo Nguyễn Nguyễn/ Trí Thức Trẻ