CEO Đại Việt: "Sang trọng không đến từ hào nhoáng, mà từ suy nghĩ đạo đức"

28/03/2019 09:05

Không đặt mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, ông Ngô Xuân Mạnh mong muốn "thổi linh hồn, ươm cốt cách" cho sản phẩm để thương hiệu Việt có thể đứng trên bản đồ thế giới.

Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh Đại Việt là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực làm mát và xử lý nước với hàng loạt thương hiệu máy làm mát Daikio, Nakami, máy lọc nước Daikiosan, Makano ở nhiều phân khúc khác nhau.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, người đứng sau cơ ngơi hàng nghìn tỷ đồng này từng là một cậu bé nông thôn, gia cảnh khốn khó, phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, từ bán kem, buôn đồ lót đến kinh doanh máy lạnh. Song nhờ triết lý kinh doanh khác biệt, doanh nhân Ngô Xuân Mạnh - CEO Đại Việt từng bước thành công và tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Đưa "linh hồn, cốt cách" vào từng sản phẩm

Người ta nói nhiều về cái chất của thương hiệu nhưng ít ai nói tới linh hồn của một sản phẩm. Tại sao một sản phẩm làm từ những nguyên vật liệu vô tri lại được nói đến như một "thực thể sống”? CEO Ngô Xuân Mạnh cho rằng, người khởi nghiệp đều mong muốn lớn mạnh, song nếu sản phẩm không để lại dấu ấn, liệu ai sẽ nhớ đến họ khi thị trường luôn sôi động và có nhiều người tài giỏi.

Không bằng lòng với việc doanh thu Đại Việt ổn định và tăng theo từng năm, CEO Ngô Xuân Mạnh còn muốn xây dựng một thương hiệu khiến người tiêu dùng phải tự hào và cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra. Xa hơn, vị doanh nhân còn muốn đưa thương hiệu Việt lên bản đồ thế giới và chỉ có linh hồn của thương hiệu, cốt cách của sản phẩm mới làm được điều đó. Chiến lược "thổi linh hồn, ươm cốt cách" cũng ra đời từ những trăn trở này.

​"Đó là giá trị đạo đức và nguyên tắc kinh doanh, là hình ảnh Đại Việt trong mắt người tiêu dùng. Sang trọng không đến từ hào nhoáng, mà từ suy nghĩ đạo đức", doanh nhân đúc kết.

Nhân sự - vấn đề cốt lõi của mỗi doanh nghiệp

​Mấu chốt của sự phát triển và quyết định thành công của một doanh nghiệp là con người. Bởi theo ông, nếu muốn mang đến một sản phẩm có tính hữu ích cao hay theo tinh thần thương hiệu, bước đầu tiên phải hướng tới là xây dựng kế hoạch đào tạo nhân sự và chiêu mộ nhân tài.

Không chọn những nhân sự có nhiều kinh nghiệm, Đại Việt sẵn sàng tuyển dụng sinh viên mới ra trường và chấp nhận dùng nhiều năm để đào tạo bởi họ vẫn là "tờ giấy trắng", mang trong mình nhiệt huyết và hoài bão, đồng thời chưa bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc, thói lười nhác mà nhiều bạn trẻ sau khi ra đường đi làm vài năm mắc phải.

Đối tác - cánh tay phải của doanh nghiệp

Việc chọn đối tác, hệ thống phân phối cũng được công ty chú trọng như một chiến lược lâu dài. "Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng phải có nguyên tắc khi chọn đối tác giống như một quốc gia có thể chế luật pháp. Công ty và hệ thống phân phối cũng giống như một bộ máy nhà nước", ông Mạnh nói.

CEO Đại Việt: Sang trọng không đến từ hào nhoáng, mà từ suy nghĩ đạo đức - Ảnh 1.

Theo CEO, doanh nghiệp không đánh đổi, hạ thấp tiêu chí để có nhiều đại lý, nhà phân phối. Ảnh: Hữu Khoa.

Theo ông, nhà phân phối cũng giống như "cánh tay phải", giúp kết nối doanh nghiệp với khách hàng, mang hình ảnh, thương hiệu công ty đến với người tiêu dùng. Đó là lý do Đại Việt chỉ chọn 7.500 điểm bán và 3.500 đại lý chính thức ký hợp đồng dài hạn trong khi thị trường Việt Nam có tới hơn 20.000 điểm bán, đại lý.

​​Tại Đại Việt, tất cả đại lý được lựa chọn đều phải ký cam kết làm đúng quy định các tiêu chí đưa ra, để đảm bảo các chuẩn mực trong kinh doanh, xây dựng hình ảnh đẹp với người tiêu dùng.

Chiến lược chinh phục khách hàng

Để phát triển, truyền thông cũng là hoạt động quan trọng song đội ngũ lãnh đạo tâm niệm, nguyên tắc đầu tiên trong việc xây dựng hình ảnh của Đại Việt là không nói sai sự thật, không scandal. Các hình ảnh truyền thông của Đại Việt trước công chúng đều chân chất mộc mạc và không sử dụng đại sứ thương hiệu bằng hình ảnh cá nhân gắn với hình ảnh sản phẩm của mình.

Để làm điều đó, công ty luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và cố gắng vượt qua cả tiêu chí ban đầu. Giá thành sản phẩm phải phù hợp với chất lượng cũng như túi tiền của người dân. Sản phẩm đưa ra thị trường cũng cần có tính ứng dụng thật sự, người thật việc thật.

Những trải nghiệm của khách hàng sẽ là "nhân chứng sống" cho uy tín của công ty, giúp lan tỏa thương hiệu đến nhiều người hơn.

CEO Đại Việt: Sang trọng không đến từ hào nhoáng, mà từ suy nghĩ đạo đức - Ảnh 2.

Dự án Ngày Nước Tái Sinh mang máy lọc nước Daikiosan đến các trường học vùng biên giới tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước trong những ngày xuân 2019 vừa qua.

Bên cạnh đó, công ty luôn hướng đến hình ảnh mang đậm tính nhân văn, gắn liền với các chương trình thiện nguyện, mang tính cộng đồng. Trong năm 2019, Đại Việt dự định chi khoảng 20 tỷ đồng thực hiện dự án "Ngày Nước Tái Sinh, tài trợ máy lọc nước cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, dự án "Cõng điện lên bản" của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh…

"Với số tiền chúng tôi dành cho các dự án từ thiện, tôi tin nếu dùng để đầu tư vào truyền thông thương hiệu thì sẽ mang lại lợi ích cao hơn. Nhưng chúng tôi muốn đi một hành trình ý nghĩa. Nếu chỉ có sự ấn tượng bên ngoài mà không có tính sâu sắc bên trong, thì khác nào một người chỉ có bề ngoài đẹp đẽ nhưng đầu óc trống rỗng và trái tim vô cảm.

Khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, bạn phải cho họ tự hào vì đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước bằng nghĩa vụ nộp thuế hay các hoạt động đóng góp cho cộng đồng”, CEO Đại Việt chia sẻ.

Theo Nhịp sống kinh tế