Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO Dh Foods: “Ông trùm gia vị Việt” khởi nghiệp ở tuổi 50, doanh nghiệp tăng trưởng 50% bất chấp đại dịch

15/09/2021 13:09

Đại dịch Covid-19 đã bao phủ một tấm màn đen tối lên kinh tế toàn cầu. Nguồn cung ứng bị đứt gãy khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Trong khi đó, Dh Foods - một startup trong ngành thực phẩm Việt vẫn đang duy trì đà tăng trưởng 50%/năm.

“Ông trùm gia vị” và tham vọng đưa gia vị Việt ra thế giới

CEO của Dh Foods – ông Nguyễn Trung Dũng được người trong ngành biết tới với biệt danh “ông trùm gia vị” không chỉ bởi ông đã chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này mà còn bởi tâm huyết và tình yêu của ông với gia vị Việt.

Doanh nhân Nguyễn Trung Dũng. Nguồn: Internet.

Doanh nhân Nguyễn Trung Dũng. Nguồn: Internet.

Sau 30 năm sinh sống ở Ba Lan, ông Nguyễn Trung Dũng quyết định trở về Việt Nam sau khi đã nếm trải đủ những thành công và thất bại ở xứ người. Vốn là một chàng trai học chuyên toán, được sang Đông Âu đào tạo theo diện du học sinh, ông Dũng đã từng được biết tới là người khởi xướng phong trào kinh doanh mì gói ở Ba Lan.

Những năm bôn ba ở các nước châu Âu, ông Dũng rất thấm thía sự quý giá của gia vị Việt ở nước ngoài. Ông chia sẻ: “Tôi rất nhớ món ăn, gia vị Việt Nam. Vì vậy, mỗi lần nhận được món quà như gói gia vị, chai nước mắm, hũ cà pháo… từ bạn bè, người thân gửi tặng, tôi đều quý chúng như vàng. Sau này, bắt đầu có người nhập các gia vị Việt qua bán nhưng có khi phải đi vài trăm cây số để mua được. Rồi đến khi các hệ thống siêu thị mở ra, có bán các gia vị châu Á, nhưng chủ yếu vẫn là gia vị Nhật Bản, Thái Lan, gia vị Việt Nam vẫn còn rất ít”. Đó là lý do khiến ông ấp ủ ý tưởng một ngày nào đó sẽ đưa những gia vị tự nhiên, sạch và tiện dụng của người Việt ra khắp thế giới, giúp những Việt kiều tại nước ngoài có bữa ăn ngon hơn và hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, khi trở về nước vào năm 2010, ông Dũng nhận thấy rằng các loại gia vị mà ông từng mong nhớ đã rất khác xưa, có nhiều sản phẩm sử dụng phẩm màu, chất bảo quản nhân tạo và hương liệu. Các phụ gia đó đã làm mất đi mùi vị mộc mạc tự nhiên của các món ăn đã gắn liền với thời thơ ấu của ông.

Trong những lần đi khắp Bắc – Nam, ông Dũng nhận thấy gia vị Việt vô cùng phong phú và đặc sắc; mỗi vùng miền lại có một loại gia vị đặc sản riêng, mang đậm nét đặc trưng của vùng đất ấy; song tiếc thay, các loại gia vị này lại chưa được sản xuất chuyên nghiệp và bán rộng rãi. Chính những điều này đã thôi thúc ông Dũng – lúc đó đã ngoài 50 tuổi - một lần nữa khởi nghiệp với Dh Foods.

Hiện nay, Dh Foods đã được biết tới rất nhiều sản phẩm nổi tiếng về gia vị truyền thống của người Việt, mang đặc trưng của nhiều vùng miền trải rộng từ Bắc tới Nam như muối tôm, muối ớt Tây Ninh, muối ớt chanh Nha Trang, gia vị phở, gia vị Tây Bắc, gần 40 loại mắm đặc sản miền Tây và các loại rau củ ngâm hoàn toàn không sử dụng bột ngọt…

CEO Dh Foods: “Ông trùm gia vị Việt” khởi nghiệp ở tuổi 50, doanh nghiệp tăng trưởng 50% bất chấp đại dịch  - Ảnh 1

Sau 8 năm, dưới sự dẫn dắt và định hướng tài tình của CEO Nguyễn Trung Dũng, Dh Foods đã đạt doanh thu 100 tỷ, lợi nhuận ròng khoảng 10%, 5 năm gần nhất tăng trưởng trung bình 50%/năm bất chấp dịch bệnh. Các sản phẩm của công ty có độ phủ sóng rộng: không chỉ xuất hiện tại hầu hết các siêu thị lớn nhỏ hay các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức, Nga, Hàn Quốc, Hà Lan… Trong đó, riêng thị trường Nhật và Hà Lan đã có mức tăng trưởng ấn tượng: từ 30-50% mỗi năm.

Lời khuyên dành cho những người đang “ôm mộng” khởi nghiệp ở bất kì độ tuổi nào

Ông Dũng chia sẻ: trong kinh doanh, dù có dày dạn kinh nghiệm tới đâu, người ta cũng rất dễ đi vào “vết xe đổ” cũ; do đó, nếu muốn khởi nghiệp thành công, hãy luôn luôn lắng nghe ý kiến của đối tác và người tiêu dùng, đồng thời liên tục thảo luận trong nội bộ công ty về tính khả thi lâu dài của từng sản phẩm.

CEO Dh Foods: “Ông trùm gia vị Việt” khởi nghiệp ở tuổi 50, doanh nghiệp tăng trưởng 50% bất chấp đại dịch  - Ảnh 2

Từ những bước khởi đầu chập chững cho đến khi đã trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường, Dh Foods vẫn là một công ty rất “khiêm tốn” với nhân sự gọn nhẹ, ngoài dây chuyền sản xuất thì kho, logistics, thiết kế, công bố sản phẩm tới đăng kí thương hiệu đều… đi thuê. Theo ông Dũng, điều quan trọng khi bắt đầu khởi nghiệp là phải đăng ký sở hữu trí tuệ ngay, đừng đợi tới khi có doanh số hay chỗ đứng trên thị trường, bởi tới lúc đó thì thương hiệu của bạn có thể đã bị người khác lấy mất rồi.

Từ kinh nghiệm của Dh Foods, vị CEO này cho rằng để một sản phẩm thành công, được người tiêu dùng đón nhận thì chất lượng là điều quan trọng hơn cả. Thay vì tập trung vào bao bì và hình thức, hãy đầu tư nhiều hơn vào chất lượng sản phẩm; ví dụ như: bao bì thì nên chọn loại đa năng, chỉ cần thay tem dán là có thể dùng cho nhiều sản phẩm được…

Để một sản phẩm startup đứng vững trên thị trường, ngay từ đầu, bạn cần định vị chất lượng, tạo ra sự khác biệt, riêng có với các sản phẩm cùng dòng. Chẳng hạn như Dh Foods đã chọn con đường không sử dụng chất bảo quản nhân tạo, không dùng màu tổng hợp hay hương liệu hoá học trong các sản phẩm của mình.

Đối với cá nhân ông Dũng, những sản phẩm của Dh Foods chính là tâm huyết, niềm tự hào và hứng thú vô tận của ông; bởi vậy, ông luôn đòi hỏi cao ở các sản phẩm của mình: đó phải là một sản phẩm sạch, an toàn, tiện dụng và giữ nguyên thương vị truyền thống vốn có. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi khởi nghiệp, hãy chọn sản phẩm mà bạn yêu thích, bởi con đường khởi nghiệp là không hề dễ dàng mà luôn gập ghềnh, chông gai, chỉ có niềm tin và tình yêu đối với sản phẩm mới giúp bạn vượt qua được.

Sau nhiều lần thất bại trong kinh doanh, ông Dũng chia sẻ, để tránh tổn thất tối đa thì nên bắt đầu một cách chậm rãi và cẩn trọng, làm việc với thái độ nghiêm túc nhất, chăm chỉ và kiên trì nhất; cố gắng tính toán để tiết kiệm chi phí ban đầu, chọn sản phẩm thật kĩ, tránh “đụng hàng” với các đại gia, không ngừng cải tiến chất lượng và đổi mới sản phẩm.

Cuối cùng, CEO Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh, nếu muốn giàu nhanh thì đừng khởi nghiệp, bởi chỉ có 5% startup trên thế giới là thành công. Chỉ khi bạn có đam mê và sự chăm chỉ, chịu khó thì mới có thể trụ vững và lọt vào 5% ít ỏi đó; và phải sau 5-7 năm, khi công ty có sản phẩm, thị trường ổn định, doanh số và lợi nhuận tăng đều thì mới có thể gọi là khởi nghiệp thành công.

Theo Đào Thị/Doanh nhân và Pháp luật