"Đấy là điều tôi cứ đau đáu suy nghĩ mỗi sáng".
Là diễn giả nữ duy nhất của phiên thảo luận "Kỹ thuật số vì những điều tốt đẹp" (Digital for Good) trong khuôn khổ Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19), CEO ESP Capital Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ: "Điều thôi thúc tôi mỗi sáng thức dậy là làm sao đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới, chứ không phải là công xưởng mới của thế giới. Đấy là điều tôi cứ đau đáu suy nghĩ mỗi sáng".
Vy cũng cho rằng, một trong những lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng là Giáo dục.
"Làm thế nào kích thích, khơi dậy ý tưởng bên trong cho mọi người là điều quan trọng", cựu nữ tướng Adayroi nhìn nhận.
Chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề giáo dục đào tạo, Vy cho biết có một câu chuyện rất truyền cảm hứng cho cô mà cô muốn nghiên cứu thêm trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu: Tất cả các CEO công ty lớn về công nghệ như Microsoft, Google… đều xuất thân từ Ấn Độ.
"Họ đều sinh ra ở Ấn và sau đó sang Mỹ", Vy nói.
"Anh tôi làm việc tại Mỹ cho biết: Tất cả sếp lớn của anh đều là người Ấn Độ".
Sau khi tìm hiểu, Vy nhận thấy trẻ em Ấn Độ được tiếp cận công nghệ rất sớm. Do đó, Giám đốc ESP Capital tán thành ý kiến về việc trẻ em cần được đào tạo thêm về công nghệ mới thay vì chỉ toán học truyền thống tại nhà trường.
Theo nhìn nhận của Vy, bên cạnh mảng Giáo dục, còn có 4 lĩnh vực tiềm năng khác trong giới startup, gồm:
1- Chăm sóc sức khoẻ
Y tế là một ngành đóng vai trò quan trọng. Vy cho rằng ngành này có thể tạo ra thêm 14 -15 triệu việc làm mới.
"Đây là cơ hội cho các startup. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia để thúc đẩy và cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam", Vy nói.
2- Fintech
3- Môi trường
"Theo một báo cáo hồi năm ngoái, chúng ta đứng thứ 17 về tình trạng ô nhiễm nên chúng tôi rất quan ngại về vai trò của công nghệ số hiện nay trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Bởi nếu như không khí ở Việt Nam ngày càng ô nhiễm, dù ở Hà Nội hay TPHCM thì chúng ta cũng sẽ chịu tác động rõ ràng về mặt sức khoẻ", Vy nói.
4- Tạo điều kiện cho người yếm thế tiếp cận được thành tựu về công nghệ
Vy cho biết hiện Việt Nam có 6,4 triệu người khuyết tật. Nhờ công nghệ, chúng ta có thể cung cấp các giải pháp hỗ trợ người khiếm thị có thể học hành, nghiên cứu, thậm chí chúng ta đã có những Thạc sỹ là người khiếm thị.
"Chúng tôi thấy công nghệ sáng tạo đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc hỗ trợ cuộc sống những người yếm thế trở nên tốt đẹp hơn. Công nghệ mới cần trao thêm quyền, năng lực cho mọi người. Đấy là điểm chính chúng ta cần hướng tới", Giám đốc ESP Capital nhìn nhận.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ