Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn: Đại gia “sừng sỏ” của các thương vụ M&A bom tấn trên thị trường

21/06/2021 12:53

Ông Nguyễn Văn Tuấn, hay còn được gọi là đại gia Tuấn “mượt”, đang đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam và Chủ tịch HĐQT Viglacera.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc GELEX là ai?

Ông Nguyễn Văn Tuấn sinh ngày 06/03/1984 với nguyên quán tại Hà Nam. Hiện nay, ông đang cư trú tại khu Vinhomes Riverside, Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Trong giới doanh nhân, ông khá nổi tiếng với biệt danh Tuấn "mượt", đồng thời là lãnh đạo của hàng loạt doanh nghiệp.

Về trình độ học vấn, ông có bằng Cử nhân Thương mại quốc tế - Đại học Thương mại năm 2009 và bằng Cử nhân Tài chính - Ngân hàng.

Hiện nay, ông Tuấn đang giữ vị trí Thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) và Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm 2019, ông Tuấn cũng từng giữ chức Chủ tịch của hai công ty con mà Gelex sở hữu 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX (bổ nhiệm 1/9/2016) và Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX (bổ nhiệm ngày 5/12/2016).

Ngoài ra, tại CTCP Công ty CP Dây cáp Điện Việt Nam (Cadivi, mã: CAV), ông Nguyễn Văn Tuấn còn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT.

CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn: Đại gia “sừng sỏ” của các thương vụ M&A bom tấn trên thị trường - ảnh 1

Chân dung ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc GELEX là ai?

Ngày 16/4 vừa qua, HĐQT của CTCP Thiết bị điện (Thibidi, mã: THI) bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2019 – 2014. Hiện, Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX đang sở hữu 80,31% vốn điều lệ của Thibidi.

Về tài sản, ông Nguyễn Văn Tuấn đang nắm giữ số lượng 86,500,000 cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam, chiếm tỷ lệ 11.07% tính đến ngày 02/06/2021, có giá trị lên tới 2,032.8 tỷ VNĐ, xếp hạng No 70 trên TOP 200 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, mẹ của ông là bà Đào Thị Lơ cũng đang sở hữu số lượng 15,000,000 cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam, tính đến ngày 20/11/2020, có giá trị lên tới 352.5 tỷ VNĐ.

Tại các tổ chức có liên quan, đại gia Tuấn “mượt” còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, đơn vị đang nắm giữ số lượng 45,348,000 cổ phiếu VCW của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà tính đến ngày 10/07/2020 có giá trị lên tới 2,131.4 tỷ VNĐ và số lượng 15,802,005 cổ phiếu PXL của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Dầu khí-Long Sơn tính đến ngày 05/06/2020, có giá trị lên tới 156.4 tỷ VNĐ.

Hành trình sự nghiệp của đại gia Tuấn “mượt”

Từ 2013 đến năm 2018, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hạ tầng Fecon.

Từ 03/2016 đến tháng 04/2019, ông làm Thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Đường Sông Miền Nam.

Từ 04/2016 đến tháng 04/2019, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam.

Từ 09/2016 đến tháng 04/2018, ông làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện.

Từ 09/2016 đến tháng 01/2018, ông làm Thành viên thường trực Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam.

Từ 12/2016 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX.

CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn: Đại gia “sừng sỏ” của các thương vụ M&A bom tấn trên thị trường - ảnh 2

Ông Tuấn hiện tại xếp hạng No 70 trên TOP 200 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam

Từ 05/2017 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dây cáp Điện Việt Nam.

Từ 07/2017 đến nay, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH S.A.S – CTAMAD.

Từ 01/2018 đến nay, ông làm Thành viên Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam.

Từ 04/2018 đến năm 12/2019, ông làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX.

Từ 04/2019 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị Điện.

Từ 06/2019 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Viglacera – CTCP.

Từ 01/2020 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị Điện GELEX.

*Dữ liệu tổng hợp theo CafeF, có giá trị tham khảo

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Dấu ấn đậm sâu tại GELEX

Cuối năm 2015, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam – Gelex bất ngờ được Bộ Công Thương bán ra hơn 122 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ, thu về hơn 2.100 tỷ đồng). Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một kỷ lục chưa từng có tại thời điểm đó, cũng là một sự kiện thoái vốn hi hữu của Nhà nước. Câu hỏi về ông chủ của GELEX thời điểm sau đó là ai được nhiều người tìm kiếm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn bất ngờ được bầu là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Gelex vào ngày 6/9/2016. Sau đó, ông tiếp tục được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex vào tháng 1 năm 2018.

Trở thành người điều hành cấp cao nhất, ông Tuấn đã tái cấu trúc Gelex theo 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Sản xuất kinh doanh thiết bị điện, năng lượng, kinh doanh bất động sản và logistics.

Thông qua việc sở hữu chi phối các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu về dây và cáp điện là tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD), công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), cùng với thành lập Công ty TNHH MTV Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric), Gelex nhanh chóng trở thành nhà sản xuất và kinh doanh vật liệu, thiết bị điện lớn nhất Việt Nam có sự quản lý thống nhất và sức mạnh tổng hợp.

CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn: Đại gia “sừng sỏ” của các thương vụ M&A bom tấn trên thị trường - ảnh 3

Tại lĩnh vực bất động sản, công ty TNHH MTV Gelex Land được thành lập, tham gia nhiều dự án trọng điểm có địa điểm tại các vị trí vàng tại các thành phố lớn như: tòa nhà văn phòng cao cấp Gelex Tower 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng; tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm.

Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến là những thương vụ M&A đình đám của GELEX dưới thời ông Nguyễn Văn Tuấn như là những vụ M&A công ty Cổ Phần kho vận miền Nam (Sotrans), tổng công ty Cổ phần Đường Sông miền Nam (Sowatco), công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)…

Theo Nghị định 71/2017, từ tháng 8/2020, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) của cùng một công ty đại chúng. Đến ngày 20/8, ông Tuấn rời cương vị chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hoa Cương trở thành người kế nhiệm vị trí này. Tuy không còn nắm giữ vị trí cao nhất trong HĐQT nhưng về bản chất, GELEX vẫn là “cuộc chơi” của vị đại gia 8x trẻ tuổi.

Dưới thời kỳ này, Gelex phát triển rực rỡ với doanh thu mạnh mẽ qua các năm. Điển hình như năm 2017, doanh thu gần đạt mốc 12.000 tỷ đồng thì tới năm 2020, con số đã đạt gần mốc 18.000 tỷ đồng. Doanh thu mục tiêu của GELEX cho năm 2021 là con số 33.000 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương vụ “bom tấn” thu mua Viglacera của đại gia Tuấn "mượt"

Bắt đầu từ tháng 4 năm 2019, một thương vụ “bom tấn” khác xảy ra trên thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam khi Gelex chính thức mua lại cổ phần tổng công ty Viglacera. Con số doanh nghiệp này nắm giữ tại thời điểm đó lên tới 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%.

CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn: Đại gia “sừng sỏ” của các thương vụ M&A bom tấn trên thị trường - ảnh 4

Vào tháng 10 cùng năm, Gelex thông qua công ty con là công ty TNHH Thiết bị điện Gelex tiếp tục mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu tăng lên đến 19,43% với 87,1 triệu cổ phiếu trong lần 1 và tiếp tục mua 27 triệu cổ phiếu VGC từ Bộ Xây dựng, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên đến 24,96% trong lần 2.

Tháng 10 năm 2020, hơn 94,6 triệu cổ phiếu VGC được GELEX mua thành công, mức tỷ lệ sở hữu đã tăng tới 46,07% vốn điều lệ tại Viglacera.

Ngày 6/4/2021, Tổng công ty thiết bị điện Gelex công bố đã hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Tổng công ty Viglacera, tiến tới hợp nhất kết quả kinh doanh.

Tại thời điểm này, việc hợp nhất Viglacera sẽ đem tới nhiều lợi ích cho GELEX như là cải thiện biên lợi nhuận gộp cũng như chỉ các chỉ tiêu tài chính hiện nay (của Gelex giao động trong khoảng từ 15-17%, trong khi biên lợi nhuận gộp của Viglacera là 25%); cải thiện hệ số vay nợ, giúp giảm chi phí vốn vay và gia tăng khả năng huy động vốn dài hạn; kỳ vọng tăng trưởng về doanh thu thuần, lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước thuế lần lượt là 59%, 86% và 156%.

Theo Phương Thúy/Doanh nhân Việt Nam

https://doanhnhanvn.vn/chan-dung-ceo-gelex-nguyen-van-tuan-dai-gia-ma-sung-so-34427.html