Khi làm ăn với đối tác nước ngoài, chỉ cần một doanh nghiệp Việt thiếu chữ tín, lập tức tạo nên định kiến xấu và sẽ rất khó để các doanh nghiệp khác có cơ hội.
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Việt Hương với 37 năm bươn chải trên thương trường, kinh qua đủ mọi loại hình doanh nghiệp lớn nhỏ nhìn nhận, sở dĩ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam khó lớn là bởi hoặc họ không chịu lớn hoặc không thể lớn, nguyên nhân đến từ cả 2 phía: Tự thân doanh nghiệp và cả nhà nước.
"Không phải tôi, mà còn nhiều lãnh đạo các công ty nhỏ và vừa, trong suốt quá trình kinh doanh không ít lần tự vấn bản thân: doanh nghiệp của mình có cần phải trở nên lớn hay không? Bởi, lớn làm chi khi lớn sẽ là mục tiêu làm khó của các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp nhỏ 5 năm kiểm tra 1 lần, doanh nghiệp lớn 1 năm kiểm tra 5 lần.
Công ty tôi giờ không còn nhỏ nhưng để được như ngày hôm nay, trong 37 năm qua tôi đã vượt qua bao nhiêu bão táp, sóng gió mà ít người có thể hình dung được", ông Hàng Vay Chi chia sẻ.
Theo ông Chi, không phải cứ chủ doanh nghiệp muốn doanh nghiệp lớn thì nó sẽ lớn. Với 20 năm làm công việc kêu gọi đầu tư ở các khu công nghiệp, ông Chi rút ra 2 kết luận: sở dĩ SMEs Việt Nam khó lớn và thua ngay tại sân nhà là bởi thiếu chữ tín cũng như không nhận được đầy đủ sự hỗ trợ từ nhà nước.
Vị CEO này chia sẻ, dù là người nào cũng cần phải có chữ tín trong làm ăn, nếu mình không có chữ tín, sản phẩm mình đưa ra không ai tin tưởng, thương hiệu của mình cũng không có giá trị.
"Tôi có người bạn ở công ty Pou Chen, công ty chuyên gia công giày thể thao gần như lớn nhất thế giới, cho các nhãn hàng như Nike, Adidas, Asics, New Balance.. hầu hết công ty bán nguyên phụ liệu hoặc gia công cho Pouchen đều là công ty nước ngoài.
Tôi từng giới thiệu một vài công ty cung cấp phụ liệu hoặc làm một vài chi tiết của giày của Việt Nam cho Pou Chen, nhưng làm một hai lần họ lại quay về với các công ty phụ trợ có vốn nước ngoài", ông Chi cho biết.
Theo phân tích của ông Chi, quán tính của các công ty Việt Nam: khi sản xuất không đạt, việc đầu tiên không phải nghĩ đến việc mang hàng về tái chế lại, mà nghĩ làm sao 'chạy' cho lọt. Tuy nhiên có thể lọt khâu đầu thôi, còn vào ban kiểm soát của Pouchen là hết cửa. Vì một công ty Việt Nam làm như vậy, nên Pouchen nghĩ tất cả các công ty Việt Nam đều vậy.
Do đó, tất cả các công ty phụ trợ cho Pou Chen đều là doanh nghiệp FDI, mặc dù Pou Chen biết các công ty FDI làm ra sản phẩm đắt hơn công ty Việt Nam, nhưng họ vẫn chấp nhận.
Trong các khu công nghiệp của ông Chi, có 40 nhà máy làm đế giày cho Pouchen nhưng không có bất cứ nhà máy nào của người Việt.
"Thứ hai, chính sách phải hỗ trợ tới những người làm sản xuất. Các doanh nghiệp FDI phải có thị trường rồi, họ mới vào đầu tư, xây nhà máy, những rủi ro mạo hiểm như không có thị trường tiêu thụ hàng hóa rất là thấp. Ngược lại, doanh nghiệp nghiệp Việt Nam mình đi kiếm tiền – vay tiền, tìm đất đai xây xong nhà máy và vẫn chưa biết thị trường ở đâu.
Như vậy, chúng ta đã thua ngay từ vạch xuất phát. Mọi chuyện cứ mãi tuần hoàn như vậy, mình càng ngày mình càng thua, không chỉ thua trên sân người ta mà thua ngay trên sân nhà mình", ông Chi nói thêm.
Ông Chi kiến nghị, nhà nước, nhất là các trung tâm nghiên cứu kinh tế, hiến kế và định hướng cho các doanh nghiệp tìm hiểu sâu thêm thị trường, làm sao chấm dứt tình trạng trạng xấu này.
Tuy nhiên, trước khi chờ đợi sự hỗ trợ của nhà nước, các SMEs cần phải biết 'nghĩ lớn, làm lớn', đặt chữ tín lên làm đầu trong kinh doanh.
Theo Quỳnh Như/TheLeader