Từng mong muốn trở thành DJ chuyên nghiệp, việc học ngôn ngữ lập trình đã tạo nên bước ngoặt lớn cho cuộc đời của "cha đẻ" ứng dụng Instagram phổ biến toàn thế giới.
Kevin Systrom (34 tuổi, đến từ Mỹ) là người đồng sáng lập Instagram - ứng dụng chia sẻ hình ảnh đạt hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới. Anh là một trong những CEO trẻ tuổi trở thành tỷ phú do Forbes xếp hạng.
Để có được thành công như hiện tại, ít ai biết rằng vị lãnh đạo nổi tiếng này là lập trình viên tay ngang, đi lên bằng con đường tự học trên Internet. Anh chàng từng tranh thủ học lập trình vào ban đêm nhằm theo đuổi mục tiêu của mình.
Trở thành tỷ phú sau 18 tháng
Kevin Systrom chia sẻ: "Ở mỗi thời điểm, tôi luôn đam mê và theo đuổi duy nhất thứ gì đó".
Những sở thích cá nhân và ý chí tìm tòi đến cùng đã tạo nên người trẻ đa tài, nhiều màu sắc trong anh, góp phần tạo nên một Instagram độc đáo.
Ở tuổi thiếu niên, Systrom mong muốn trở thành DJ, thậm chí từng viết thư gửi cho cửa hàng băng đĩa và làm nhân viên ở đó. Chàng trai chưa đủ 18 tuổi đã tham gia các câu lạc bộ đêm để thỏa mãn niềm yêu thích, cũng như thu thập nhiều bản thu âm.
Khi còn học cấp ba, bắt nguồn từ sở thích chơi game (không phải do đam mê công nghệ), vị CEO này từng học một số ngôn ngữ lập trình. Lúc đó, công việc lập trình chẳng có chút ấn tượng nào trong đầu anh.
Bước vào đại học ở Stanford, Kevin lại tìm thấy niềm hứng thú trong việc kinh doanh, đầu tư. Được tiếp cận với nhiều kiến thức về tài chính, quản lý, nam sinh bắt đầu dấn thân vào những dự án khởi nghiệp khác nhau.
Sau khi lấy bằng đại học, Systrom đầu quân cho Google với vai trò quản lý sản phẩm sáng tạo liên kết.
Đam mê nhiếp ảnh và du lịch, Instagram chính là đứa con tinh thần bắt nguồn từ niềm yêu thích các bức ảnh mang màu sắc hoài cổ của anh. Từng có thời gian anh tham gia vào lớp nghệ thuật số, sử dụng photoshop chỉnh sửa những tấm hình trở nên thú vị.
Systrom nói rằng "Instagram là giao điểm của nghệ thuật và khoa học" - hai niềm yêu thích lớn nhất của anh.
"Instagram được tạo ra vì chúng tôi nhận thấy không có chỗ dành riêng cho hình ảnh di động và mong muốn có thể giúp đưa những bức ảnh chụp bằng điện thoại đến với cuộc sống, cho mọi người cùng chiêm ngưỡng", đó là mục đích Instagram được hình thành.
Systrom chia sẻ về bức ảnh đầu tiên khi hình thành nên trang chia sẻ hình ảnh lớn nhất toàn cầu hiện nay: "Hồi đó, không có cách nào để thể hiện những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn, như nó đã xảy ra. Facebook vẫn chủ yếu là máy tính để bàn và Twitter hầu như không có bất kỳ hỗ trợ ảnh nào".
Instagram đã giúp mọi người có cơ hội chia sẻ những gì đang xảy ra trong cuộc sống theo cách trực quan.
Chỉ 18 tháng sau khi thành lập công ty, với 13 nhân viên phục vụ 30 triệu người dùng, Systrom và người đồng sáng lập Mike Krieger trở thành mục tiêu trong cuộc chiến đấu thầu giữa Twitter và Facebook.
Năm 2012, Instagram được mua lại bởi Facebook với giá một tỷ USD, biến hai nhà sáng lập trở thành những tỷ phú ở độ tuổi còn rất trẻ. Đây thực sự là thành công đầy bất ngờ và cũng là mơ ước của biết bao người làm start up (khởi nghiệp).
Đi đến thành công nhờ tự học trên mạng
Systrom quan niệm: "Chú tâm vào một thứ và cố gắng làm nó thật tốt sẽ giúp bạn tiến rất xa".
Sinh ra tại vùng ngoại ô giàu có của bang Massachusetts (Mỹ), cha làm quản lý nhân sự và mẹ làm quản lý bán hàng, Systrom có được những tiền đề nhất định để phát triển bản thân. Dù vậy, thành công có được của anh là từ quá trình học hỏi hết mình.
Tỷ phú 34 tuổi là tấm gương sáng cho việc đi lên từ con đường tự học. Vốn dĩ không phải người được đào tạo về lập trình chính thống, từ khi còn ít tuổi, anh đã tự học hỏi mọi kiến thức liên quan trên Internet. Mọi thứ có được đều do tự mày mò tìm hiểu trên mạng, rồi hiện thực hóa bằng các dự án của mình.
Anh từng tuyên bố sẵn sàng làm việc ở bất kỳ vị trí và mức lương nào cũng được, chỉ với mong muốn được học hỏi ở những người tài giỏi hơn mình.
Năm 2008, khi cảm thấy công việc quản lý không có sự phát triển, chàng trai đã rời Google, đến với dự án start up của các cựu nhân viên Google - nơi anh có thể học tất cả kỹ năng như lập trình, dựng trang web. Đó cũng là những kinh nghiệm ban đầu để anh sáng lập nên thương hiệu của riêng mình.
Ở tuổi 34 với sự nghiệp thành công, Kevin Systrom vẫn luôn học hỏi và phấn đấu cho sự phát triển của chính mình.
Năm 2010, từ khi còn làm tại dự án Nextstop của Facebook, Systrom đã bỏ thêm thời gian để học lập trình vào ban đêm. Anh cũng được biết đến như thành viên hoạt động sôi nổi tại Quora - ứng dụng chia sẻ tri thức trực tuyến.
Quan điểm của vị lãnh đạo luôn cho rằng một người khó có thể thành công nếu không dành hết thời gian và tâm trí cho điều mình theo đuổi. Công nghệ ngày nay phát triển nhanh đến chóng mặt, đó là cuộc đua không hồi kết mà sự thay đổi diễn ra là yếu tố tạo nên thành công, là cơ hội vàng cho những công ty nhỏ có thể tận dụng để tạo nên bước tiến cho mình.
Luôn trân trọng những người đồng hành với mình
Khi "ứng dụng tỷ đô" Instagram mới phát triển, Kevin Systrom cùng đội ngũ nhân sự của mình làm việc đến mức không có khái niệm về ngày nghỉ: "Trong giai đoạn khởi đầu, tôi dành hầu hết thời gian cho công việc. Tôi đã bỏ lỡ ngày sinh nhật, các bữa ăn tối, buổi tụ họp gia đình vào dịp cuối tuần".
"Thật sự, lúc đó, tôi không có nhiều lựa chọn giữa làm việc trên Instagram với việc nó sẽ sụp đổ hoặc không hoạt động. Trong một giai đoạn, chúng tôi phải làm việc liên tục, chạy đua với thời gian để phát triển ứng dụng theo cách phù hợp", anh nói.
Áp lực công việc tại thung lũng Silicon là điều ai cũng đoán được. Đó là nơi những khối óc tinh anh nhất cùng chạy đua để tạo nên giá trị vượt bậc. Đó cũng chính là gánh nặng nhiều người trẻ khi đối mặt không thể vượt qua.
Một trong những yếu tố tạo nên thành công của Instagram hiện tại chính là sự thấu hiểu của CEO đối với nhân sự. Tạo nên môi trường làm việc cởi mở, giảm bớt gánh nặng trong tâm trí là ưu tiên lớn của Systrom.
Công ty thường xuyên làm các phiếu điều tra ẩn danh để kiểm tra sức khỏe nhân viên và tôn trọng ngày nghỉ cuối tuần của họ. Những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng giúp nhân viên được thư giãn sau thời gian làm việc hết mình.
Không thể thành công nếu chỉ có một mình, người điều hành Instagram trân trọng những người đồng hành.
Từ đội ngũ nhân sự 13 người trước khi gia nhập chung một nhà với ông lớn Facebook, cho đến khi quản lý lượng nhân viên hơn 500 người như hiện nay, Systrom vẫn luôn coi họ là chiến hữu, những người cùng chí hướng và đam mê với mình.
CEO trẻ tuổi cho rằng không cần quá nhiều nhân viên, bạn chỉ cần tìm những người nhiệt huyết và thực sự có cùng chí hướng.
Theo Đào Phương/Zing