CEO 8X Nguyễn Huy Du cho rằng trong kỷ nguyên 4.0, công nghệ 4.0 là phương tiện, văn hóa 4.0 là nền tảng, tư duy 4.0 là vũ khí, tài chính 4.0 là tấm khiên và con người là nguồn gốc...
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10, ông Nguyễn Huy Du - Founder & CEO Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục thông minh (SED.U) chia sẻ với VTC News về thách thức và cơ hội của doanh nhân Việt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0).
- Ông cho rằng điều gì sẽ giúp những doanh nhân trẻ không bị lỡ chuyến tàu cách mạng công nghệ 4.0?
Xuất phát từ tầm nhìn và nhận thức, khi chúng ta nhìn không rõ hoặc không tự nhận ra chúng ta sẽ tiếp tục đi theo con đường cũ hoặc chuyến tàu cũ. Chuyến tàu CMCN4.0 là kiến trúc mở với hình mẫu hoàn toàn mới: Thời gian xuất phát là mọi lúc, điểm xuất phát là mọi nơi, điểm đến là nơi mà nhu cầu của con người trong xã hội cần đáp ứng. Doanh nhân trẻ cần trang bị các kiến thức và phương tiện về chuyển đổi số. Nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số là cơ sở để chúng ta có được tấm vé 4.0 trong tay.
Ông Nguyễn Huy Du (phải) trong lễ ra mắt sản phẩm The Smart Light.
- Vậy đâu là vũ khí cạnh tranh quan trọng nhất khi khởi nghiệp thời 4.0?
Sáng tạo và kết nối! Nếu start-up hay doanh nghiệp khởi nghiệp có được 2 điều này sẽ có nhiều cơ hội để thành công. Tuy nhiên, không thể thiếu sự kiên trì. Thật bình tĩnh để tìm ra hướng vượt qua các khó khăn, lúc này nếu hệ thống nhân sự trong công ty có nhiều chỉ số AQ cao, doanh nghiệp đó có thêm nhiều lợi thế để vượt cạn.
Thời 4.0, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, tác quyền, tác giả... Những sáng chế, những cải tiến, những kỷ lục đều là tài sản của doanh nghiệp. Hãy quan tâm để tạo ra nhiều nhất có thể.
- Khi bước vào kỷ nguyên 4.0, người lãnh đạo cần có phẩm chất gì?
Người lãnh đạo thời nào cũng cần nhất ngoài tài năng định hướng dẫn lối là khả năng tập hợp, quy tụ con người, và các nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo thời 4.0 cần yêu cầu thêm khá nhiều yếu tố thời đại như: Xây dựng nhân hiệu, thích ứng công nghệ mới, những quyết định đột phá, quản trị khủng hoảng truyền thông...
Người lãnh đạo không chỉ tốt về IQ (chỉ số thông minh) EQ (chỉ số cảm xúc), SQ (chỉ số xã hội) mà AQ (chỉ số vượt khó) cũng phải đạt điểm ưu. Thời 4.0, thước đo là tốc độ nên cân bằng giữa đột phá và bền vững là rất khó khăn trong mọi hoạch định của lãnh đạo. Thường họ sẽ nhìn toàn cục cộng hoàn cảnh thực tại để ra quyết định.
Người đưa ra mọi thách thức với lãnh đạo thời 4.0 là chính bản thân họ, là khát vọng, hoài bão của họ và doanh nghiệp họ. Nếu nói đến phẩm chất người lãnh đạo thì tôi cần: trung thực, cầu thị, hợp tác, cam kết và kiên trì.
- Cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có phải chỉ là cuộc chơi của những “ông lớn” có tiềm lực công nghệ, tài chính, nhân sự?
Chỉ đúng một nửa khi nói chỉ ông lớn cơ hội nhiều hơn, bởi 4.0 sẽ trở thành điểm yếu của ông lớn khi quyết định chọn chuyển đổi số, chi phí và rủi ro to đúng bằng kích thước hiện tại của họ. Ngoài ra họ sẽ phải lưỡng lự chọn lựa giữa thứ đang có và sắp có, đó là thách thức đủ làm đau đầu của các ông lớn.
Doanh nghiệp nhỏ ở hoàn cảnh khác, muốn làm truyền thống thì thị phần đã rất hẹp, start-up lại càng rộng mở hơn khi cánh cửa duy nhất để bước tới tương lai của họ là chuyến tàu 4.0. Vì vậy cơ hội là ngang nhau, quan trọng sự khác biệt và thế mạnh thực sự của bạn là gì? Câu hỏi đó nội tại trả lời được một nửa, thời gian sẽ trả lời nửa còn lại.
- Nhiều ý kiến cho rằng thời đại cách mạng 4.0 thì công nghệ là quan trọng nhất. Ông quan điểm thế nào? “Văn hóa 4.0”, “tư duy 4.0” có quan trọng?
Người lãnh đạo không chỉ tốt về IQ (chỉ số thông minh) EQ (chỉ số cảm xúc), SQ (chỉ số xã hội) mà AQ (chỉ số vượt khó) cũng phải đạt điểm ưu.
CEO Nguyễn Huy Du
Nói đến thứ gì quan trọng thì hoàn cảnh sẽ quyết định, tuy nhiên theo góc nhìn của tôi: Thời nào thì con người cũng ở vị trí trung tâm. Công nghệ 4.0 là phương tiện, văn hóa 4.0 là nền tảng, tư duy 4.0 là vũ khí, tài chính 4.0 là tấm khiên và con người là nguồn gốc... Thời nào thì mỗi nhân tố được liệt kê đều là mắt xích, là mảnh ghép trong chuỗi cũng ứng, chuỗi giá trị.
Sự thú vị ở chỗ thời 4.0 thì công nghệ được truyền thông nhắc đến nhiều mà thôi, còn quan trọng nhất phải là con người.
- Doanh nhân là người làm kinh doanh, tức là kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Nhưng doanh nhân cũng cần phụng sự xã hội thông qua những sản phẩm hay dịch vụ của mình. Theo ông doanh nhân thời 4.0 phải cân bằng hai tinh thần này như thế nào?
Mục đích sẽ khó thay đổi nhưng mục tiêu luôn cần điều chỉnh theo hoàn cảnh, doanh nghiệp sẽ tự dịch chuyển và điều chỉnh các mục tiêu theo từng hoàn cảnh của họ. Bản chất kinh doanh không phải duy nhất là kiếm tiền, nhân tiền mà kinh doanh bản chất là giải quyết vấn đề của khách hàng.
Ai giải quyết tốt hơn, nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn thì tiền sẽ được khách hàng trả công tương xứng hơn. Chữ phụng sự xã hội, phụng sự Tổ quốc là hiểu theo ý đó giúp tiếp cận về bản chất của kinh doanh sẽ dễ hơn.
Khi doanh nhân, doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền theo cách chân chính thì họ đã phụng sự xã hội tốt. Thời 4.0 thì kinh doanh có thêm những yếu tố mới như: kiến tạo giá trị mới, trách nhiệm xã hội, khát vọng cống hiến... Mọi sự cân bằng có được xuất phát từ quá trình tự nhận thức và tự giác ngộ của mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp.
- Có ý kiến cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chủ yếu là vấn đề của các doanh nghiệp lớn, còn với doanh nghiệp start-up thì chưa cần thiết, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Văn hóa kết tụ từ bản sắc và phong cách. Bản sắc (giá trị chất cốt lõi) và phong cách (giá trị hiển thị ngoài) là điều mỗi doanh nhân, doanh nghiệp sớm xác định để tìm ra, tạo ra, duy trì và phát triển. Doanh nghiệp lớn cuốn hút bởi phong cách, chinh phục bởi bản sắc. Start-up hay doanh nghiệp khởi nghiệp sớm có được điều này là rất tốt. Điều này bắt đầu từ người sáng lập và đội ngũ lãnh đạo.
Nôm na hiểu thế này, cũng như con người, nếu một doanh nghiệp không có văn hóa thì chỉ dễ giao du, làm ăn với những doanh nghiệp vô văn hóa. Vì vậy, ngoài việc tính toán vượt khó khăn, tạo đột phá, thì điều doanh nghiệp cần làm là việc sớm hình thành văn hóa doanh nghiệp theo từng giai đoạn.
Thời 4.0 hay thời nào cũng vậy, lãnh đạo và nhân sự trong doanh nghiệp luôn cần những tính cách: Tính trung thực, tính cầu thị, tính hợp tác, tính cam kết và tính kiên trì. Văn hóa doanh nghiệp sẽ được hình thành bởi như con người hành động từ những tính cách đó.
- Là CEO trong kỷ nguyên 4.0, ông thấy mình đang gặp phải những thách thức và cơ hội gì?
Hạnh phúc là có được thứ mình cần - Thành công là đạt được điều mình muốn. Là con người cơ bản đều có hai mưu cầu đó. CEO bản chất cũng là một vị trí, một công việc luôn có cơ hội và thách thức. Đặc biệt, thời 4.0 mỗi người đều là một chủ doanh nghiệp (mỗi công dân toàn cầu đều sẽ có mã số thuế gọi là Tax Citizen Number - TCN), và ai cũng đều là CEO của cuộc đời mình.
Thách thức của mỗi CEO là: Nhìn vấn đề cho đúng, đặt mục tiêu cho đúng, chọn người cho đúng, giao việc cho đúng, ghi nhận thành quả và chia đúng... Nếu không đúng thì CEO đã tự biến cơ hội thành thách thức lớn hơn. Sửa sai là điều đương nhiên của mỗi CEO, nhưng không thể sai kéo dài, sai bền vững.
Tốc độ sửa sai quan trọng hơn hậu quả, thời 4.0 là thời của tốc độ, siêu tốc độ. Để hạn chế hậu quả từ những sai lầm đó, hãy tìm cho chính bản thân mình những nhà tư vấn, những người từng trải để nhận những lời khuyên hữu ích giúp CEO chọn lựa và hành động.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về start-up mà ông đang làm CEO?
Bước đầu chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển (R&D) xong 2 trong 3 sản phẩm chiến lược là đèn học thông minh The Smart LIGHT và bảng học thông minh Smart DESK. Nền tảng mạng xã hội của Mạng Dạy Kèm kết nối gia sư thông minh uTEACHER và học liệu thông minh uBASE cũng được công ty hoàn thiện.
Tất cả đang được chuẩn bị kỹ càng để đưa ra thị trường và đến với người dùng trong thời gian sắp tới. Với mong muốn kiến tạo nên những sản phẩm IoT "Made by Vietnam" và khát vọng xây dựng hệ sinh thái "giáo dục 4.0" với ngôi trường số TOTA đáp nhu cầu tự học và học tập suốt đời của nhiều người.
Hòa Bình
Theo VTC