Trong một tọa đàm do AmCham tổ chức, bà Nguyễn Phương Mai cho biết việc nhân lực Việt Nam từ nước ngoài trở về sẽ là cơ hội tuyệt vời cho thị trường lao động trong nước. Không chỉ giúp các công ty có thêm nhiều lựa chọn mà còn là hồi chuông thức tỉnh đối với nhân tài địa phương rằng cần bớt kén chọn và có ý thức trau dồi kiến thức, kỹ năng nhiều hơn.
Dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn trong hầu hết các lĩnh vực đời sống - kinh tế. Kế hoạch kinh doanh và cả chiến lược nhân sự, tuyển dụng của nhiều công ty cũng vì thế mà buộc thay đổi theo.
Cũng trong vài tháng chống dịch Covid-19 vừa qua, hàng nghìn người Việt Nam đang làm việc hoặc học tập ở nước ngoài đã trở về và bắt đầu tìm cơ hội việc làm tại quê nhà. “Việc thuyết phục họ làm việc cho các công ty trong nước có ý nghĩa như thế nào?”, vấn đề này đã được đem ra thảo luận tại sự kiện online “Human Resources: Ready to bounce back after Covid-19”, được chủ trì bởi Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo Giám đốc điều hành Navigos Search Nguyễn Phương Mai, việc các du học sinh, nhân lực Việt Nam từ nước ngoài trở về là cơ hội tuyệt vời cho thị trường Việt Nam, theo 2 hướng sau:
Thứ nhất, nhà tuyển dụng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao và tính cam kết cao. Lý do bởi những du học sinh này thường đã bỏ ra rất nhiều tiền để theo học ở nước ngoài nhưng không tìm được cơ hội việc làm và trở về Việt Nam. Họ cũng mang động lực lớn, mong muốn tìm việc để xây dựng sự nghiệp, dần hồi lại vốn đã bỏ ra.
Chất lượng cao, động lực lớn, điều duy nhất đáng quan ngại với nhóm nhân lực này là họ sẽ vẫn quan sát xem khi nào thị trường việc làm ở nước ngoài sôi động trở lại và tiếp tục tìm cơ hội tại đó - nơi môi trường phát triển hơn.
“Do đó, nếu là chủ doanh nghiệp, tôi sẽ đưa ra một kế hoạch để vừa có thể thu hút những ứng viên tài năng từ nước ngoài trở về, vừa có chiến lược phát triển nhân lực địa phương", bà Phương Mai chia sẻ quan điểm.
Thứ hai, việc nguồn nhân lực của Việt Nam từ nước ngoài trở về có thể trở thành cơ hội tốt giúp nhân tài trong nước thức tỉnh.
Bà Phương Mai dẫn lời ông Huỳnh Bửu Quang - Phó chủ tịch Ngân hàng Maritime Bank đề cập trước đó, rằng nhân lực ở Việt Nam đang được tận hưởng việc có nhiều sự lựa chọn xa xỉ, họ chọn lấy một trong một số ít các phương án và dần trở nên kén chọn hơn.
Điều này hình thành nên một nhóm người hay một nhóm ứng viên có quan niệm rằng họ không cần đến sự đảm bảo về công việc bởi cơ hội việc làm luôn sẵn có cho mình. Nhưng đây là lúc để thức tỉnh tư duy, thức tỉnh những nhân lực này bởi đã bắt đầu xuất hiện nhiều đối thủ mới có tính cạnh tranh hơn và sẵn sàng nắm lấy cơ hội.
Từ đó, các ứng viên ở địa phương sẽ nhận ra bài học, trở nên nghiêm túc hơn và có ý thức tự trang bị thêm kỹ năng, năng lực để tạo ra giá trị cho tổ chức. Họ cũng nghiêm túc hơn trong cách nhìn nhận về sự đảm bảo trong công việc.
Giám đốc điều hành của Navigos Search cho biết hiện chất lượng của nguồn cung nhân lực vẫn chưa có sự thay đổi thực sự đáng kể: “Mặc dù chúng tôi nhận được nhiều hơn các ứng viên chất lượng cao nhưng họ vẫn thiếu đi yếu tố hòa hợp với công việc (job matching). Đừng quên rằng họ là người từ nước ngoài trở về nên vẫn chưa có kinh nghiệm với thị trường địa phương - điều rất quan trọng mà công ty cần.”
Bàn về thị trường lao động thời Covid, bà Phương Mai khuyên những người đang bị ảnh hưởng hay mất việc nên chủ động hơn. Đơn giản như việc tích cực tham gia sự kiện, hội thảo, chương trình tình nguyện,... để có cơ hội kết nối với những nhà tuyển dụng tiềm năng. Nói cách khác, phải biết tự marketing cho chính mình, thể hiện được thương hiệu cá nhân trước nhà tuyển dụng.
Sau dịch, tất cả nhà tuyển dụng đều sẽ hỏi bạn một câu rằng: “Bạn đã làm gì trong suốt quãng thời gian Việt Nam đóng cửa vì Covid?”. Những ứng viên được chọn vào vòng phỏng vấn tiếp theo là người chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy họ đã dùng thời gian này để nâng cao kỹ năng, kiến thức như thế nào cũng như tinh thần tích cực, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới như thế nào.
T.D
Theo Tổ Quốc