Năm 2018 có thể được coi là một năm phát triển vượt bậc của Thiên An khi đề ra mục tiêu thực hiện ba mảng kinh doanh mới. Anh có thể chia sẻ thêm về tình hình triển khai các mảng kinh doanh này?
2018 có thể coi là một năm nhiều cơ hội nhưng cũng cực kỳ thách thức đối với Thiên An. Nếu như trong quá khứ, mỗi năm Thiên An chỉ đặt ra mục tiêu triển khai một mảng kinh doanh mới thì năm nay chúng tôi tự thách thức chính mình khi triển khai liên tiếp 4 mảng mới. Trong đó có 1 mảng kinh doanh hoàn toàn mới đó là phân phối mỹ phẩm về da. Đây được xem là một trong những bước ngoặt mạnh mẽ mà Thiên An mong muốn thay đổi để tạo ra sự khác biệt với các đối thủ còn lại trong mảng tóc, da tại thị trường Việt Nam.
6 tháng đầu năm, Thiên An đã triển khai được ba mảng kinh doanh chính đó là: Mỹ phẩm chăm sóc tóc Real Star - Ngôi Sao Hoàng Gia đến từ Italia; Mỹ phẩm chăm sóc tóc thương hiệu Ford Cosmetics từ Nhật; Mỹ phẫm chăm sóc da thương hiệu 727, Vina, Beauty Solution từ Nhật. Đó là những bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh năm 2018 của Thiên An và đồng thời hy vọng mang lại khởi sắc mới mẻ cho thị trường mỹ phẩm Việt Nam.
Thương trường luôn là nơi cạnh tranh mạnh mẽ, vậy để tồn tại và phát triển bền vững, Thiên An đã tạo ra sự khác biệt gì?
Không chỉ Thiên An mà tất cả các thương hiệu muốn tồn tại, phát triển thì điều đầu tiên cần tìm kiếm và xây dựng đó chính là sự khác biệt. Theo tôi, tạo khác biệt không có nghĩa là tạo ra sự phi thường, mà khác biệt đơn giản là làm khách hàng nhớ đến mình.
Tại Thiên An, sự khác biệt đầu tiên phải kể đến đó là việc phát triển nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Thiên An không đi theo một mảng kinh doanh nhất định giống như đa phần những doanh nghiệp khác cùng ngành mà chúng tôi phát triển thương hiệu riêng theo từng phân khúc và từng kênh phân phối.
Khác biệt thứ hai là Thiên An luôn tiên phong trong việc phân phối hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thứ ba là Thiên An luôn nỗ lực trong việc mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng. Không chỉ đơn giản là cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt, những chương trình khuyến mại hay quảng cáo, Thiên An còn rất chú trọng đến việc tổ chức những hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo. Thiên An có đội ngũ đào tạo cho khách hàng về nhiều mặt như kiến thức, kỹ năng, chiến lược kinh doanh, marketing…Với Thiên An, khách hàng là đối tác song hành để cùng nhau phát triển theo triết lý kinh doanh “Together We Win”.
Tạo dựng uy tín chính là vấn đề sống còn đối với mỗi thương hiệu, với Thiên An, điều này được thể hiện thế nào?
“Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không thể áp đặt mà cần sự đồng nhất về quan điểm của tất cả các thành viên. Để làm được điều này, tập thể lãnh đạo, nhân viên phải cùng ngồi lại với để bàn bạc, xây dựng một văn hóa phù hợp với chính mình”.
Giữ uy tín được coi là tôn chỉ nằm lòng trong mọi hoạt động của Thiên An ngay từ thời đầu lập nghiệp. Như đã chia sẻ, Thiên An rất rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đây là một trong những khởi đầu cho việc xây dựng hình ảnh uy tín về giá trị thương hiệu của Thiên An ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, marketing của Thiên An luôn xuất phát từ sự thật chứ không nhờ scandal hay chiêu trò. Thiên An chấp nhận khó khăn ban đầu bởi xác định uy tín chính là điểm tựa sức mạnh để phát triển không chỉ thương hiệu hiện tại mà còn cả những thương hiệu, mô hình kinh doanh trong tương lai. Có thể nói, Thiên An đi được đến thành công ngày hôm nay nhờ đôi chân của tập thể đội ngũ nhân viên công ty.
Bên cạnh uy tín, văn hóa doanh nghiệp cũng là được coi là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp đối với sự phát triển của Thiên An nói riêng và các doanh nghiệp nói chung?
Văn hóa doanh nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng và thiết yếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhắc đến một doanh nghiệp, người ta có thể không nhớ về những kết quả, thành công đạt được, mà văn hóa doanh nghiệp mới chính là điều cuối cùng được nhớ tới. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là chiếc áo khoác tô điểm cho hình ảnh doanh nghiệp mà còn là những giá trị được xây dựng, đúc rút và truyền thừa qua nhiều thế hệ.
Tại Thiên An, chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên 5 tiêu chí cơ bản: Tính chuyên nghiệp, Sự lắng nghe , Tính kỷ luật, Sự chia sẻ và Tính đồng đội. Dựa trên những tiêu chí này, tập thể lãnh đạo cùng nhân viên công ty sẽ thực hiện và giúp đỡ nhau để cùng phát triển, tiến bộ.
Nói thì dễ, nhưng thực tế văn hóa không phải là lý thuyết mà là quá trình tự thấm nhuần. Để xây dựng được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp đồng bộ hẳn không phải là điều dễ dàng phải không, thưa anh?
Đúng vậy, chúng ta đều biết một doanh nghiệp là tập hợp của rất nhiều cá nhân. Mỗi cá nhân lại đến từ một gia đình riêng, mang một văn hóa riêng và cá tính riêng. Bởi vậy, trong tất cả mọi khâu xây dựng và phát triển doanh nghiệp, xây dựng văn hóa luôn là khó khăn nhất.
Để có thể xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, chúng ta không thể áp đặt mà cần đồng nhất về quan điểm của tất cả các thành viên. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự nhất trí cao, đồng thuận, lắng nghe, chia sẻ và cam kết cùng nhau xây dựng của mọi người. Để làm được điều này, tập thể lãnh đạo, nhân viên phải cùng ngồi lại với để bàn bạc, xây dựng một văn hóa phù hợp với chính mình. Bên cạnh đó, mỗi người trong tập thể cần có ý thức làm gương, nhắc nhở, hướng dẫn, huấn luyện, thậm chí có cả xử phạt đối với những trường hợp đi ngược lại cam kết.
Ảnh: Trần Bình
Theo Doanh Nhân và Pháp Luật